Giáo sư Trần Hồng Quân: Giáo dục là ngôi đền thiêng để mọi người gửi niềm tin

05/02/2019 02:05
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - Tôi mong ngành giáo dục luôn luôn xứng đáng là ngôi đền thiêng để mọi người có lòng tin mà hướng về đó, để xã hội có thể yên tâm gửi gắm thế hệ trẻ.

Một mùa xuân nữa lại đang đến với đất nước ta, dân tộc ta, tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Chắc hẳn trong giờ phút thiêng liêng chuyển giao năm mới này, mọi người đang phấn khởi sum vầy bên người thân, bạn bè chào đón Xuân Kỷ Hợi.
 
Trong thời phút chuyển giao ấy, thông qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo; các công chức, viên chức và người lao động; các thế hệ học sinh, sinh viên cùng gia đình lời chúc mừng năm mới sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Giáo sư Trần Hồng Quân mong muốn ngành giáo dục luôn luôn xứng đáng là ngôi “đền thiêng” để mọi người có lòng tin mà hướng về đó, để xã hội có thể yên tâm gửi gắm thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. (Ảnh: Thùy Linh)
Giáo sư Trần Hồng Quân mong muốn ngành giáo dục luôn luôn xứng đáng là ngôi “đền thiêng” để mọi người có lòng tin mà hướng về đó, để xã hội có thể yên tâm gửi gắm thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. (Ảnh: Thùy Linh)

Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, năm 2018 là năm ngành giáo dục tiếp tục triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với nhiều thành tựu nổi bật tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
 
Là một người luôn trăn trở với nền giáo dục nước nhà, bước sang năm mới 2019, Giáo sư Trần Hồng Quân mong muốn: 
 
Thứ nhất, ngành giáo dục luôn luôn xứng đáng là ngôi đền thiêng để mọi người có lòng tin mà hướng về đó, để xã hội có thể yên tâm gửi gắm thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước.

Thứ hai, mong rằng một ngày nào đó không xa, giáo viên có thể sống được bằng lương nghề giáo, để có thể toàn tâm toàn ý phục vụ cho sự nghiệp cao cả này.

Thứ ba, mong rằng giới truyền thông cũng có cách nhìn đầy trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, thấy hết và nói đủ những thành tựu, những khó khăn, những thiếu sót. Bởi lẽ bức tranh giáo dục tuy chưa toàn mỹ nhưng cũng không đến nỗi quá ảm đạm.

Giáo sư Trần Hồng Quân: Giáo dục là ngôi đền thiêng để mọi người gửi niềm tin ảnh 2Bộ trưởng Nhạ: Việt Nam không có bất bình đẳng về tiếp cận và kết quả giáo dục

Cùng với đó, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp đầu Xuân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu một số công việc trọng tâm của ngành giáo dục trong năm 2019. 

Cụ thể, năm 2019, trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào Nghị quyết trung ương, Quốc hội, Chính phủ để tiến hành rà soát, khảo sát toàn diện trong đó đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là khắc phục những tồn tại hạn chế đã xảy ra trong thời gian qua.

Ví như, trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới, Bộ tập trung xây dựng ngân hàng câu hỏi chuấn hóa đồng thời có điều chỉnh theo hướng tăng cường giải pháp kỹ thuật, bảo mật ở tất cả khâu của quá trình thi, đặc biệt là chấm thi; sắp xếp, bố trí lại nhân sự làm công tác coi thi, chấm thi nhằm hạn chế tiêu cực.

Việc xét tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư qua thời gian, những quy định đó không còn phù hợp yêu cầu thực tiễn. Vấn đề đặt ra cho Bộ là phải tham mưu để bổ sung, thay thế bằng quy định mới phù hợp hơn.

Tháng 8/2018, quy định mới về bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đã được Thủ tướng ban hành. Với những yêu cầu cao hơn, quy định mới sẽ giải được bài toán chất lượng giáo sư, phó giáo sư mà xã hội đặt ra.

Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” được ban hành tháng 10/2018, triển khai từ năm 2019, sẽ tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên.

Về sách giáo khoa độc quyền, lãng phí, đây cũng là những tồn tại đã được ngành giáo dục thẳng thắn nhìn nhận trong năm qua và có giải pháp để khắc phục.

Chương trình giáo dục phổ thông mới với chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”, trong đó bộ khuyến khích và cho phép nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn sách giáo khoa, sẽ khắc phục được tình trạng độc quyền. Bộ cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt để sử dụng sách giáo khoa tránh lãng phí.

Hơn nữa, Bộ trưởng Nhạ tin rằng năm 2019 sẽ có bản đồ về đổi mới từng cấp học. Theo đó: 

Bộ sẽ tiến hành rà soát mạng lưới trường lớp của bậc mầm non đặc biệt ở khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đảm bảo cho các cháu mầm non đủ chỗ học, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nâng cao trình độ, kỹ năng cho giáo viên dạy trẻ.

Bộ trưởng Nhạ: Mỗi thầy cô một thay đổi nhỏ, giáo dục sẽ có cả rừng đổi mới

Ở bậc phổ thông, Bộ khẩn trương chỉ đạo các địa phương chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó tập trung bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên; nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ hiệu trưởng.

Bên cạnh đó trong thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi sẽ tiến hành cắt giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn cho các thầy cô đồng thời lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình Quốc hội trong đó có vấn đề lương, phụ cấp giáo viên để đời sống thầy cô được cải thiện, sống được bằng nghề.

"Riêng với bậc đại học thì năm 2019 được cho là năm đột phá, trong đó tập trung quy hoạch sắp xếp lại các trường đại học, quy hoạch mạng lưới trường sư phạm để đảm bảo chất lượng đào tạo…", Bộ trưởng Nhạ nói. 

Thùy Linh (ghi)