GS, NGND Phan Ngọc Liên: Người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ học trò

16/04/2022 14:15
Thiên Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 16/4, Hội Giáo dục Lịch sử VN, Khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm HN cùng gia đình GS Phan Ngọc Liên tổ chức lễ tri ân và ra mắt bộ phim "Sen trắng thơm đời".

Tham dự buổi lễ có Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam; Phó Giáo sư Nguyễn Văn Nhật - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiền - Phó Hiệu trưởng nhà trường; Phó Giáo sư Đào Tuấn Thành - Trưởng khoa Lịch sử.

Buổi lễ còn có sự hiện diện của các thầy cô từng là đồng nghiệp, học trò của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Ngọc Liên; người thân, gia đình của Giáo sư cùng các sinh viên khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ học trò

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam cho biết, Giáo sư Phan Ngọc Liên là nhà sử học xuất sắc, nhà giáo dục Lịch sử hàng đầu, nhà quản lý mẫu mực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Phó Giáo sư Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thiên Ân)

Phó Giáo sư Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thiên Ân)

"Hơn 50 năm gắn bó với Khoa Lịch sử, thầy Liên luôn có một mong muốn đó là học trò của mình giỏi, khoa Lịch sử của Sư phạm Hà Nội vươn lên tầm cao về giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Thầy Liên đã sống và cống hiến hết lòng vì đội ngũ cán bộ của khoa, vì học sinh thân yêu. Không chỉ đào tạo đội ngũ cán bộ của khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy còn bồi dưỡng nhiều giảng viên cho khoa Lịch sử các trường đại học Sư phạm: Thái Nguyên, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh...

Trong đời thường, thầy cũng là thần tượng của nhiều học trò bởi lối sống giản dị, khiêm nhường, liêm khiết, chân thành và chan hòa với mọi người. Thầy Liên là người thầy, người cha đáng kính của nhiều thế hệ học trò", Phó giáo sư Nghiêm Đình Vỳ bày tỏ sự mến mộ đối với Nhà giáo nhân dân Phan Ngọc Liên.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, Giáo sư Phan Ngọc Liên không những là nhà nghiên cứu khoa học cơ bản mà còn là người đi tiên phong trong nghiên cứu khoa học giáo dục, đặt nền móng gây dựng nên Bộ môn Giáo học pháp, nay là Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học môn Lịch sử.

Thầy cũng là người có tầm nhìn xa, trông rộng trong nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử Đông Nam Á, một người có nhiều công trình nghiên cứu về Tư tưởng Hồ Chí Minh với Lịch sử và Giáo dục Lịch sử.

"Sự cống hiến của thầy góp phần tô đậm bản sắc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam, phát huy vai trò tiên phong của trường trong giáo dục Lịch sử", Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hiền khẳng định.

Người cha hết mực thương yêu các con

Cũng tại buổi lễ, các thế hệ học trò và gia đình Giáo sư Phan Ngọc Liên đã cùng ôn lại những kỷ niệm về người thầy đáng kính thông qua bộ phim “Sen trắng thơm đời” do Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) thực hiện và tọa đàm tri ân.

"Sen trắng thơm đời" - Bộ phim về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Ngọc Liên.

"Sen trắng thơm đời" - Bộ phim về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Ngọc Liên.

Đối với Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng - nguyên Phó Trưởng khoa Lịch Sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Liên là người có thể làm cùng lúc rất nhiều việc. Thầy vừa họp vừa nghĩ đề tài, sửa luận văn cho sinh viên, vừa viết báo, đó là năng lực hiếm người có được.

"Gần 30 năm gắn bó với Giáo sư Phan Ngọc Liên, nhắc tới những kỷ niệm với thầy thì không thể kể hết được, nhưng có một câu nói thầy từng phát biểu trong một hội thảo về lý luận phương pháp dạy và học mà tôi rất ấn tượng đó là "Nếu chỉ có phương pháp thì không bao giờ giỏi được, mà phương pháp chỉ giỏi khi khoa học cơ bản giỏi, muốn khoa học cơ bản giỏi thì phải có phương pháp". Tức là, mỗi người làm công tác giảng dạy ở trường đại học cũng như giáo viên đều phải giỏi khoa học cơ bản, đó chính là kiến thức lịch sử và chắc cả phương pháp dạy học. Chia sẻ đó của thầy cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với tôi và nhiều đồng nghiệp khác", Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng cho biết.

Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng - nguyên Phó Trưởng khoa Lịch Sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học Lịch sử, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Phó Giáo sư Trịnh Đình Tùng - nguyên Phó Trưởng khoa Lịch Sử, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học Lịch sử, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tại tọa đàm tri ân, anh Phan Ngọc Cẩm Thành - con trai của Giáo sư Phan Ngọc Liên tâm sự: "Bố tôi không bao giờ ép con cái đi theo một khuôn mẫu mà ông đã định sẵn, mặc dù bố là một người rất đam mê lịch sử. Vì yêu thương con cái nên ông luôn tôn trọng sở thích và đam mê của chúng tôi. Đến nay tôi và chị gái đều không làm việc trong lĩnh vực mà bố đã theo đuổi nhưng nhờ có sự dạy dỗ, chỉ bảo của bố mà chúng tôi cũng đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống và sự nghiệp".

Cũng nhân dịp này, ban tổ chức chương trình và gia đình Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Ngọc Liên đã phát động quỹ học bổng Phan Ngọc Liên và trao phần thưởng cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện của khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng các phần thưởng dành cho học sinh đạt giải Nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm học 2021-2022.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Ngọc Liên sinh ngày 10/11/1930, tại xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1957, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy khoa Lịch sử, sau đó làm nghiên cứu sinh tại Học viện Sư phạm Quốc gia Lênin Matxcơva (Liên Xô) từ năm 1961 đến năm 1965.

Khi về nước, tại khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông đã đảm nhiệm những chức vụ quan trọng như: Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Khoa, Chi ủy viên, Liên Chi ủy viên, Tổ trưởng tổ Giáo học pháp, Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Khoa. Tháng 9 năm 1974, ông làm Phó Trưởng đoàn chuyên gia giáo dục sang giúp Trường Đại học Sư phạm của Lào, Bí thư Đảng uỷ trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1984 - 1990)...

Hơn 50 năm gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Ngọc Liên đã đào tạo cho đất nước hàng ngàn thầy, cô giáo Lịch sử các cấp, và có hàng chục cán bộ khoa học có trình độ trên đại học. Thầy Liên đã có gần ba trăm công trình lớn, nhỏ được công bố trong và ngoài nước,… và được giới tri thức biết đến với một học giả danh tiếng Phan Ngọc Liên.

Năm 1991, Thầy được phong học hàm Giáo sư. Năm 2000, Thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, chiến sĩ thi đua toàn quốc, và nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương khác của Nhà nước trao tặng.

Thiên Ân