Giáo viên đánh giá đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp 2024 vừa sức, phân hoá cao

28/03/2024 06:18
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đề thi tham khảo năm nay có dạng cấu trúc quen thuộc. Nội dung đề thi bảo đảm theo chuẩn mục tiêu kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục hiện hành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 15 đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Ghi nhận ý kiến đánh giá về đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, nhiều thầy cô nhận định, về cấu trúc và định dạng, đề thi cơ bản giữ ổn định giống với ma trận của những năm gần kề trước.

Nhìn chung, đề thi tham khảo năm 2024 phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 cấp độ nhận thức/nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Đặc biệt, năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 cũng tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Câu hỏi vừa sức với học sinh và đảm bảo tính phân hoá cao

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thái - Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết, đề thi tham khảo môn Tiếng Anh của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 hoàn toàn đảm bảo phù hợp với chương trình học và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ lưỡng.

Không có nhiều biến đổi khác biệt so với mọi năm, ma trận của đề thi tham khảo môn Tiếng Anh năm nay tiếp tục duy trì độ phân hóa thí sinh theo năng lực phù hợp.

Với những nội dung nằm trong cấp độ nhận biết và thông hiểu, các câu hỏi kiểm tra này chiếm tỉ lệ lên đến 70%. Còn các kiến thức có mức độ vận dụng chỉ chiếm khoảng 30%. Trong đó có 10% câu hỏi sàng lọc ở mức độ vận dụng cao nhất, dành cho những thí sinh có khả năng giành điểm từ 9 đến 10.

Như vậy, có thể thấy, hướng xây dựng đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo rất hợp lý và đáp ứng với năng lực chung của học sinh. Nội dung kiến thức thực hiện kiểm tra cũng nằm trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 mà các em được học.

Về độ phân hoá, đề thi tham khảo môn Tiếng Anh có một số câu hỏi yêu cầu kiến thức ở mức độ vận dụng nâng cao hơn, dành cho học sinh nào có năng lực ngoại ngữ nhỉnh hơn thì có thể đạt điểm tuyệt đối. Về nội dung câu hỏi tuy đa dạng và khác nhau, nhưng cấu trúc và ma trận của đề thi năm nay vẫn có sự tương đồng với những năm trước.

Cụ thể, theo cô Nguyễn Thị Thái, phần ngữ âm trong đề thi giữ nguyên số lượng câu hỏi giống với năm ngoái, bao gồm 4 câu. Trong đó, 2 câu hỏi kiểm tra về phát âm chia đều nội dung cho nguyên âm và phụ âm của từ. Hai câu hỏi kế tiếp kiểm tra về trọng âm của từ, được sắp xếp đều cho từ có 2 âm tiết và từ có 3 âm tiết.

Ảnh màn hình 2024-03-27 lúc 14.37.58.png
Bốn câu hỏi kiểm tra về phần ngữ âm (phát âm và trọng âm) trong đề thi tham khảo môn Tiếng Anh.

Với 15 câu hỏi kiểm tra ngữ pháp, đề thi có ma trận giống với mọi năm nhưng nội dung có sự thay đổi luân phiên như: cấu trúc câu trực tiếp, câu gián tiếp, dạng câu chủ động, bị động, thành ngữ, cụm động từ, lựa chọn mạo từ, giới từ, kết hợp từ, đại từ quan hệ, các thì trong tiếng Anh,...

Trong phần bài đọc, đề thi vẫn giữ nguyên cấu trúc của 1 bài đọc yêu cầu thí sinh lựa chọn đáp án điền khuyết từ và 2 bài đọc có câu hỏi yêu cầu về tìm ý chính trong bài, tìm thông tin chi tiết trong bài, câu hỏi về tham chiếu và từ vựng,...

