Top 10 bộ phim về bóng đá đáng xem nhất mọi thời đại

10/10/2011 06:38
Đỗ Âu
(GDVN) - Bóng đá từ lâu đã trở thành đề tài của điện ảnh nhưng có ít bộ phim gây được tiếng vang với các nhà phê bình cũng như người mê nghệ thuật thứ 7.
Bend it Like Beckham (2002)

Jess, một cô gái 18 tuổi người Ấn Độ mê đắm bóng đá nhưng vì bị truyền thống gia đình ngăn cản nên đã nói dối để được chơi bóng và nhờ đó cô đã phát hiện ra khả năng của mình với trái bóng. Cô được nhận vào một CLB địa phương và ngày càng thể hiện được tài năng chơi bóng của mình, cho đến khi mọi việc đi quá xa. Cô ghi một bàn thắng kiểu Beckham để giúp đội mình đoạt chức vô địch và nhận được học bổng bóng đá của một trường đại học, nhưng Jess đến lúc đó vẫn chưa cho cha mẹ biết về con đường của mình.

Không được chờ đợi nhưng bộ phim đã gây ngạc nhiên với giới phê bình vì sự hài hước đơn giản và triết lý tình yêu thể thao có thể vượt qua mọi định kiến xã hội và tôn giáo.

Looking for Eric (2009)

Eric Bishop là một kẻ cuồng tín với bóng đá nhưng cuộc sống của anh đang chìm trong khủng hoảng. Đã ly dị vợ, Eric còn phải chịu nhiều bi kịch gia đình khi con trai mình làm việc cho một tên trùm ma túy. Trong lúc cùng quẫn định tự sát, anh đã tìm lời khuyên của thần tượng Eric Cantona và Eric đã lấy lại nghị lực để tiếp tục cuộc sống và đưa con trai mình trở lại con đường lương thiện.

Là một bộ phim cảm động nhưng cũng không ít tình huống vui nhộn, Looking for Eric mang tới cho người xem một cảm nhận mới về tình đoàn kết trong bóng đá, không phải trên sân cỏ mà là ngoài đời thường, khi có rất nhiều người mong muốn tìm thấy sự cứu vớt từ những anh hùng của họ.

Gracie (2007)

Bối cảnh là năm 1978 và Gracie Bowen là một cô thiếu nữ 15 tuổi ham mê bóng đá nhưng khi đó cô chỉ có thể gia nhập đội bóng nam. Cả gia đình (trừ anh trai) đều phản đối Gracie chơi bóng cho dù cha và anh cô đều từng là cầu thủ. Rơi vào trạng thái trầm cảm, Gracie trở thành một kẻ nổi loạn nhằm mục đích buộc gia đình và xã hội phải chấp nhận để cô được trở thành một cầu thủ.

Bộ phim lấy giai đoạn 1978 là thời điểm chuyển giao giữa hai thế hệ người Mỹ, và những xung đột văn hóa diễn ra xung quanh nó (phụ nữ không được khuyến khích chơi các môn thể thao của đàn ông).

Guys and Balls (2004)

Bộ phim hài của Đức này nói về một thủ môn bị đuổi ra khỏi đội bóng vì anh ta là dân đồng tính. Cảm thấy tức giận vì việc này, anh đã tự lập ra đội bóng của riêng mình gồm toàn những cầu thủ đồng tính và đánh bại đội bóng cũ.

Đây là một trong những tác phẩm điện ảnh hiếm hoi đề cập tới vấn nạn kỳ thị người đồng tính trong thể thao. Phim đã được CLB Borussia Dortmund lựa chọn để trình chiếu trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập (1909-2009)

Purely Belter (2000)

Phim nói về hai cậu bé sống ở vùng Tyniside vì muốn có một tấm vé cả mùa để xem Newcastle United thi đấu tại St.James Park nên đã làm tất cả những gì có thể, kể cả tội phạm. Thế nhưng những hành vi phạm tội của họ luôn kết thúc trong cảnh dở khóc dở cười và một lần họ thậm chí ăn cắp cả chiếc xe của thần tượng Alan Shearer.

Phim được đánh giá cao bởi độ hài hước của những tình huống mà hai bạn trẻ tham gia cũng như tính chân thật trong đời sống bóng đá ở Newcastle (thuê học sinh học hộ đổi lấy vé bóng đá, bạo lực ở sân vận động…).

