Giáo viên hợp đồng 19.400 đồng/1 tiết thì sống thế nào?

19/06/2020 06:16
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Họ dạy vì yêu nghề, vì giữ nghề và cũng là cách để hy vọng có một ngày được tuyển dụng chính thức, được hưởng những đồng lương tương xứng với công việc mình làm.

Dù không có con số thống kê chính thức nhưng chúng tôi tin số lượng giáo viên đang dạy hợp đồng ở các trường công lập trên cả nước phải lên đến con số hàng chục ngàn người.

Với đồng lương tháng ít ỏi được trả theo mức lương tối thiểu hoặc trả theo số tiết thì những thầy cô đang dạy hợp đồng nếu không có lòng nhiệt huyết, đam mê với nghề chắc không thể nào đứng trên bục giảng để dạy dỗ cho học trò của mình.

Họ dạy vì yêu nghề, vì giữ nghề và cũng là cách để hy vọng có một ngày sẽ được tuyển dụng chính thức, được hưởng những đồng lương tương xứng với công việc mình làm.

Nhưng, đôi lúc niềm hy vọng ấy trở nên mong manh với nhiều quy định khắt khe của các cơ quan tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục.

Câu chuyện giáo viên hợp đồng ở Hà Nội đã được phản ánh khá nhiều (Ảnh: Đức Minh)

Câu chuyện giáo viên hợp đồng ở Hà Nội đã được phản ánh khá nhiều

(Ảnh: Đức Minh)

Giáo viên hợp đồng Hà Nội có nơi được trả 19.400 đồng/tiết, đồng nghiệp tỉnh lẻ cũng không tin nổi

Sáng ngày 18/6/2020, mấy anh em giáo viên chúng tôi ra quán ngồi uống cà phê trò chuyện với nhau và tranh thủ đọc một số tin bài mới từ các trang báo thân thuộc.

Vào Giáo dục Việt Nam bắt gặp bài viết Giáo viên hợp đồng Hà Nội mỏi mòn chờ một cái kết có hậu của tác giả Vũ Ninh mà thấy lòng buồn man mác.

Cái buồn này không phải bây giờ mới có mà nhiều năm qua rồi tình trạng giáo viên hợp đồng ở nhiều địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm được.

Nhưng chúng tôi không nghĩ giữa đất Thủ đô ở thời điểm này mà những đồng nghiệp dạy hợp đồng chỉ được trả 19.400 đồng/tiết. Số tiền ấy liệu sẽ mua được gì, lo được gì cho cuộc sống và tương lai của người thầy?.

Đó là chưa kể người thầy ngày nay còn phải trang bị thêm nhiều thứ như thiết bị dạy học hàng ngày, máy tính, máy in…để phục vụ cho công việc hàng ngày của mình.

Vậy mà có nhiều thầy cô đã dạy hợp đồng hàng chục năm, có người đến giờ đã 52 tuổi mà vẫn bấp bênh với thân phận giáo viên hợp đồng!

Trong bài viết của tác giả Vũ Ninh, chúng tôi thực sự cảm thấy xót xa khi nghe những lời tâm sự của một giáo viên ở huyện Ba Vì (Hà Nội).

Cô chia sẻ: “Huyện Ba Vì có gần 300 giáo viên hợp đồng đều vất vả như tôi. Trước đây chúng tôi chỉ được trả lương 1.3 triệu đồng/ tháng. Bắt đầu từ tháng 8/2019 đến nay chúng tôi đều bị cắt hợp đồng.

Một số giáo viên được nhà trường thuê thỉnh giảng với mức lương từ 19.400 đồng, 30.000 đồng/ tiết. Thu nhập chẳng được bao nhiêu, chẳng đủ cả tiền đổ xăng xe, tiền ăn uống.

Chúng tôi chỉ mong Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội có công văn đặc cách.

Đây là cánh cửa duy nhất để chúng tôi có cơ hội được trở lại bục giảng thay vì phải xuống ngồi lề đường”.

Mỗi tháng trước đây là 1,3 triệu tiền lương mà bị cắt hợp đồng, mất việc làm. Bây giờ chỉ có một số người được mời thỉnh giảng với số tiền từ 19.400 đồng đến 30.000 đồng/ tiết.

Nếu như giáo viên được bố trí dạy kịch khung theo số tiết quy định hiện hành thì mỗi tháng cũng chỉ được trên 1 triệu đồng mà dạy theo số tiết thì mấy khi nhà trường bố trí đủ tiết?.