Từ đó, nội dung của đề thi tham khảo môn Tiếng Anh mang hệ thống những kiến thức, kỹ năng cơ bản mà người học cần trang bị, chất lượng đảm bảo chuẩn năng lực giáo dục tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cùng bàn về đề tham khảo môn Ngữ văn, với 27 năm kinh nghiệm giảng dạy, cô Phạm Thị Thanh Huyền - giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Lai Châu) cho rằng, đề thi minh hoạ môn Ngữ văn năm 2024 có cấu trúc cơ bản giống với đề thi chính thức của năm trước.

Phần Đọc hiểu được đánh giá vừa sức với học sinh, nội dung phù hợp chương trình học tập, kiến thức ôn luyện của các trường. Câu nghị luận xã hội chiếm 2,0 điểm, có chủ đề thiết thực gắn liền với thực tiễn cuộc sống, đồng thời nội dung không làm khó học sinh.

Ở câu nhiều điểm nhất của đề, phần nghị luận văn học (5,0 điểm) có độ phân hoá cơ bản giống với năm ngoái. Câu hỏi phụ cho thí sinh chiếm 0,75-1 điểm đảm bảo sự phân loại rõ ràng. Phần nghị luận văn học đáp ứng kiểm tra kiến thức về kỹ năng lý luận tác phẩm, ví dụ như về đặc trưng truyện ngắn hay đặc trưng của thơ, tổng quát về tác giả, tác phẩm, phân tích giá trị nghệ thuật,...

Ảnh màn hình 2024-03-27 lúc 14.41.14.png
Phần Làm văn của đề thi tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhìn chung, cấu trúc đề thi tham khảo năm nay đã bám sát với lộ trình ôn tập của nhà trường cho học sinh khối lớp 12. Đặc biệt với khối lớp chuyên, các em có thể lồng thêm một số kiến thức lý luận văn học nâng cao để đảm bảo chất lượng cho bài thi của mình.

Còn về môn Lịch sử, cô Dương Thị Thu Hằng - Tổ trưởng Chuyên môn Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Lai Châu) chia sẻ, đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 về cơ bản không có nhiều điểm khác biệt về cấu trúc và các mức độ vận dụng so với năm ngoái.

Đề thi tiếp tục duy trì ma trận phù hợp với các mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, với 4 cấp độ phân hoá là nhận thức/nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Xét về tổng thể, nội dung đề thi bảo đảm tính khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Đề thi bao gồm 40 câu hỏi với nội dung kiểm tra trải dài trong hệ thống kiến thức của học kỳ 2 lớp 11 và toàn bộ nội dung chương trình lớp 12. Trong đó, nội dung kiến thức của chương trình lớp 11 có 4 câu (chiếm tỷ lệ 10% trong đề thi).

Cụ thể, đề thi chứa 32 câu hỏi thuộc dạng kiểm tra nền tảng kiến thức nhận biết, thông hiểu cơ bản. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng 8 câu hỏi vận dụng từ thấp đến cao. Đặc biệt, 4 câu cuối của đề thi có mức độ phân hóa cao, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tổng quát, thậm chí là kiến thức chuyên sâu mới có thể trả lời đáp án đúng.

gdvn_ngocanh4.jpg
Đề thi tham khảo năm 2024 được đánh giá phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 4 cấp độ nhận thức/nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Ảnh minh hoạ: Ngọc Ánh.

Phù hợp với lộ trình học tập, ôn luyện của nhà trường và học sinh

Theo ý kiến của cô Dương Thị Thu Hằng, nhà trường định hướng kế hoạch từ đầu năm học như: tuyển chọn giáo viên có năng lực chuyên môn tốt để ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; chỉ đạo giáo viên xây dựng nội dung ôn tập; yêu cầu tập trung củng cố cho học sinh nắm vững những kiến thức cơ bản trong chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt tập trung ở chương trình lớp 12;...

Đồng thời, giáo viên thực hiện giảng dạy theo phương pháp ôn tập phù hợp với đặc thù từng bộ môn; bám sát cấu trúc đề thi minh họa Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố; thống nhất kế hoạch ôn luyện qua ban chuyên môn phê duyệt; tổ chức thi thử để học sinh vững vàng kiến thức cũng như tâm lý;...

