Tạo thêm áp lực cho học trò là cách làm gì vậy?

21/05/2018 06:29
Xuân Dương
(GDVN) - Ước tính năm nay Hà Nội có khoảng 4 vsanj học sinh không được học ở cá trường trung học phổ thông công lập.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018 có 104.905 học sinh lớp 9.

Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập là khoảng 75% số học sinh lớp 9 hiện tại (tương đương 78.678 học sinh).

Chưa thi, hơn 40.000 học sinh lớp 9 Hà Nội đã trượt công lập lớp 10

Như vậy, sẽ còn hơn 26.000 học sinh sẽ trượt vào lớp 10 công lập khi kỳ thi tuyển sinh đầu cấp chưa bắt đầu.

Năm học 2018-2019, Hà Nội có khoảng 65.000 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập.

Với số lượng thí sinh hơn 100.000, ước tính có khoảng 40.000 học sinh lớp 9 sẽ trượt các trường trung học phổ thông công lập, tức là khoảng 40%.

Học sinh đang phải chịu nhiều áp lực học hành. (Ảnh minh hoạ trên Báo Giáo dục và Thời đại)
Học sinh đang phải chịu nhiều áp lực học hành. (Ảnh minh hoạ trên Báo Giáo dục và Thời đại)

Báo điện tử Baonghean.vn dẫn lời ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết năm 2018 có khoảng 40.718 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.

Toàn tỉnh chỉ có 692 lớp 10 công lập với chỉ tiêu 29.083 học sinh, số học sinh trượt lớp 10 công lập ngay khi chưa thi vào khoảng gần 30%.

Câu hỏi đặt ra là những học sinh trượt lớp 10 công lập có mặt bằng kiến thức khác nhau tùy theo địa phương, có thể trượt ở địa phương này nhưng thừa điểm đỗ ở địa phương khác.

Tuy nhiên khác với thi đại học có thể chuyển nguyện vọng sang trường có điểm chuẩn thấp hơn, học sinh lớp 10 vướng vấn đề hộ khẩu nên không thể chuyển.

Tạo thêm áp lực cho học trò là cách làm gì vậy? ảnh 2Vì sao học sinh Hà Nội phải đến các lò học thêm tối ngày?

Những người phải chuyển sang học các trường ngoài công lập đương nhiên phải trang trải toàn bộ chi phí vì không được nhà nước bao cấp.

Mặt khác, nhiều gia đình eo hẹp kinh tế không có điều kiện cho con em luyện thi nên khả năng trượt cao hơn con em gia đình khá giả.

Có thể thấy rõ bất bình đẳng trong giáo dục đang là thực tế và hình như cơ quan quản lý coi sự bất bình đẳng này là đương nhiên?

Năm 2013, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Nghị quyết nêu rõ: “Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo.

Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Hướng tới có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư”.

Năm 2014 Chính phủ ban hành Nghị định số  20/2014/NĐ-CP “Về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ”, theo Nghị định này ba cấp phổ cập giáo dục là Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở, cấp Trung học phổ thông không phải là cấp phổ cập nghĩa là không bắt buộc mọi công dân phải học lên cấp này.

Tạo thêm áp lực cho học trò là cách làm gì vậy? ảnh 3Ai giải được bài toán học sinh "ngồi nhầm lớp 9"?

Từ Nghị định của Chính phủ, người viết đã nhiều lần đề xuất ý kiến đối với bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, nhà nước cần phải bao cấp hoàn toàn nghĩa là gia đình học sinh không phải đóng góp bất kỳ khoản “tự nguyện” nào.

Bậc trung học phổ thông và đại học theo chủ trương phân luồng, định hướng nghề nghiệp, người muốn học lên phải đóng tiền, học sinh thuộc diện ưu tiên hoặc có thành tích xuất sắc sẽ được nhận học bổng.

Thực hiện được điều này học sinh được bao cấp trong 9 năm từ lớp 1 đến lớp 9 chưa kể cấp mầm non do vậy không thể nói ba năm trung học phổ thông không bao cấp là không nhân văn, không chú ý đến người nghèo.

Thực hiện được điều này sẽ không còn sự bất công giữa học sinh công lập và ngoài công lập chỉ bởi kết quả một kỳ thi mà người đỗ ở nơi này chưa chắc đã hơn người trượt ở nơi khác.

Chính tư tưởng có phần bảo thủ, trì trệ về xã hội hóa giáo dục đã khiến Hà Nội tăng “kịch trần” sĩ số học sinh lớp 10 lên 45 học sinh/lớp mà vẫn không đủ chỗ.