Đó là chưa kể dịp lễ, dịch bệnh, kiểm tra học học kỳ, tuần dự trữ, nghỉ hè thì làm gì có tiết để dạy, để được hưởng lương?.

Số tiền thù lao như vậy, thử hỏi làm sao những “kỹ sư tâm hồn” có thể lo được cho mình chứ chưa nói đến chuyện gia đình, con cái bởi 2 tiết dạy mới đủ một dĩa cơm bình dân bây giờ.

Giáo viên hợp đồng đâu chỉ riêng Hà Nội

Thời điểm này, có một số địa phương đang thông báo tuyển viên chức ngành giáo dục. Nếu rảnh rỗi, chúng ta vào các website của các Sở sẽ thấy nhiều điều đáng phải trăn trở.

Chúng tôi vào website của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa thấy Sở thông báo kết quả kiểm tra hồ sơ đăng ký dự tuyển giáo viên Trung học phổ thông năm 2020 và có nhiều con số đáng phải lưu tâm

Số lượng tuyển giáo viên Trung học phổ thông năm 2020 của tỉnh Thanh Hóa là 305 chỉ tiêu nhưng có tới 582 người dự tuyển.

Trong số này, chúng tôi thấy có rất nhiều người cũng nằm trong diện giáo viên hợp đồng lâu năm, đa phần là thế hệ 8X, có người sinh năm 1978 cũng đăng ký dự tuyển đợt này.

Nếu học tập bình thường, ra trường có việc ngay thì người sinh năm 1978 bây giờ đang hưởng lương bậc 8 (trình độ cao đẳng, đại học lương bậc 9 là kịch khung) vậy mà mới dự tuyển để hưởng lương tập sự (nếu trúng tuyển).

Nhưng, dù sao thì việc không giới hạn độ tuổi như Thanh Hóa cũng còn hơn những giáo sinh, những giáo viên hợp đồng ở thành phố Vinh không có cơ hội dự tuyển nếu ngoài 30 tuổi.

Tương lai nào cho giáo viên hợp đồng?

Dẫn đến tình trạng dư thừa giáo viên và đẩy hàng ngàn giáo viên lâm vào bế tắc trong tìm kiếm công việc khi mà tuổi xuân đã qua đi có rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Vì thế, bây giờ các địa phương cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này.

Thầy cô nào thuộc diện tuyển đặc cách thì các địa phương cần linh hoạt tuyển dụng, thầy cô nào thuộc diện thi tuyển thì địa phương cũng nên nhanh chóng tổ chức thi tuyển.

Những địa phương, những trường thiếu giáo viên cần có kế hoạch tuyển dụng công khai, minh bạch và mở rộng cho mọi đối tượng dự tuyển nếu họ đảm bảo về chuyên môn, sức khỏe, điều kiện dự tuyển…

Chấm dứt tình trạng thiếu mà không tuyển dẫn đến tình trạng một số hiệu trưởng, lãnh đạo địa phương ký hợp đồng miệng, trả tiền theo số tiết với những lời hứa vu vơ làm lỡ dở tương lai của hàng trăm, hàng ngàn thầy cô như chúng ta đang thấy.

Ngành giáo dục, các địa phương cần quy hoạch lại khối trường đào tạo sư phạm một cách căn cơ để các trường sư phạm đào tạo theo địa chỉ nhằm không còn tình trạng giáo sinh thất nghiệp, giáo viên dạy hợp đồng bằng đồng lương bèo bọt như hiện nay.

Muốn giáo dục ổn định, phát triển thì việc đầu tiên phải ổn định được nhân sự, tạo cho giáo viên có việc và yên tâm công tác, phấn đấu thì ngành mới tuyển sinh, tuyển dụng được người giỏi.

Nếu vẫn như bây giờ thì tiêu cực trong tuyển dụng vẫn xảy ra, lãng phí trong đào tạo hàng năm vẫn rất lớn.

Hơn nữa, nó tạo sự bất ổn trong đội ngũ giáo viên hợp đồng mà sự việc này đang diễn ra dai dẳng nhiều năm trời ở các địa phương nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được.

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-hop-dong-ha-noi-moi-mon-cho-mot-cai-ket-co-hau-post210193.gd

//thanhhoa.edu.vn/tin-tuc-su-kien/nha-giao-va-tccb/thong-bao-ket-qua-kiem-tra-ho-so-dang-ky-du-tuyen-giao-vien-2.html

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chi-tuyen-giao-vien-khong-qua-30-tuoi-nhieu-thay-co-mat-trang-co-hoi-post210147.gd

NHẬT DUY