Về phía học sinh khối lớp 12, để đạt được kết quả tốt trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cô Thu Hằng gửi lời khuyên tới các sĩ tử cần chuẩn bị tâm thế tốt cho việc kiểm tra và ôn thi, lên kế hoạch một cách khoa học để tránh căng thẳng áp lực, thực hiện phương pháp học tập phù hợp, nắm chắc kiến thức cơ bản và rèn luyện nội dung nâng cao.

co-duong-thi-thu-hang-va-em-le-thi-thao-anh-nvcc-3263.jpg
Cô Dương Thị Thu Hằng - Tổ trưởng Chuyên môn Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Lai Châu). Ảnh: NTCC.

Đồng tình với ý kiến trên, cô Nguyễn Thị Thái cho hay, Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm đã định hướng lộ trình giảng dạy đối với các em học sinh khối lớp 12 từ đầu năm học. Vì vậy, ngoài các tiết học cơ bản theo chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, nhà trường còn thực hiện bố trí song song một số tiết bổ trợ môn Tiếng Anh trong mỗi tuần.

Từ đầu năm học, các tiết bổ trợ ngoại ngữ này đẩy mạnh cho các em ôn luyện kỹ lưỡng các chuyên đề về cả ngữ pháp và từ vựng. Chính vì vậy, học sinh khối lớp 12 đã được trang bị khá đầy đủ về hệ thống kiến thức, từ đó, giai đoạn này là lúc các em sẽ luyện tập theo dạng đề thi và làm quen với kỹ năng kiểm tra.

Để học sinh hoàn toàn sẵn sàng tâm thế cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và làm bài được kết quả tốt, các giáo viên của nhà trường thực hiện công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, ôn luyện cẩn thận thêm một vòng nữa để người học có thể nắm chắc kiến thức.

“Bước vào giai đoạn “nước rút” không còn nhiều thời gian này, nhà trường, giáo viên và học sinh cần thực hiện lộ trình giảng dạy, kế hoạch ôn tập ngay từ đầu năm học.

Ngoài ra, theo bố cục của đề thi tham khảo, các em lớp 12 nên nắm chắc kiến thức về ngữ pháp, mở rộng thêm từ vựng, luyện tập tình huống giao tiếp và nâng cao kỹ năng đọc hiểu. Điều này sẽ giúp cho các em học sinh cải thiện toàn diện được năng lực làm bài, đạt điểm số cao trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông", cô Thái bày tỏ.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, cô Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, về môn Ngữ văn, năm nay nhà trường chú trọng ôn tập cho học sinh về kỹ năng lý luận văn học nhiều hơn, nhằm trang bị khả năng viết tốt nhất ở phần câu hỏi mở rộng nâng cao cũng như cho toàn bài làm văn.

91060369-efc6-496b-885c-2133064a31f6.jpeg
Cô Phạm Thị Thanh Huyền - giáo viên môn Ngữ văn và học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Lai Châu). Ảnh: NTCC.

Cụ thể, cô Thanh Huyền tập trung rèn luyện cho các em học sinh khối lớp 12 những kỹ năng của môn Ngữ văn như viết mở bài, triển khai thân bài, kết bài làm sao cho lưu loát, nhuần nhuyễn và trôi chảy hơn.

Đồng thời, giáo viên tích cực cung cấp hệ thống kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm, kỹ năng đọc hiểu, cảm thụ văn học cũng như nghị luận xã hội.

Cô Thanh Huyền cũng nhấn mạnh tới trách nhiệm cần thiết của giáo viên là hành trang tâm lý cho các em học sinh. Người dạy nên thường xuyên chủ động khuyến khích, động viên các sĩ tử trước mỗi mùa thi để học sinh có thể bình tĩnh, tự tin, nỗ lực, cố gắng trên cả lộ trình học tập dài hơi này.

Lưu Diễm