Đến nay vẫn còn 4 cơ sở giáo dục đại học công lập chưa thành lập Hội đồng trường

26/08/2023 15:58
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học cũ, triển khai nhiệm vụ của năm học mới khối giáo dục đại học.

Chiều ngày 26/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2023 – 2024 khối giáo dục đại học.

Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị.

Một thí sinh trúng tuyển 2,76 nguyện vọng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong năm 2023, trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, có 660.258 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng, 100% thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến và số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hơn 3,3 triệu nguyện vọng.

Số thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 có giảm, nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 4,56% so với năm 2022.

Có 49,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển trúng tuyển ngay ở nguyện vọng 1, còn số thí sinh trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu tiên là 74,9% số thí sinh đăng ký xét tuyển.

Trung bình một thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng.

Số thí sinh trúng tuyển thẳng theo Quy chế xác nhận nhập học ngay là 30,48%.

Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu (ảnh: V.D)

Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu (ảnh: V.D)

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, trong năm 2023 vẫn có trường đại học có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống.

Nhiều trường xét tuyển sớm nên không dự báo được thí sinh ảo.

Đồng thời, dịp này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai công tác đào tạo như: Một số cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ, nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo; quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có xu hướng giảm; vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành; một số khối ngành vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh; truyền thông tư vấn hướng nghiệp đến thí sinh một số nơi chưa hiệu quả, một số lĩnh vực có nhu cầu nhưng thiếu người học.

4 cơ sở giáo dục đại học công lập chưa thành lập Hội đồng trường

Về vấn đề tự chủ đại học, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy cho hay, hiện vẫn còn 4/174 cơ sở giáo dục đại học công lập chưa lập Hội đồng trường, 2 cơ sở giáo dục đại học tư thục chưa thành lập Hội đồng trường.

Có 23 trường đại học có cơ sở đào tạo đặt ngoài địa phương đặt trụ sở chính chưa thành lập phân hiệu.

Trên 1/3 số trường tự chủ đã tinh giản, sáp nhập các đơn vị trực thuộc. Trong 23 trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP có 12 trường tinh giản bộ máy quản lý, 4 trường không thay đổi số lượng, 7 trường tăng số lượng đơn vị trực thuộc.

Toàn cảnh hội nghị được tổ chức vào chiều ngày 26/8 ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Toàn cảnh hội nghị được tổ chức vào chiều ngày 26/8 ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy, cơ chế tự chủ tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo đẩy mạnh công tác tuyển dụng và nhân sự theo hướng nâng cao chất lượng, tăng số lượng giảng viên, giảm tuyển dụng các vị trí viên chức và người lao động phục vụ, hành chính nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn triển khai thành lập hội đồng trường đã và đang từng bước được hoàn thiện.

Việc triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học công lập đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn năm 2019 – 2030” (gọi tắt là đề án 89) chậm, các trường thực hiện rất ít so với chỉ tiêu được giao (theo đăng ký/cam kết ban đầu), ảnh hưởng đến các năm tiếp theo.

Theo đánh giá chung, ngoài một số ưu điểm, thành công đã đạt được, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục Đại học với một số văn bản luật khác, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các trường đại học trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học, nhưng vẫn phải tuân thủ, thực hiện các Luật khác có liên quan.

Nguồn lực dành cho giáo dục đại học còn rất hạn chế. Tính theo số thực chi thì chưa đạt 0,78% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các trường đại học của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu.

Việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tự chủ đại học còn có hạn chế, có một số vi phạm. Nhận thức và năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý còn hạn chế.

Cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ lãnh đạo một số cơ sở đào tạo chưa được kiện toàn.

Công tác tuyển sinh: Các phương thức xét tuyển vẫn ngày càng phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý.

Việt Dũng