Giáo viên Đồng Nai phản ánh phải cam kết bổ sung chứng chỉ dù không có nhu cầu

09/10/2020 06:32
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ không hề có cụm từ bắt giáo viên viết “Cam kết bổ sung chứng chỉ”.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thư của bạn đọc ở Đồng Nai bày tỏ lo lắng khi thiếu chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ bị bắt buộc phải viết cam kết bổ sung trước ngày 31/12/2020.

Bức thư viết “Mình là giáo viên phổ thông, hạng 3, tuyển dụng trước ngày Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV có hiệu lực, (01/11/2015).

Thế nhưng rất lo lắng khi Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, có Công văn 2919/SGDDT-TCCB ngày 11/9/2020, yêu cầu viết cam kết đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 giáo viên nào chưa đủ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì phải chịu sự xử lý, quyết định của giám đốc sở... dù mình không có nhu cầu thăng hạng ...”.

Vậy giáo viên chưa đủ chứng chỉ có phải lo lắng bị thu hồi quyết định tuyển dụng?

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non diễn ra mới đây, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay:

“Trong hệ thống văn bản tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chúng tôi đang sửa theo hướng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sẽ không còn đối với hạng giáo viên thấp nhất”.

“Cụ thể, chúng tôi lấy đầu ra của trường đào tạo khi mà giáo viên đó ra trường, để coi như là đầu vào của hạng giáo viên thấp nhất.

Chúng tôi yêu cầu không quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa mà đưa vào tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ.

Chúng ta biết rằng, một thời gian chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không thực chất, giáo viên bằng mọi cách để kiếm được chứng chỉ đó đưa vào hồ sơ cho hợp lệ.

Sau một thời gian nghiên cứu, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với hạng giáo viên thấp nhất mà đưa vào tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ”.

Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập đã hết thời gian góp ý (từ 10/6/2020 đến 18/8/2020) đang đi vào hoàn thiện.

Như vậy, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chỉ đạo sửa đổi không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với hạng giáo viên thấp nhất trong dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập, sắp tới sẽ ban hành.

Điều đó đồng nghĩa những giáo viên nếu không đủ chứng chỉ sẽ bị giáng xuống hạng thấp nhất của mỗi bậc học.

Giáo viên không có điều kiện bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, hay không có nhu cầu thăng hạng, sẽ giữ hạng thấp nhất của mỗi bậc học với giáo viên.

Bắt viết cam kết, phải chăng giáo viên bị buộc phải đi học chứng chỉ?

Ảnh chụp màn hình Công văn 2919/SGDDT-TCCB của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai.Ảnh chụp màn hình Công văn 2919/SGDDT-TCCB của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai.

Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ ghi rõ: 2. Hồ sơ đề nghị xem xét khắc phục sai phạm

- Các văn bằng, chứng chỉ và tài liệu có liên quan của cán bộ, công chức, viên chức thể hiện việc đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Đánh giá, nhận xét của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức về mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức, uy tín trong 05 năm gần nhất.

Trường hợp người được tuyển dụng đã chuyển công tác qua nhiều cơ quan, đơn vị thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đang sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trao đổi bằng văn bản với cơ quan, đơn vị người được tuyển dụng đã công tác trước đây để làm cơ sở đánh giá, nhận xét.

Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ không hề có cụm từ bắt giáo viên viết “Cam kết bổ sung chứng chỉ”.

Khi giáo viên viết cam kết, dù thuộc đối tượng tuyển dụng nào, buộc phải có chứng chỉ, dù muốn hay không muốn, dù có điều kiện hay không có điều kiện... cũng phải có được chứng chỉ.

Làm như thế, khác nào giáo viên buộc phải có chứng chỉ ngay cả khi không có nhu cầu!

Trong khi đó “Chúng ta biết rằng, một thời gian chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không thực chất, giáo viên bằng mọi cách để kiếm được chứng chỉ đó đưa vào hồ sơ cho hợp lệ” như ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) từng nói và dư luận đã phản ánh.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các thầy cô giáo, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai xem lại các yêu cầu bổ sung chứng chỉ đối với giáo viên được phản ánh trong Công văn 2919/SGDDT-TCCB của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo trong Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ.

Tài liệu tham khảo:

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/se-bo-yeu-cau-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-doi-voi-giao-vien-moi-giang-day-20201001183128546.htm

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Huong-dan-2965-HD-BNV-2020-xu-ly-truong-hop-sai-pham-trong-cong-tac-tuyen-dung-can-bo-vien-chuc-446336.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Ket-luan-71-KL-TW-2020-xu-ly-sai-pham-trong-cong-tac-tuyen-dung-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-439222.aspx

Lê Mai