LTS: Tiếp tục đọc giùm bạn những kiến thức bổ ích, trong tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tới độc giả những ghi chép của mình từ cuốn sách “Trò chuyện cùng Dương Ngọc Dũng” của tác giả Nguyễn Đức Lộc và các cộng sự.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Đây là tên một cuốn sách với tác giả là Nguyễn Đức Lộc và các cộng sự, do Nhà xuất bản Văn hoá-Văn nghệ và SocialLife phát hành.
Sách viết theo phong cách “Nhân học đối thoại” nên khá lạ lẫm.
Tôi chỉ xin trích ra ít điều có ích cho việc rèn luyện Kỹ năng sống của các bạn trẻ.
Cuốn sách Trò chuyện cùng Dương Ngọc Dũng (Ảnh: tác giả cung cấp). |
- Tôi quan niệm phải tôn trọng bất kỳ người phụ nữ nào dù xấu hay đẹp. Tôi tôn trọng họ theo nghĩa là tôi xem họ như một nhân thân, là một bản thể ở bên ngoài mình và bản thể ấy cần được đối xử một cách trân trọng. Tôi rất sợ họ bị tổn thương.
- Ước nguyện trong đời của tôi là những đứa con của tôi sẽ lớn lên và sống một cuộc đời thật ổn định.
- Việc đọc sách dẫn tôi vào một thế giới mới hoàn toàn. Thế giới đó có những điều rất đẹp, đó là thế giới tư tưởng, trong thế giới đó người ta bận tâm đến những điều cao siêu. Đối với tôi sách trở thành nơi trú ẩn, bảo vệ tôi khỏi sự tấn công thô bạo của cuộc sống.
- Sau khi đọc một quyển sách, tôi chỉ muốn định hướng cuộc đời mình giống như tác giả, mơ ước mai sau tôi sẽ viết được cuốn sách như vậy.
- Tôi có một quan niệm về đọc sách như thế này: bạn phải tìm kiếm điều gì đó rất lâu trong đầu thì sẽ đến lúc bạn gặp đúng quyển sách đó, nó nằm ở đó để chờ đợi mình. Nó giống như điều mà bạn phải tìm kiếm, cuốn sách đó đã chờ bạn lâu lắm rồi, sẽ có lúc bạn mua đúng cuốn đó.
- Cuộc sống thực nghĩa là bạn phải có cảm nhận. Bạn phải đi tìm điều đó và cuối cùng bạn sẽ gặp. Cũng có thể bạn không gặp, bạn thất vọng, nhưng nếu chúng ta không đi tìm kiếm thì không thể biết là trong cuộc đời này mình sẽ gặp cái gì, tất cả đều mang tính ngẫu nhiên.
- Giống như một câu dụ ngôn trong Kinh Thánh: Cứ gõ thì cửa sẽ mở cho, nếu không gõ thì cửa không mở.
- Tôi rất mong sau này Việt Nam sẽ đủ điều kiện để làm được như vậy. Không được như chương trình học của Harvard thì cũng có thể có được 100 môn học để sinh viên lựa chọn.
Theo tôi điểm hạn chế của Việt Nam là chương trình do Bộ quy định, chưa có mã số thì chưa được dạy.
- Tôi thấy người Mỹ nào cũng căng thẳng, ngay cả thầy giáo đại học cũng vậy. Trong năm phải viết một bài, nếu không thì không được tái ký hợp đồng. Rồi bài của mình phải được đăng trong tạp chí quốc tế, tạp chí chuyên ngành. Ba năm phải ra một cuốn sách. Tiêu chí họ đặt ra ngặt nghèo lắm.
- Tôi nghĩ hay nhất là chúng ta có một nhóm bạn thân tín có cùng niềm tin để chia sẻ với nhau, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau nói chuyện. Tôi vẫn cho đó là hình thức trao đổi tư tưởng tốt nhất, vì chúng ta không che giấu bản thân được, khi đó người ta có thể quan sát anh đang nói thật hay không?
