Giáo viên "ấn tượng" với một số chủ đề trong SGK Lịch sử của CTGDPT mới

26/02/2023 06:42
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bước đầu trong quá trình thực hiện đổi mới quả thực đã gặp phải khá nhiều khó khăn, tuy nhiên đến nay mọi công việc đã đi vào ổn định và có những bước tiến rõ rệt.

Bản chất của lịch sử chính là áp dụng những cái đã xảy ra để vận dụng vào cuộc sống

Một tiết dạy học Lịch sử của thầy giáo Nguyễn Bá Tú (giáo viên trường trung học phổ thông Yên Thành II, Nghệ An) luôn rộn ràng và thú vị hơn bao giờ hết bởi những bài học vận dụng rút ra từ bài học lịch sử được thầy trò bàn luận sôi nổi.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Bá Tú hào hứng cho biết:

“Trước đây, một tiết học Lịch sử trải dài 45 phút chủ yếu với kiến thức khá dài và nặng, do vậy buộc giáo viên phải dành phần lớn thời gian để cung cấp kiến thức cho học sinh. Nhưng với sách giáo khoa mới, kiến thức được cô đọng, chủ yếu chỉ cung cấp một số sự kiện cơ bản, vậy nên giáo viên có cơ hội cho học sinh được làm việc nhiều hơn”.

Điều này theo thầy Tú, giúp tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc chủ động bài giảng của mình, linh hoạt trong việc lồng ghép các kiến thức mới cho học sinh; tuy nhiên, đây cũng là cái khó cho giáo viên nếu không tiếp cận được kiến thức vì không có nhiều nguồn tư liệu để tham khảo.

Thầy Nguyễn Bá Tú cho biết sách giáo khoa mới có một số nội dung hay và thú vị:

“Sách Lịch sử lớp 10 theo chương trình mới có một số chủ đề tôi khá ấn tượng, ví dụ như về Cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trước đây sách cũ chúng ta sẽ không thấy nội dung này.

Ngoài ra sách mới còn có thêm một chuyên đề riêng về bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Đây là một nội dung quan trọng và cấp thiết, giúp học sinh nhận thức hơn về lòng yêu nước và chủ quyền biển đảo.

Về kiến thức lý luận, ngay từ đầu chương trình, học sinh sẽ được tìm hiểu phần lý thuyết lịch sử là gì, hay những kiến thức lý luận về mặt sử học,... đây đều là những nội dung quan trọng giúp học sinh định hình và có có sở để nắm bắt được những nội dung các em sẽ học sau này”.

Nhìn lại những em học sinh lứa trước với các em học sinh được tiếp cận chương trình mới hiện nay, thầy Tú nhận thấy các em có sự hứng thú, chủ động và thích thú hơn rất nhiều.

Trong mỗi bài học, từ những sự kiện lịch sử, thầy Tú cố gắng lồng ghép, giúp học sinh tư duy và rút ra bài học thực tiễn để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Vị giáo viên nhận định, bản chất của lịch sử chính là áp dụng những cái đã xảy ra để vận dụng vào cuộc sống. Học không chỉ để phục vụ mục đích thi cử, điều quan trọng hơn chính là lịch sử giúp các em biết cội nguồn dân tộc, biết lấy bài học trong quá khứ để vận dụng vào ở hiện tại.

Thầy Tú lấy ví dụ, “từ những sự kiện kí kết các hiệp định trong lịch sử như Hiệp định Sơ bộ, Hiệp định Giơ-ne-vơ,... học sinh sẽ hiểu được về tư duy lợi ích trong mỗi bản hợp đồng kí kết. Từ đó, sau này khi các em đi làm công ty hay cần ký kết các hợp đồng thì sẽ biết phải đọc kỹ các điều khoản, quyền và lợi ích hai bên, làm sao đảm bảo được lợi ích đầy đủ nhất”.

Ở bậc trung học cơ sở, môn Lịch sử được ghép tích hợp với Địa lý, trở thành môn Lịch sử và Địa lý. Tại trường trung học cơ sở Trịnh Phong (Khánh Hòa), do chưa có giáo viên tích hợp nên nhà trường vẫn phân nhiệm vụ cho 2 giáo viên đảm nhận từng phân môn riêng trong môn học.

Thầy Nguyễn Văn Lực (Tổ trưởng tổ chuyên môn Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân- Nghệ thuật) đảm nhận việc dạy phân môn Lịch sử theo đúng chuyên môn. Phân môn Địa lý sẽ do giáo viên có chuyên môn Địa lý giảng dạy.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lực cho biết:

“Mặc dù môn Lịch sử và Địa lý đã được tích hợp, tuy nhiên về cơ bản kiến thức vẫn khá độc lập với nhau, do vậy 2 giáo viên đảm nhận môn học này không gặp nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy.

