Các nội dung trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tiếp tục được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo phân tích, đánh giá và góp ý.
Dưới đây là ý kiến của cô giáo Nguyễn Thu Hoài, Phó Hiệu trưởng trường Song ngữ Quốc tế Horizon, 98 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội.
Giảm tâm lý nặng bằng cấp
Cá nhân tôi cho rằng chương trình mới là bước đột phá đáng ghi nhận thể hiện qua các nội dung như:
Cho phép học sinh được tự chọn và phân hóa hướng nghiệp sớm và đã có giải pháp định hướng nghề nghiệp cho học; khuyến khích học sinh tự phát hiện năng lực bản thân; năng lực tin học được chú trọng để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Những nội dung đó sẽ giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực, sử dụng con người bằng chính năng lực, tạo môi trường đánh giá đúng năng lực, từ đó mới đi tâm lý trọng bằng cấp và giáo dục mới có thể đi vào thực học.
Nếu cấu trúc và nội dung các môn học ăn khớp với những định hướng trên, tôi cho rằng chúng ta đang đi đúng hướng để đổi mới giáo dục.
Ngoài ra, ở góc độ người làm quản lý giáo dục, tôi cho rằng định hướng các nội dung giáo dục trong dự thảo lần này được triển khai khá tường minh.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nhiều bước đột phá đáng ghi nhận. (Ảnh: Văn Lự) |
Cụ thể, người thầy đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn học sinh. Hoạt động học tập được tổ chức trong và ngoài nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu như học lý thuyết, làm bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu, đọc sách, sinh hoạt tập thể, cộng đồng. Còn học sinh được tổ chức làm việc độc lập, theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp học.
Như vậy, chương trình mới sẽ trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường cũng như cơ hội chủ động trong giảng dạy và học tập cho giáo viên và học sinh.
Giáo viên có điều kiện phát huy được hết khả năng của bản thân trong việc truyền thụ kiến thức.
Học sinh được chủ động trong việc lựa chọn các môn học, được tham gia vào các hoạt động trong và ngoài nhà trường, tăng tính thực hành, trải nghiệm, tự tin trong học tập.
Một điểm nữa theo tôi cũng là ưu điểm cửa dự thảo, đó là cấu trúc chương trình mang tính hệ thống theo hướng đồng tâm và phát triển từ Tiểu học, Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông.
Đồng thời có tính mở, linh hoạt, để phù hợp với các điều kiện và đặc điểm của học sinh theo vùng miền khác nhau.
Nội dung chương trình (nội dung học tập) được thiết kế từ dễ đến khó, từ mức độ thấp đến mức độ cao hơn để tương ứng với yêu cầu phát triển từ mức độ đơn giản đến mức độ hoàn thiện về phẩm chất, năng lực học sinh.
4 điểm hay về định hướng đánh giá kết quả giáo dục
Có một số ý kiến cho rằng, phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh trong dự thảo chương trình giáo dục tổng thể còn mơ hồ, chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, tôi lại ghi nhận 4 điểm hay về định hướng đánh giá kết quả giáo dục trong dự thảo.
Bộ trưởng Nhạ yêu cầu tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý cho chương trình tổng thể |
Thứ nhất, mục tiêu đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đạt chuẩn của chương trình và sự tiến bộ của học sinh.
Thứ hai, căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học (sẽ có).
Phạm vi đánh giá bao gồm toàn bộ các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.
Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.
Thứ ba, kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức thông qua đánh giá thường xuyên, định kỳ ở cơ sở giáo dục, các kỳ đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kỳ đánh giá quốc tế.
Kết quả các môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của học sinh trong từng năm học và trong cả quá trình học tập.
Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức. Việc đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức.
Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.
Phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, giảm thiểu tốn kém cho ngân sách.
Thứ tư, nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm là việc giao cho các trường xét tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Theo tôi, đây là chủ trương phù hợp trong giai đoạn sau này của đổi mới giáo dục phổ thông. Là giải pháp căn bản, tránh gây xáo trộn trong xã hội, trong từng địa phương và nhà trường.