Năm nào cũng thế, cứ vào mỗi dịp Tết đến xuân về câu chuyện trực Tết của giáo viên lại được mang ra bàn luận sôi nổi. Ngay dịp Tết Nguyên đán năm nay, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của một số giáo viên tại một tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long về việc một trường trung học cơ sở và trung học phổ thông phân công giáo viên phải thay nhau trực Tết suốt ngày đêm tại trường.
Đáng nói là giáo viên phản ánh, họ không được tính tiền thêm giờ theo quy định mà còn bị trừ điểm thi đua nếu vắng mặt. Theo phân công của ban giám hiệu trường này, thầy cô sẽ phải trực luân phiên từ 26 tháng Chạp (5/2) cho đến hết mùng 8 Tết (17/2). Nếu thành viên nào vắng mặt sẽ bị trừ điểm thi đua (có phép -0.25; không phép -0.5 điểm). Giáo viên bị trừ quá 1.0 điểm sẽ không được xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều này đã gây nhiều bức xúc cho thầy cô.
Theo giáo viên phản ánh, ban giám hiệu cho biết, trực Tết là nhiệm vụ viên chức phải làm nên không được tính tiền thêm giờ. Vậy căn cứ của việc trực Tết được xem xét ra sao?
Thông báo 5015/TB-LĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu: “Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội được nghỉ tết Âm lịch năm 2024 từ thứ Năm ngày 08/02/2024 đến hết thứ Tư ngày 14/02/2024”.
Khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động quy định: “Đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định”; Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch); Tết Âm lịch: 05 ngày…
Sự phân công thiếu mềm dẻo, linh hoạt mới tạo ra sự bức xúc trong đội ngũ giáo viên
Đối với những giáo viên ở gần trường, việc bỏ ra một buổi (trong thời gian nghỉ Tết) để đến trường ngồi trực cũng không khó khăn gì nên đa phần những thầy cô giáo này đều đồng thuận với việc phân công trực Tết của nhà trường.
Ngay ở địa phương người viết công tác, nhà trường vẫn thực hiện lịch phân công trực Tết cho tất cả giáo viên trong trường nhưng không bị bất kỳ sự phản ứng nào từ giáo viên.
Bởi, cách phân công trực Tết của hiệu trưởng cũng rất nhẹ nhàng, thấu hiểu và hợp tình, hợp lý. Giáo viên có nhu cầu chọn ngày trực để tiện cho việc sắp xếp công việc nhà hoặc có lý do chính đáng xin nghỉ trực cũng sẽ được linh động sắp xếp, giải quyết một cách phù hợp hoặc sẽ có bảo vệ sẵn sàng trực thay nên ai nấy đều hợp tác một cách tự nguyện và vô cùng vui vẻ.
Cô giáo M.T, giáo viên tại tỉnh Đắc Nông (đề nghị không nêu tên) cũng chia sẻ về việc phân công trực Tết ở trường học của mình: “Trường tôi vẫn phân công trực Tết như bình thường. Tuy nhiên, những giáo viên nhà ở xa, hiệu trưởng nhà trường cùng một nhân viên thường trực thay. Vì thế, chúng tôi cũng luôn đồng thuận việc trực Tết mà không thắc mắc gì”.
Một giáo viên khác cũng cho biết, có trường, hiệu trưởng bồi dưỡng thêm cho bảo vệ và một số giáo viên có nhà gần trường trực thay cho giáo viên nhà xa. Bởi thế, phần đông các thầy cô giáo cũng rất thoải mái khi nhà trường phân công trực Tết.
Không được như trường của cô giáo M.T, thầy giáo V.T, giáo viên ở một huyện vùng núi một tỉnh miền Trung lại bức xúc cho biết: “Năm nào giáo viên cũng bị phân trực Tết bất kể nhà ở đây hay ở tận dưới xuôi xa xôi.
Nhà em cách trường 300 km, lẽ nào về quê ăn Tết lại chạy lên trường để trực rồi lại chạy về? Có người được về cũng phải nán lại vài hôm trực Tết xong mới về. Nếu muốn không trực, chúng em phải góp tiền thuê người hoặc bồi dưỡng cho bảo vệ để họ trực thay cho”.
Vì điều này, sự bức xúc về trực Tết mới âm ỉ trong đội ngũ nhà giáo nhất là ở những địa phương có nhiều giáo viên dạy xa nhà.
Giáo viên không trực Tết thì ai sẽ trực?
Khá nhiều người nêu câu hỏi thắc mắc, nếu trường học không phân công giáo viên trực Tết thì ai sẽ là người trực trường trong thời gian nghỉ Tết dài ngày? Trường học cũng có nhiều tài sản như ti vi, máy vi tính ở các lớp và dàn máy vi tính, nhạc cụ trong phòng học chức năng. Thế nên, việc trực Tết và các ngày nghĩ lễ khác là thật sự cần thiết.
Nếu so với những quy định hiện hành thì giáo viên không bắt buộc phải trực Tết. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, ở tất cả các trường học, giáo viên đều được phân công trực Tết vì giáo viên không trực, sẽ không biết phân công ai trực trường đây?
Một hiệu trưởng cũng tâm tư, bảo vệ cũng cần được nghỉ ngơi trong những ngày Tết. Không lẽ bắt họ phải trực cả ngày lẫn đêm? Còn thuê người trực, lấy nguồn kinh phí nào để chi trả cho họ?
Trường học đông giáo viên thì 2 đến 3 người trực một buổi. Trường học ít giáo viên thì mỗi ca trực sẽ có một người. Giáo viên trực vào ban ngày còn bảo vệ sẽ trực vào ban đêm cũng là cách chia sẻ công việc với bảo vệ và nhà trường.
Mọi người trong nhà trường chia sẻ công việc cho nhau sẽ giúp cho trường học được an toàn trong những ngày Tết. Tuy nhiên, chia sẻ công việc nhưng chế độ bồi dưỡng cũng cần được thực hiện theo đúng quy định hiện nay. Thời gian trực Tết phải được tính là thời gian làm thêm theo quy định của Bộ luật Lao động.
Tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương khi trực Tết Âm lịch 2024: Nếu tính cả lương khi nghỉ người lao động trực Tết Âm lịch 2024 sẽ được trả lương như sau: Làm việc vào ban ngày: Nhận ít nhất 400% lương của ngày làm việc bình thường. Làm việc vào ban đêm: Nhận ít nhất 490% lương của ngày làm việc bình thường.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/duoc-nhan-bao-nhieu-luong-khi-truc-tet-am-lich-2024
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.