Tại buổi tọa đàm trực tuyến: “Công tác giám sát của Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học - thực tiễn và kinh nghiệm triển khai” do Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thái Bình đã chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám sát của Hội đồng trường.
Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến cho hay, tại Trường Đại học Y dược Thái Bình, chức năng giám sát của Hội đồng trường được quy định cụ thể cho từng ban.
Việc thực hiện thẩm tra các quy chế, quy định, dự án, đề án… thuộc lĩnh vực được phân công trước khi đưa ra lấy ý kiến của Hội đồng trường; Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường theo các lĩnh vực chuyên môn.
Hình thức giám sát có giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Hằng năm báo cáo trước hội nghị cán bộ viên chức của trường về kết quả hoạt động của Hội đồng trường và kết quả giám sát.
Vai trò của hoạt động giám sát chưa thực sự được coi trọng
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc, thầy Tiến cho hay, các văn bản pháp luật, quy chế, quy định pháp lý về công tác giám sát của Hội đồng trường chưa cụ thể.
Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
Tính pháp lý, vai trò hoạt động giám sát, kết quả giám sát chưa được các bên (Hội đồng trường, Ban giám hiệu, đơn vị chức năng) thực sự coi trọng, dẫn đến sự phối hợp giữa người giám sát và đối tượng chịu sự giám sát còn hạn chế.
Về khía cạnh nhân lực, không có bộ máy độc lập, các thành viên trong ban giám sát theo lĩnh vực lại đồng thời là những cán bộ quản lý trực tiếp lĩnh vực đó nên phần nào cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong ban.
Năng lực, kỹ năng giám sát, kiến thức về lĩnh vực chuyên môn và nghiệp vụ của cán bộ thực hiện thẩm tra, giám sát chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là với công tác tài chính, tài sản.
Các thành viên tham gia đều mới, lần đầu tiên, chưa được tập huấn kỹ năng công tác nên việc tổ chức và thực hiện còn lúng túng.
Hơn nữa, nhận thức chung về vị trí, vai trò của Hội đồng trường chưa đúng mức; năng lực, tinh thần, trách nhiệm của một số thành viên còn hạn chế.
Bên cạnh đó, các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng trường, của các ban (cơ sở vật chất, kinh phí) còn hạn chế.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm, Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến cho hay, các thành viên thực hiện công tác giám sát cần đáp ứng năng lực, có kinh nghiệm, am hiểu sâu về lĩnh vực, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Kế hoạch giám sát cần được xây dựng chi tiết, rõ ràng cho toàn khóa, từng năm và từng quý, phù hợp với yêu cầu giám sát với khả năng đáp ứng của đơn vị chịu sự giám sát.
Công tác giám sát phải đánh giá đúng, khách quan thực trạng tình hình hoạt động của nhà trường.
Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức tăng cường phối hợp công tác giữa Hội đồng trường, Ban Giám hiệu đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước đối với giáo dục đại học.
Tăng cường sự phối hợp chủ động, chặt chẽ giữa Ban Giám sát và các ban chuyên trách trong hoạt động giám sát, đảm bảo thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Tiến cho biết, giám sát là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng trường. Tuy nhiên hiện nay, Hội đồng trường vẫn chưa thực hiện hiệu quả chức năng này.
Để công tác giám sát của Hội đồng trường, của các trường đại học ngày càng chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu tự chủ và đổi mới, mỗi đơn vị phải thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá theo hướng dẫn số 5155/BGDĐT-GDĐH ngày 22/9/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục đại học, đó là: “Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học”.
Thầy Tiến kiến nghị, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của Hội đồng trường, trong đó có công tác giám sát.
Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến tổ chức hoạt động của Hội đồng trường. Cùng với đó, xây dựng hệ thống giám sát theo ngành dọc, tạo sự hỗ trợ chuyên môn và pháp lý giữa các cấp từ các bộ ngành đến các cơ sở giáo dục đại học.
Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức tăng cường phối hợp công tác giữa Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, bảo đảm hiệu lực quản lý Nhà nước đối với giáo dục đại học.
Cần có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác giám sát của Hội đồng trường, trong đó cần cụ thể 1 số nội dung như: Làm rõ phạm vi, cách thức hoạt động giám sát của Hội đồng trường sao cho hiệu quả, không chồng chéo, đảm bảo sự phối hợp của các đầu mối trong thanh tra, giám sát như: Kiểm tra nội bộ, Thanh tra giáo dục, Thanh tra nhân dân...
Quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng trường (cả trong và ngoài trường) và của đối tượng chịu sự giám sát trong hoạt động giám sát;
Quy định cụ thể các hình thức giám sát và thể thức ban hành văn bản sau khi giám sát; Các nguyên tắc, quy trình triển khai giám sát theo chuyên đề; Trách nhiệm thực hiện, giải trình kết luận sau giám sát; Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát.
