PGS. TS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nói về tầm chiến lược trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục Việt Nam.
Xác định lại mục tiêu giáo dục phổ thông
PGS. TS Vũ Trọng Rỹ đánh giá cao tầm quan trọng của hệ thống giáo dục phổ thông (GDPT), theo ông, hệ thống này nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Do đó, đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục thì đổi mới hệ thống GDPT là điều tất nhiên. Đó là đổi mới từ tư duy đến hành động nhằm khắc phục những bất cập, yếu kém gây ra những bức xúc cho xã hội hiện nay như; sự quá tải trong học tập của học sinh, đạo đức trong nhà trường xuống cấp, đội ngũ giáo viên bất cập, cơ sở vật chất thiết bị dạy học thiếu, chất lượng kém và hiệu quả sử dụng thấp, quản lí nhà trường mất dân chủ, tiêu cực…
PGS, TS Vũ Trọng Rỹ cho rằng, hệ thống cơ cấu GDPT hiện nay là 5 năm tiểu học, 4 năm THCS, 3 năm THPT đã không còn thích hợp với yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Ảnh Xuân Trung |
“GDPT là nền tảng bởi trên đó xây dựng tiếp các phân hệ khác của Hệ thống giáo dục như giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Mục tiêu đào tạo của GDPT của một quốc gia thực chất là “đơn đặt hàng” của xã hội đối với giáo dục của quốc gia đó” PGS. TS Rỹ nói về vị trí của bậc học phổ thông trong hệ thống nền giáo dục quốc dân hiện nay.
Theo ông, mục tiêu đào tạo của giáo dục sẽ được cụ thể hóa thành một hệ thống, mục tiêu với các tầng bậc khác nhau, mục tiêu giáo dục từng cấp học, lớp học và môn học. Và, để xác định mục tiêu GDPT chúng ta cần có một cách nhìn đúng đắn về năng lực, năng lực chung và chuyên biệt sẽ thúc đẩy sáng tạo, giải quyết vấn đề, hợp tác, thu thập và xử lí thông tin.
Theo PGS, TS Vũ Trọng Rỹ, nếu xác định đổi mới cần phải thay đổi cơ cấu trong hệ thống GDPT, theo ông, hệ thống cơ cấu GDPT hiện nay là 5 năm tiểu học, 4 năm THCS, 3 năm THPT đã không còn thích hợp với yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Cơ cấu này trên thực tế không tạo điều kiện cho phân luồng học sinh mà còn góp phần tạo ra sự mất cân đối trong cơ cấu lao động (thừa thầy, thiếu thợ). PGS. TS Rỹ có đề xuất hai phương án thay đổi GDPT theo hai bậc:
Bậc một: Giáo dục cơ sở (bắt buộc), kéo dài 10 năm (từ lớp 1 đến lớp 10). Mục đích của bậc này là trang bị cho học sinh học vấn phổ thông cốt lõi cần thiết cho một con người sống trong xã hội hiện đại.
Bậc hai: Sau giáo dục cơ sở, kéo dài trong hai năm (lớp 11 và lớp 12). Mục đích là chuẩn cho học sinh học lên cao đẳng, đại học hoặc ra lao động. “Tất cả sự đổi mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân luồng học sinh sau giáo dục cơ sở. Nhà trường trong 10-15 năm tới là nhà trường mở, gắn kết chặt chẽ với gia đình học sinh và cộng đồng” PGS. TS hy vọng mục tiêu giáo dục sắp tới.
Theo PGS, TS Rỹ thì, trong những năm tới nội dung giáo dục cũng cần được thay đổi theo cơ cấu hệt hống giáo dục. Nội dung sẽ tập trung vào giáo dục toàn diện: Đạo đức, trí dục, giáo dục thể chất và sức khỏe, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục lao động, hướng vào việc hình thành nhân cách, năng lực học sinh, được tổ chức thành các môn học (bắt buộc và tự chọn). Thời gian học tập kéo dài trong cả ngày (từ 6-7 tiếng đồng hồ).
Ở góc độ khác nhìn từ chương trình giáo dục bậc phổ thông, ông Hồ Viết Lương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) so sánh, hiện nay hầu hết các nước trên thế giới chương trình GDPT đều được “chạy” theo hướng “Thế tục hóa giáo dục” hay “Nhân văn hóa giáo dục”, tức ngay từ bậc THPT đã “biến” thế hệ trẻ thành những con người đầy tính người trước khi muốn họ trở thành “nhà chuyên nghiệp”.
“Hiện nay chương trình GDPT nước ta vẫn chứa đựng nhiều yếu tố đặc trưng của nền giáo dục quá khứ, từ chương trình giáo dục dựa trên mô hình lấy thầy làm trung tâm, lấy sách giáo khoa làm chủ đạo, chương trình “còn nặng tính tập quyền, nặng về bao cấp, và phải thay đổi” ông Lương cho biết.
Nền GD đổi mới sao cứ tụt lùi?