Đối với một số chuyên đề chung, một trong hai giáo viên có đủ khả năng dạy sẽ được phân công đảm nhận. Khi ra đề, kiểm tra và đánh giá, 2 giáo viên sẽ cùng họp lại để thảo luận và làm việc với nhau để đảm bảo hài hòa về kiến thức và sự công bằng trong đánh giá cho học sinh”.

Thầy Nguyễn Văn Lực - giáo viên trường trung học cơ sở Trịnh Phong (Khánh Hòa). Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Văn Lực - giáo viên trường trung học cơ sở Trịnh Phong (Khánh Hòa). Ảnh: NVCC

Nhận xét về nội dung sách giáo khoa Lịch sử- Địa lý, thầy Nguyễn Văn Lực cũng cho rằng sách giáo khoa mới có nội dung kiến thức cô đọng, hình minh họa nhiều, đa dạng và phong phú đã giúp môn học thú vị hơn rất nhiều.

Chương trình mới đề cao việc phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh, theo thầy Lực, nội dung sách giáo khoa đã thực hiện tốt mục đích của chương trình.

“Tham gia giảng dạy theo chương trình mới, tôi áp dụng các phương pháp dạy đa dạng tùy theo đối tượng học sinh. Mỗi em học sinh có năng lực, sở trường khác nhau, do vậy không có phương pháp nào hoàn toàn tối ưu cả. Nội dung sách giáo khoa mới đã bổ trợ rất tốt cho việc khai thác và vận dụng cách dạy theo phương pháp mới này”, thầy Lực phân tích.

Những khó khăn bước đầu đang dần được khắc phục

Trong quá trình chờ đợi có lớp giáo viên được đào tạo đầy đủ, bài bản theo đúng chuyên môn và yêu cầu của chương trình mới, có lẽ tình trạng môn tích hợp nhưng 2-3 người dạy sẽ vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi. Tuy nhiên, theo tinh thần “liệu cơm gắp mắm”, thầy Lực cho rằng mặc dù sẽ có những khó khăn nhất định, tuy nhiên cả thầy và trò đều đang nỗ lực để thực hiện tốt công cuộc đổi mới này.

Cùng chung nhận định, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Biên Giang (Hà Nội) - thầy Nguyễn Hoàng Nam nhìn nhận, bước đầu trong quá trình thực hiện đổi mới quả thực đã gặp phải khá nhiều khó khăn và trở ngại, tuy nhiên đến nay mọi công việc đã đi vào ổn định và có những bước tiến rõ rệt.

“Thời gian đầu mới triển khai, đối với một số môn mới như Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý chúng tôi gặp trở ngại về giáo viên và sắp xếp thời khóa biểu. Tuy nhiên, sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo hướng dẫn, đến nay mọi thứ đã bắt nhịp tốt hơn.

Khó khăn thứ hai là đòi hỏi về mặt thời gian, vì những môn học mới chưa có đội ngũ nhà giáo được đào tạo bài bản từ trước, do vậy thầy cô phải trải qua quá trình đào tạo lại thì mới có thể tiếp cận kiến thức và truyền tải tốt cho học sinh. Quá trình này cũng phải mất tới vài năm thì mới đạt đến độ “chín” cần thiết”, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Biên Giang chia sẻ.

Thầy Nam đánh giá cao những điểm mới, tiến bộ của chương trình giáo dục phổ thông mới và kỳ vọng vào những hiệu quả thay đổi tích cực từ chương trình này:

“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có mục tiêu tổng thể rất rõ ràng, cách tiếp cận kiến thức cũng có nhiều sự đổi mới. Hiện nay, mặc dù theo khung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng với mỗi bộ sách giáo khoa lại có một cách tiếp cận kiến thức khác nhau. Điều này giúp giáo viên và học sinh phát huy được sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt hơn trong việc thực hiện chương trình”.

Để việc giảng dạy chương trình mới được hiệu quả hơn, nội dung sinh hoạt chuyên môn trong tổ cũng được thầy Nguyễn Văn Lực hướng tập trung nhiều hơn vào việc chia sẻ phương pháp giảng dạy, trao đổi chuyên môn, cùng góp ý và cải tiến nội dung dạy.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Lực cho biết, công cuộc đổi mới vẫn còn nhiều khó khăn và bộn bề cho cả thầy và trò, tuy nhiên, đây cũng là những bước đi mới mẻ của toàn ngành giáo dục; với những thành quả bước đầu, thầy Lực tin rằng sẽ có nhiều thay đổi tích cực hơn trong công cuộc đổi mới giáo dục.

Bắc Sơn