LTS: Chia sẻ những khó khăn, vất vả trong công tác giảng dạy, giáo dục học sinh, cũng như những mong muốn được bày tỏ đối với người giáo viên; bản thân là một nhà giáo - tác giả Phan Tuyết đã có bài viết về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Mới đây, trong một diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo ngành giáo dục với học sinh tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều học sinh bày tỏ những trăn trở của mình về mối quan hệ giữa thầy và trò không được khăng khít, về cách dạy của thầy cô khi lên lớp…và những ước mong của học trò đối với thầy cô của mình.
Một học sinh lên tiếng “Con không hiểu vì sao, cô chỉ đến lớp viết bài, giao bài tập cho chúng con, mà không nói gì cả”.
"Mối quan hệ giữa thầy cô với học sinh đôi khi không tốt chút nào. Bản thân em, em luôn mong muốn giáo viên dạy toán của mình nói chuyện với lớp.
Chúng em cảm thấy việc giáo viên đến lớp chỉ để giảng bài là một việc vô cùng nhàm chán. Em mong muốn cô nói chuyện với lớp dù chỉ một lần vì ngoài giảng bài ra, cô không nói gì cả".
Mối quan hệ giữa người giáo viên và các em học sinh (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Giáo viên chịu khá nhiều áp lực
Thứ nhất, áp lực về thời gian và chất lượng.
Giáo viên dạy bộ môn sẽ lên lớp 45 phút/tiết (riêng bậc tiểu học là 35 phút). Với thời lượng cố định như thế, thầy cô “vắt chân lên cổ” mà chạy mới mong kịp giờ.
Kiến thức cần truyền tải trong một tiết dạy khá nhiều, lực học của các em lại không đồng đều. Không ít học sinh có lực học yếu kém, số khác không chịu học…thầy cô luôn chịu áp lực về chất lượng nên gặp học sinh như thế sẽ vô cùng vất vả.
Thầy cô chủ nhiệm một tuần có thêm 1 tiết sinh hoạt tập thể lại phải giải quyết biết bao nhiêu việc tồn tại của lớp trong suốt tuần học qua.
Nào là học sinh không thuộc bài, vô lễ, quậy phá trong giờ học, vi phạm những nội quy khác…với những việc như thế chẳng ai có được tâm trạng vui vẻ mà trò chuyện hay tâm tình cùng các em.
Bởi thế chuyện thầy và trò không có thời gian sinh hoạt, trò chuyện cùng nhau vẫn đang xảy ra thường xuyên ở trường học âu cũng là điều dễ hiểu.
Thứ hai, áp lực về những quy định chuyên môn.
Nữ sinh Sài Gòn bật khóc nói về giáo viên “không nói gì cả” trong lớp |
Có học sinh nói rằng: "Đối với các bạn, giáo viên đến lớp giảng bài là điều vô cùng nhàm chán. Nhưng con mong muốn được một lần như vậy.
Tại vì giáo viên của con không nói gì cả. Con không hiểu vì sao cô đến lớp chỉ viết bài và giao bài tập cho chúng con làm mà không nói gì cả".
Theo phương pháp dạy học mới hiện nay đang áp dụng ở tất cả các bậc học. Học sinh phải tự học, tự tìm kiếm kiến thức, giáo viên chỉ hỗ trợ khi các em gặp khó khăn.
Nếu giáo viên vào lớp mà giảng bài là vi phạm quy chế chuyên môn, là chưa đổi mới phương pháp, là làm thay việc học trò, là nói nhiều…hàng chục lỗi sẽ bủa vây thầy cô giáo và hậu quả là giáo viên sẽ bị xếp vào dạng yếu chuyên môn nghiệp vụ.
Thứ ba, áp lực về dư luận.
Thầy cô vào lớp chỉ cần dành 5 phút nói chuyện với học sinh ngoài nội dung bài dạy có thể sẽ gặp ngay rắc rối.