- Có người hỏi Foucault là sao tư tưởng của ông cứ thay đổi liên tục vậy. Đọc cuốn một của ông thấy ông nói thế này, đọc cuốn hai tư tưởng lại khác hẳn. Triết gia thì phải nhất quán chứ. Ông trả lời rằng:“ Tôi nghiên cứu cả đời không phải để nhất quán. Tôi nghiên cứu cả đời để thay đổi bản thân tôi”.
- Chúng ta học hỏi để thay đổi bản thân. Nếu may mắn thì sẽ thay đổi được người khác.
- Cuộc đời do ta tự tạo ra, không có một quyền uy nào thay cho chúng ta quyết định sự chọn lựa đó.
- Chữ tình, chữ tâm, tức là tâm hồn, đạo đức, tình cảm của con người mới là yếu tố quyết định trong mối quan hệ ứng xử. Mọi khía cạnh nhân văn, cộng đồng, văn hoá đều dùng một chữ này là có thể giải quyết mọi mối quan hệ.
Nhưng ở phương Tây có chữ lý, nếu anh không có lý thì không được, cho dù tình cảm cỡ nào, cho dù là bố đẻ tôi vẫn cãi như thường nếu bố nói không có lý.
- Thư viện trường Harvard có tới 12 triệu đầu sách, kể cả những bản thảo gốc. Ví dụ có cả lá thư của Hemingway viết cho người tình. Thậm chí còn có hệ thống 100 thư viện Harvard rải rác trên khắp thế giới.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (40) - Bình thản và tiếp tục vui sống |
Ví dụ tôi vào thư viện tìm cuốn L’ètre de Néant của Jean Paul Sartre mà không có thì tôi sẽ điền phiếu để thư viện gửi qua Pháp. Tuần sau quay lại là có cuốn đó ngay trước mắt.
- Với một sự thông minh trung bình, không cần phải là thiên tài, bất cứ ai cũng có thể trở thành triết gia. Mạnh Tử và Tuân Tử trong truyền thống Nho giáo còn khẳng định bất cứ ai cũng có thể trở thành Thánh nhân. Các thiền sư Trung Hoa đều khẳng định ai cũng có khả năng trở thành Phật.
- Không bao giờ được có thái độ xem triết học là một thứ trang sức cho bản thân. Nhiều người học triết và xem triết là một loại tri thức có thể đem ra phô diễn hay biểu diễn. Đó là một nhầm lẫn lớn.
Triết học không phải là tri thức. Nó là phương tiện giúp chúng ta chất vấn đời sống, đặt lại mọi vấn đề từ nền tảng, không chấp nhận những ý kiến, phán đoán có sẵn, những chân lý “đóng hộp”. Triết học giúp chúng ta sáng suốt hơn, tỉnh táo hơn trong nhận thức, chứ không cung cấp tri thức như các ngành khoa học khác.
- Sự đo lường cường độ của ái tình nằm trong hành động hy sinh thì giờ, tiền bạc và sức khoẻ của bản thân cho tình yêu, chứ không nằm trong những câu tán tỉnh phơn phớt ngoài tai.
- Y đạo Đông phương có thể kể đến: Dưỡng sinh - có một cuộc sống điều hoà, lành mạnh, không để thất tình, lục đục làm rối loạn, tổn hại đến ngũ tạng; Dưỡng tinh - có một đời sống tình dục phù hợp với y đạo; Dưỡng thần - luyện tinh hoá khí, luyện khí hoá thần; Dưỡng hình - rèn luyện thân thể, tập thể dục, thể hình; Dưỡng tính - nuôi dưỡng căn tính tốt đẹp thông qua một cuộc sống đạo đức; Dưỡng thân - chăm lo, gìn giữ sức khoẻ, tập trung vào lục phủ ngũ tạng bên trong; Dưỡng chân - nuôi dưỡng chân tính, trau dồi các tố chất nội tại, thiên phú, không đánh mất hay làm tổn hại các phẩm chất tốt đẹp trong nhân tính.
- Nội kinh đề ra một hệ thống chiến lược dưỡng sinh nhằm đảm bảo cho con người trong thời đại hôm nay một cuộc sống cân bằng, hạnh phúc, khoẻ mạnh cả bên trong (dưỡng thần, dưỡng tính) lẫn bên ngoài (dưỡng hình) dựa trên những tiền đề bản nguyên của triết học Đạo gia.