Offside (2009)

Một cặp anh em có những triết lý khác nhau về bóng đá phải đối mặt với nguy cơ từ bỏ môn thể thao vua vì tuổi tác cũng như trách nhiệm gia đình. Họ muốn kết thúc sự nghiệp với một chiếc cúp để đời nhưng dường như mọi thứ chống lại họ: những người vợ không đồng tình, công chúng Australia thờ ơ với túc cầu. Niềm đam mê bóng đá khiến họ mất đi người thân yêu, nhưng đổi lại hai anh em đã tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình.

Bộ phim với nội dung hài lãng mạn phản ánh một Australia lãnh cảm với bóng đá khiến những cầu thủ tài năng phải chịu rất nhiều áp lực sự nghiệp lẫn gia đình. Những cầu thủ nổi tiếng đã tìm tới chân trời xa để theo đuổi công danh, để lại đằng sau là một nền bóng đá mà những người còn sót lại phải vật lộn mưu sinh.

Awaydays (2009)

Paul Carty chịu nỗi đau mất mẹ và biến mình thành kẻ cầm đầu một băng hooligan. Lối sống nổi loạn của Carty khiến anh mất đi từ người thân tới cả tình yêu của mình, để rồi tự nhận ra khoảng tối trong cuộc sống của một hooligan và dũng cảm ra đi bất chấp những mối đe dọa từ chính những người bạn cũ cùng băng của mình.

Với câu nói nổi tiếng: “Sẽ không có nhân quyền khi bạn đi xem bóng đá”, bộ phim phản ánh một bộ mặt đáng sợ ở các SVĐ Anh nơi những khán giả luôn phải chịu mối đe dọa tính mạng thường xuyên.

Shaolin Soccer (2001)

Bộ phim hài Hồng Kông này nói về một thầy tu Thiếu Lâm đoàn tụ cùng những người anh em. Họ quyết định sử dụng võ công của mình để chơi bóng đá và mang môn võ Thiếu Lâm tới công chúng.

Phim nhận được 7 giải thưởng trong Liên hoan phim Hồng Kông lần thứ 21 và được coi là bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại của điện ảnh Hồng Kông cho đến năm 2004, khi phim Kung Fu Hustle ra mắt.

Escape to Victory (1981)

Dựa trên một sự kiện lịch sử có thật, phim nói về một nhóm tù binh quân Đồng minh bị giam giữ trong một trại giam của phát xít Đức. Được yêu cầu phải chơi một trận đấu nhằm kỷ niệm ngày sinh nhật của Hitler, họ định tận dụng cơ hội này để đào thoát khỏi nhà tù. Sự giằng xé giữa chạy trốn (mơ ước tự do) và chiến thắng trận bóng đá (tình yêu thể thao) khiến những tù binh bị bối rối, đi kèm với đó là nỗi sợ họ có thể mất mạng nếu chiến thắng.

Phim có sự góp mặt của dàn diễn viên toàn những danh thủ bóng đá nổi tiếng thế giới như Bobby Moore, Osvaldo Ardiles, Mike Summerbee và Pele cùng hơn 10 cựu cầu thủ khác đang chơi tại các CLB Anh.

The Damned United (2009)

Phim mở đầu với bối cảnh năm 1974, khi Brian Clough được bổ nhiệm làm HLV trưởng của Leeds United. Bộ phim nói về sự nghiệp cầm quân đầy những thành công lẫn tai tiếng của Clough ở Derby County và Leeds, cùng với đó là mối quan hệ khăng khít giữa ông với trợ lý Peter Taylor. Cùng nhau được tôn vinh như tượng đài ở Derby County, nhưng Clough và Taylor đã đường ai nấy đi khi Clough tìm đến Leeds vì tham danh vọng còn Taylor chấp nhận ở lại đội bóng quèn Brighton. Tuy nhiên họ đã vượt qua nhiều trở ngại để trở lại cùng nhau và sau này giúp Nottingham Forest, một đội bóng tỉnh lẻ, đoạt 2 cúp châu Âu liên tiếp.

Bộ phim được đón nhận nồng nhiệt không chỉ bởi những người yêu bóng đá mà cả những fan hâm mộ điện ảnh. Clough, một nhân vật có sức cuốn hút và thẳng tính, đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong nghiệp huấn luyện nhưng luôn đau đáu về tình bạn với Peter Taylor, người đồng hành quan trọng nhất trong sự nghiệp lẫy lừng của ông. Đó chính là tư tưởng chủ đạo của bộ phim: tình bạn luôn trường tồn và vô giá hơn bất cứ điều gì, kể cả danh vọng.
Đỗ Âu