Nói “bảo thủ, trì trệ” bởi lãnh đạo ngành Giáo dục Hà Nội vẫn theo thói bao cấp, vẫn ban hành các chủ trương cấm đoán với các trường ngoài công lập đến mức Bộ Giáo dục và Đào tạo phải gửi công văn nhắc nhở.

Tạo thêm áp lực cho học trò là cách làm gì vậy? ảnh 4Tôi cam đoan, nếu Hà Nội thi tổ hợp để tuyển vào 10 sẽ nở rộ dạy thêm, học thêm

Theo Bộ này “việc tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang được phản ánh có một số bất cập trong quy định về thời gian và phương thức tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập, gây khó khăn cho học sinh, cha mẹ học sinh”. [2]

Nhắc nhở là như thế nhưng Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiên quyết cho rằng sở này “vẫn sẽ quản lý các trường ngoài công lập theo phần mềm ngay từ đầu năm, không để hiện tượng giữa năm các trường tự ý đưa học sinh vào nhập học”. [3]

Phải chăng theo vị lãnh đạo này, trường ngoài công lập nhận học sinh vào nhập học không từ đầu năm là “tự ý”, là trái “luật” của thành phố, cứ để học sinh thất học mới là đúng “luật”?

Đối với các bậc Tiểu học và Trung học cơ sở, hệ lụy thi đầu cấp cũng không hề kém hơn so với bậc trung học phổ thông.

Một khi đã là phổ cập theo quy định của Nhà nước thì phải thực hiện “hai không”: không tổ chức loại hình trưởng ngoài công lập ở các bậc học này và không thi tuyển đầu vào dưới bất kỳ hình thức nào.

Học sinh học xong bậc Tiểu học, nộp nguyện vọng vào trường trung học cơ sở theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3, các trường này căn cứ vào học bạ để tuyển chọn học sinh.

Chủ trương cho phép các trường tổ chức thi tuyển vào lớp 6 thực sự đang gây sốc toàn xã hội. Hệ lụy của việc thi tuyển vào lớp 6 đã thấy ngay lập tức.

Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam viết: “Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi quy chế tuyển sinh với lớp 6, trong đó đặc biệt đáng chú ý là với những trường "nóng" về tuyển sinh lớp 6, bên cạnh việc xét tuyển sẽ được kết hợp với thi tuyển. 

Điều này khiến tình trạng dạy thêm, học thêm, luyện thi vào lớp 6 đang diễn ra tràn lan tại nhiều nơi khiến áp lực của kỳ thi càng trở nên nặng nề.

Không ít học sinh lớp 5 thậm chí không còn đủ thời gian vui chơi, nghỉ ngơi đúng với lứa tuổi”. [1]

Tạo thêm áp lực cho học trò là cách làm gì vậy? ảnh 5Tăng tốc ôn thi vào 10, cả thầy và trò đều bơ phờ

Trên các diễn đàn, nhiều vị có trách nhiệm nói đến “giảm tải” cho học sinh, nói đến chuyện không được lạm thu đầu năm học,…

Thực tế diễn ra không phải như vậy, lạm thu vẫn xuất hiện, trẻ em vẫn phải “è cổ” luyện thi đặc biệt là học sinh lớp 6.

Áp lực thi cử, học hành tăng rất cao nhưng không biết lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô có để ý đến ý kiến của Đài Tiếng nói Việt Nam, có biết đến công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Hồ Chủ tịch từng nói: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”; “Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta”. [4]

Biết sai thì phải sửa, việc hại cho dân mà không hết sức tránh, cố chấp theo “cái lý của người mèo” thiết nghĩ không phải là cách làm của người đảng viên.

Bởi một trong những chủ trương xuyên suốt của Đảng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ trương vừa mới ban hành đã bị xã hội, truyền thông và cả Bộ Giáo dục và Đào tạo phản bác chính là việc “hại đến dân mà không hết sức tránh”.

Vậy các vị ở Hà Nội có nên xem xét lại chủ trương ngay từ lúc này?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vtv.vn/giao-duc/khong-nen-gay-ap-luc-thi-cu-cho-cac-em-hoc-sinh-vao-lop-6-20180517040710407.htm

[2]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-gddt-yeu-cau-ha-noi-cho-cac-truong-ngoai-cong-lap-tu-chu-tuyen-sinh-20180508195344004.htm

[3]http://vtv.vn/giao-duc/tuyen-sinh-lop-10-ha-noi-tang-si-so-len-45-hoc-sinh-mot-lop-20180414192210783.htm

[4] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/30583002-viec-gi-co-loi-cho-dan-ta-phai-het-suc-lam.html

Xuân Dương