Mấy chục học trò có phải em nào cũng muốn nghe những điều ngoài bài giảng?
Chỉ cần một phụ huynh lên trường phản ánh “thầy cô hay nói chuyện linh tinh trong giờ dạy” thì xem như giáo viên ấy chỉ từ “chết đến bị thương” vì không thể có đường thanh minh.
Xưa đến nay người ta chỉ xem trọng học sinh, phụ huynh nói gì chứ mấy ai chịu lắng nghe giáo viên nghĩ gì, nói gì?
Giáo viên làm đúng bị dư luận phản ứng còn khổ. Nhưng chẳng may có phần sai trong đó thì hậu quả lại khôn lường.
Nhiều thầy cô nói với nhau nghe mà xót lòng “dạy trò muốn nên người phải giáo dục. Nhưng chúng ta đã mất đi quyền được “giáo” chỉ còn “dục”. Thế nên “đến giờ vào lớp dạy, dạy hết giờ thì bước ra”.
Đây cũng là cách mà nhiều giáo viên hiện nay áp dụng để tự bảo vệ cho mình. Cách mà nhiều người cho là hiệu quả và an toàn nhất.
Có lẽ vì điều này, mà mối quan hệ giữa thầy và trò ngày nay đã trở nên xa cách hơn bao giờ hết.
Hãy nghe giáo viên nói
Phản ứng của khá nhiều giáo viên xung quanh việc học sinh chia sẻ cô giáo lên lớp chẳng nói gì.
Tôi dạy cấp 3, đã có lần cho các em nghỉ mệt và hỏi han chuyện học của lớp vào khoảng 3 phút cuối giờ, hiệu trưởng đi ngang đúng lúc đó và kết quả là tôi được mời lên phòng hiệu trưởng làm "công tác tư tưởng" nửa giờ.
Vì "phung phí thời gian nói chuyện ngoài bài học" và bóng gió chuyện cắt thi đua nếu còn tái diễn. Một lần cho tởn đến già không bao giờ còn dám nói chuyện gì ngoài bài học.
Thầy cô quay cuồng với giáo án, sợ cháy giáo án, sợ hết giờ mà chưa hết bài, làm gì mà có thời gian tâm sự với các em? Các em chỉ biết nhận mà chưa biết cho.
Có vẻ như chúng ta đang làm quá quyền trẻ em chăng? Các em giờ dường như đòi hỏi quá nhiều, đặt cái tôi quá lớn, it biết sẻ chia, và có lòng cảm thông vớingười khác hơn thì phải.
Giáo viên chỉ có 45 phút lên lớp mà nào là các bước: ổn định lớp; kiểm tra bài cũ; giảng bài mới; củng cố bài giảng, ra bài tập về nhà. Nếu không khéo là dạy không kịp, thường gọi là "cháy giáo án", bị phê bình, hạ thi đua...
Thời nay, thầy chỉ nói chuyện 5 phút ngoài bài học là có phụ huynh báo với Ban giám hiệu giáo viên không lo dạy, chỉ nói chuyện linh tinh câu giờ đấy ạ. Rồi nhà trường sẽ góp ý, có khi cảnh cáo mất cả thi đua.
50 học sinh là 50 phụ huynh, mỗi người một ý, chỉ cần không vừa ý một người là... coi chừng. Thôi cứ lên lớp cố dạy cho đủ thôi, chạy đua với giáo án còn không kịp thở nữa.
Dạy nhiều thì bảo ép học, nói thêm bên ngoài thì bảo không lo dạy. Tốt hơn là cố dạy cho đủ bài học (mà 45 phút còn không chạy kịp) rồi về thôi.
Học sinh nói không phải là không có lý và thầy cô nói cũng chính là bài học được giáo viên rút ra từ thực tế.
Vì sao lại đến nông nỗi thế này? Cứ thế này thì giáo dục nước nhà sẽ đi đến đâu? Câu trả lời là của tất cả mọi người.