Hà Nội: Thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn SGK chưa nhiều

15/02/2023 06:41
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hà Nội đã triển khai chương trình tặng 4.100 bộ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 08 huyện thuộc thành phố.

Báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đã thông tin cụ thể về việc lựa chọn sách giáo khoa cũng như việc phát hành sách giáo khoa và tài liệu tham khảo.

Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện nghị quyết số 88/2014/QH13 và nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022 (ngày 9/2/2023). Ảnh: Thế Đại

Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện nghị quyết số 88/2014/QH13 và nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022 (ngày 9/2/2023). Ảnh: Thế Đại

Đối với việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, căn cứ Thông tư số 01/2020/TT- BGDĐT ngày 30/01/2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 1715/QĐ-UBND ngày 24/4/2020 về việc ban hành quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn. Căn cứ tiêu chí lựa chọn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn chi tiết quy trình tổ chức triển khai lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021.

Sau đó, căn cứ Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 1157/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 về việc ban hành quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn; Quyết định số 1461/QĐ-UBND ngày 26/3/2021, Quyết định số 1542/QĐ-UBND ngày 02/4/2021 về việc thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp trung học cơ sở, cấp tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Về việc lựa chọn sách giáo khoa, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất danh mục lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân thành phố thành lập đã tổ chức họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các cơ sở Giáo dục phổ thông đề xuất, bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa cho mỗi môn học; tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Căn cứ kết quả lựa chọn của các Hội đồng, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành các Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, lớp 3, lớp 7, lớp 10 tại các Quyết định số 1814/QĐ-UBND ngày 20/4/2021; Quyết định số 1706/QĐ-UBND ngày 20/5/2022.

Danh mục sách giáo khoa được phê duyệt được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và được thông báo đến các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn kịp thời, đúng quy định. Các nhà trường đã thông báo danh mục sách giáo khoa được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh. Qua đó, các nhà trường đều được sử dụng đúng bộ sách của nhà trường, phụ huynh, giáo viên đã lựa chọn.

Về việc thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa, thực hiện chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, có 06 nhà xuất bản đã tham gia, biên soạn, phát hành sách giáo khoa môn học/hoạt động giáo dục các khối lớp (các nhà xuất bản: Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Vinh, Đại học Huế); 03 tổ chức biên soạn sách giáo khoa.

Chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã huy động được nhiều tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa, đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn, tạo động lực cho các nhóm tác giả, các nhà xuất bản có những bộ sách chất lượng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, tiến độ thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa còn chậm. Thời gian để các địa phương nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa chưa nhiều.

Về kết quả phát hành sách giáo khoa, tài liệu tham khảo trên địa bàn, công tác phát hành sách giáo khoa hằng năm đã được các cơ sở giáo dục triển khai nghiêm túc, xây dựng kế hoạch phát hành, giới thiệu đầy đủ, chi tiết về danh mục sách giáo khoa, phối hợp các đơn vị cung ứng của nhà xuất bản về phương thức phát hành, chủng loại sách giáo khoa theo từng môn học của từng bộ sách mà đơn vị trường lựa chọn, đóng gói theo bộ, vận chuyển đến từng trường, cử cán bộ tổ chức tiếp nhận sách giáo khoa chuyển đến từng học sinh đã đăng ký.

Các đơn vị cung ứng chuẩn bị đầy đủ kho tàng, phương tiện vận chuyển, nhân sự phục vụ đến từng cơ sở giáo dục; chuẩn bị số lượng lớn sách giáo khoa đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu của các cơ sở giáo dục.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 năm 2021, Hà Nội phải triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội; Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc cấp mã xác nhận phương tiện phục vụ chuyển phát sách giáo khoa, dụng cụ học tập của các trường học trên địa bàn; phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông có các giải pháp, cấp mã xác nhận phương tiện cho các đơn vị cung ứng phục vụ chuyển giao sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện để phương tiện được lưu thông thuận lợi qua các chốt kiểm soát, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Hà Nội khẳng định không có định hướng, gợi ý các trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Hà Nội khẳng định không có định hướng, gợi ý các trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Với mục tiêu phải cung cấp đầy đủ, đồng bộ, kịp thời, sách giáo khoa trước ngày khai giảng năm học mới, các đơn vị cung ứng sách và nhà xuất bản đã khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo số lượng dự phòng theo quy định, xây dựng nhiều kịch bản, phương án phát hành, đảm bảo chuyển giao sách giáo khoa kịp thời tới các cơ sở giáo dục và học sinh, không để tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa.

Ngoài kênh phân phối trên, các đơn vị cung ứng đa dạng hóa kênh phát hành như phục vụ qua kênh bán hàng trực tuyến, hệ thống các cửa hàng bán lẻ của công ty, các nhà sách được phân công phục vụ; hỗ trợ nhu cầu mua sắm phát sinh nhỏ lẻ...

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp nhà xuất bản tổ chức vận động triển khai chương trình tặng 4.100 bộ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 08 huyện thuộc thành phố Hà Nội.

Kết quả cung ứng, phát hành sách giáo khoa: Năm học 2020-2021 là 3.175.408 bản. Năm học 2021-2022 là 5.593.540 bản. Năm học 2022-2023 là 6.815.376 bản. Năm học 2022-2023, đến ngày 15/9/2022 các đơn vị đã hoàn thành việc cung ứng đầy đủ tới 100% các cơ sở giáo dục có đăng ký.

Thông tin thêm về việc lựa chọn sách giáo khoa, tại buổi giám sát chuyên đề "Việc thực hiện nghị quyết số 88/2014/QH13 và nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội" (ngày 9/2/2023), ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội không có định hướng, gợi ý các trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa, mà thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phạm Minh