Bên cạnh đó, cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ giám sát cho các thành viên Hội đồng trường, các ban của Hội đồng trường.
Tổ chức học tập trao đổi kinh nghiệm với đơn vị làm tốt công tác giám sát của Hội đồng trường. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực về tự chủ đại học, thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý.
Làm sao để giám sát với cá nhân, phòng ban đảm bảo đúng nguyên tắc?
Trao đổi thảo luận tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) đặt vấn đề về đối tượng giám sát và phạm vi giám sát của Hội đồng trường.
Cụ thể, về nguyên tắc, Hội đồng trường phải giám sát tất cả các hoạt động chính của nhà trường, như vậy sẽ liên quan đến các đơn vị cá nhân, các phòng, các ban, các khoa chuyên môn, nhưng thẩm quyền của Hội đồng trường chỉ dừng lại ở các đối tượng: Hiệu trưởng, Ban giám hiệu, Kế toán trưởng.
Công tác giám sát của Hội đồng trường là vấn đề được các trường đại học quan tâm. |
Vậy khi khảo sát đánh giá công việc của một cá nhân hay một phòng ban thì vai trò giám sát có tác động đến phạm vi giám sát không? Và việc triển khai giám sát như thế nào?
Trước băn khoăn này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, với ba chức danh: hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng thì Hội đồng trường được quyền quyết định về mặt nhân sự.
Nhưng công tác giám sát là phải bao trùm các hoạt động, song Hội đồng trường không giám sát cụ thể cá nhân nào, vì việc này thuộc quản lý hành chính.
Giám sát phải hiểu là bao trùm mọi hoạt động, trong đó có những hoạt động như tổ chức cán bộ, bộ máy nhân sự, khoa học công nghệ,… Với hoạt động giám sát chung, cần có tất cả thông tin về các hoạt động, báo cáo, cơ sở dữ liệu của nhà trường để khai thác là có thể thực hiện giám sát.
Trường hợp cần giám sát từng lĩnh vực thì nên có giám sát chuyên đề theo lĩnh vực hoặc theo từng chuyên đề.
Ví dụ, muốn giám sát công tác tổ chức cán bộ thì phòng tổ chức cán bộ là đầu mối, còn về mặt tuyển dụng , công tác quản lý tổ chức cán bộ,… thì có từ hoạt động của lãnh đạo nhà trường đến phòng tổ chức cán bộ, đến đơn vị, phòng, ban, khoa thực hiện các công việc về tuyển dụng, thi tuyển, xét tuyển, bổ nhiệm,….
Để giám sát hoạt động đó, cần đưa vào trong kế hoạch và phạm vi giám sát chuyên đề. Khi đã đưa vào kế hoạch thuộc phạm vi đó thì trong quy trình, phải yêu cầu đơn vị đầu mối chủ trì là phòng tổ chức cán bộ làm báo cáo giám sát cho Hội đồng trường.
Hội đồng trường nên có một đề cương yêu cầu những vấn đề cần báo cáo cho phòng tổ chức cán bộ.
Khi tiếp nhận báo cáo đó, Hội đồng trường xem xét cùng những thông tin đã nắm bắt được trong quá trình giám sát theo chiều rộng, từ thông báo tuyển dụng, quy trình tuyển dụng, phân công thực hiện các kế hoạch tuyển dụng, … để biết thông tin có đúng hay không, có đảm bảo chất lượng và có đúng mục tiêu, mục đích không?
Khi đã có những đánh giá sơ bộ ban đầu về báo cáo của phòng tổ chức cán bộ, Hội đồng trường sẽ có buổi làm việc để làm rõ những nội dung báo cáo chưa làm rõ, chưa đầy đủ hay thiếu minh chứng. Sau đó có báo cáo giám sát của đoàn giám sát/ban kiểm soát được Hội đồng trường phân công thực hiện giám sát về lĩnh vực đó.
Sau khi dự thảo báo cáo được đưa lại để hoàn thiện thì cần trình báo cáo chính thức, có thể trình ra thường trực Hội đồng trường, hay trình ra Hội đồng trường.
Sau khi Hội đồng trường có trao đổi thống nhất khi đã nghiên cứu ý kiến của người giám sát, ý kiến của đơn vị phản hồi thì Hội đồng trường sẽ thông qua hoặc yêu cầu sửa đổi bổ sung, tiến tới hoàn thành báo cáo chính thức và gửi cho các bên thực hiện.
Khi đã thực hiện, trong những cuộc họp nhất định, Hội đồng trường yêu cầu Hiệu trưởng báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết hay kiến nghị, yêu cầu trong báo cáo giám sát.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định, với cách làm và quy trình thực hiện như vậy là đúng nguyên tắc và không chi phối đến cá nhân hay phòng ban nào theo quản lý hành chính.