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục TP Hà Nội nhìn thẳng thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay khi ông nhận định, từ khi đất nước được đổi mới (1986) đến nay, giáo dục Việt Nam đã bao lần cải tiến, đổi mới “càng cải càng lùi”, “không có tiến”, đổi nhưng không mới mà vẫn lạc hậu: “Chúng ta tạm bằng lòng với với những đường lối giáo dục đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã đề ra, nhưng tại sao chúng ta lại không bằng lòng với trình độ phát triển, đến cách thức làm giáo dục, đến kết quả nguồn nhân lực, chúng ta đào tạo đã không đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội?” TS Lâm nói.
Đổi mới từ tư duy đến hành động nhằm khắc phục những bất cập, yếu kém gây ra những bức xúc cho xã hội hiện nay như; sự quá tải trong học tập của học sinh, đạo đức trong nhà trường xuống cấp, đội ngũ giáo viên bất cập, cơ sở vật chất thiết bị dạy học thiếu... Ảnh Website Trường THPT Ngô Quyền. |
Theo TS Lâm, giáo dục được coi là “quốc sách hàng đầu” nhưng trên thực tế ngành giáo dục lại không được ưu tiên chỉ đạo mà đã bị đẩy xuống thứ hạng thấp hơn. “Vấn đề là không phải đã cho giáo dục bao nhiêu phần trăm của GDP, mà người lãnh đạo phải biết sốt ruột, phải biết đau xót làm sao một dân tộc thông minh mà lại để cho giáo dục lạc hậu đến thế. Có thể do cơ chế quản lí đặc thù cho giáo dục không có, không có ai được đóng vai trò nhạc trưởng, thuyền trưởng của giáo dục” TS Lâm nhìn thẳng.
Một mặt khác, TS Lâm cho rằng, nguyên nhân khiến nền giáo dục Việt Nam lạc hậu là không thực hiện được những đường lối giáo dục của mình, không được vận hành theo quy luật kinh tế thị trường “Chúng ta chỉ la lên rằng Giáo dục dang bị thương mại hóa vì giáo dục hiện nay đều bị những mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động. Quy luật kinh tế thị trường là tất cả phải làm ra giá trị của ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Nhưng giáo dục Việt Nam đến nay chưa làm nổi kiểm định chất lượng của tất cả các cơ sở giáo dục. Luật giáo dục không có điều nào bảo vệ người học”.
Để có một nền giáo dục có chất lượng thực sự, theo ông Quốc Chấn (Hội Khoa học tâm lí Giáo dục tỉnh Thanh Hóa) thì, trước hết phải đổi mới toàn diện về nhận thức, hành động, cụ thể là tiến hành cải cách giáo dục từ cấp vĩ mô (Nhà nước, Bộ Giáo dục). Ông Chấn dẫn lời nhà triết học Trung Quốc Tuân Tử rằng: “Nhập hồ nhĩ, Trứ hồ tầm, Bố hồ tứ chi và hình hồ động tĩnh, tức là học tập phải vào lỗ tai, sáng ra trong lòng, phân ra khắp tay chân và thể hiện bằng hành động” để nói lên tinh thần học tập và cầu thị của người xưa.
Lâu nay chúng ta thường có xu hướng đổi mới nền giáo dục bằng cách học tập mẫu hình giáo dục của một số nước tiên tiến trên thế giới, từ hệ thống đến chương trình, nội dung, hình thức nhưng theo ông Chấn như vậy là không hợp lí, vì chất lượng nền giáo dục của mỗi nước tốt hay chưa còn phụ thuộc vào đối tượng được đào tạo đã đáp ứng tốt nhất những yêu cầu kinh tế xã hội của nước đó hay không. Theo ông, không thể rập khuân theo mẫu con người của nước khác, thậm chí những nước được xem là tiên tiến nhất.
Ngân sách cho giáo dục không tương xứng với tình hình giáo dục hiện tại
GS, TS Nguyễn Ngọc Phú (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục Việt Nam) dẫn lời GS Nguyễn Xuân Hãn công bố một con số gần đây cho thấy: Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2006 có 876.159 nhà giáo và cán bộ quản lí được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Khoản dành cho chi thường xuyên của Bộ là 44.957 tỷ đồng.
Nếu theo Bộ GD&ĐT, tiền lương chiếm 85% số chi thường xuyên thì tổng số lương phải là 38.213,45 tỷ đồng. Với quỹ lương này, bình quân lương của cán bộ quản lý, giáo viên công lập sẽ là 3,6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, trong thực tế, lương bình quân mỗi giáo viên chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng. Số chênh lệch này không biết bị thất thoát ở đâu? Nhưng có điều rõ ràng rằng, nếu sử dụng ngân sách nhà nước một cách hợp lý thì chắc rằng tình hình giáo dục của chúng ta không đến nỗi khó khăn như bây giờ.
Nếu theo Bộ GD&ĐT, tiền lương chiếm 85% số chi thường xuyên thì tổng số lương phải là 38.213,45 tỷ đồng. Với quỹ lương này, bình quân lương của cán bộ quản lý, giáo viên công lập sẽ là 3,6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, trong thực tế, lương bình quân mỗi giáo viên chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng. Số chênh lệch này không biết bị thất thoát ở đâu? Nhưng có điều rõ ràng rằng, nếu sử dụng ngân sách nhà nước một cách hợp lý thì chắc rằng tình hình giáo dục của chúng ta không đến nỗi khó khăn như bây giờ.
Xuân Trung