Hiệp hội ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức

27/03/2019 07:03
Đỗ Thơm
(GDVN) - Ngày 26/3, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên.

Buổi lễ là kết quả kết nối Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam với Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức của Viện Nghiên cứu Ứng dụng tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và bà Maria Kaminsky – Chủ tịch Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức ký biên bản ghi nhớ. Ảnh: Vương Anh
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và bà Maria Kaminsky – Chủ tịch Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức ký biên bản ghi nhớ. Ảnh: Vương Anh

Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam hoan nghênh sáng kiến của Viện Nghiên cứu Ứng dụng tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực đã kết nối để hai Hiệp hội có được sự hợp tác cần thiết, kịp thời góp phần giải quyết những vấn đề khá nan giải và phát sinh ngày càng tăng trong xã hội Việt Nam hiện đại. Đó là hội chứng tự kỷ.

Nó đó đòi hỏi phải có nghiên cứu bài bản, dự báo tình hình phát triển, tìm ra các nguyên nhân, giải pháp khắc phục và hạn chế sự phát triển nhanh chóng của căn bệnh này.

Đồng thời nghiên cứu tìm ra các liệu pháp điều trị khoa học phù hợp với điều kiện Việt Nam, đề xuất với Chính phủ và các tổ chức liên quan có chiến lược lâu dài và giải pháp kịp thời.

“Đặc biệt, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam sẽ hợp tác với Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức để phát hiện, đào tạo những học sinh, sinh viên tự kỷ có khả năng đặc biệt, có thiên hướng phát triển tư duy sáng tạo đột biến.

Viện Nghiên cứu Ứng dụng tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực, trực thuộc Hiệp hội, có nhiệm vụ kết nối các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về lĩnh vực nghiên cứu, triển khai các giải pháp trị liệu, đào tạo nhân lực từ các học sinh sinh viên thuộc nhóm hội chứng tự kỷ nói trên”, Chủ tịch Hiệp hội, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân nhấn mạnh.

Chủ tịch Trần Hồng Quân mong rằng, văn bản ký kết hợp tác giữa hai Hiệp hội sẽ nhanh chóng chuyển thành các chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần quan trọng vào giải quyết những vấn đề cấp bách của cuộc sống hiện đại, khi đất nước chúng ta đang phát triển nhanh, mạnh với sự chi phối ngày càng sâu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0).

Chúng ta phải biến trẻ tự kỷ thành nguồn nhân lực có ích cho xã hội.

Ngay sau lễ ký kết, Tọa đàm “Làm thế nào để người mắc chứng tự kỷ có thể hòa nhập với cộng đồng xã hội và tham gia đời sống lao động – Những phương pháp tối ưu và bài học kinh nghiệm từ các chuyên gia Đức” đã diễn ra.

Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia Đức, các chuyên gia Việt Nam, các cơ sở chăm sóc người mắc chứng tự kỷ và đông đảo phụ huynh có con mắc tự kỷ.

Phát biểu tham luận, bà Maria Kaminsky – Chủ tịch Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức nhấn mạnh, người tự kỷ không phải là gánh nặng của xã hội nếu được đào tạo, hướng nghiệp tốt.

Chủ tịch Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức đã chia sẻ những kinh nghiêm quý giá ở lĩnh vực này từ phía Đức.

Thạc sĩ Trần Vi Li – Viện trưởng Viện Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý trị liệu và Phát triển nguồn nhân lực phát biểu tham luận. Ảnh: Đỗ Thơm
Thạc sĩ Trần Vi Li – Viện trưởng Viện Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý trị liệu và Phát triển nguồn nhân lực phát biểu tham luận. Ảnh: Đỗ Thơm

Thạc sĩ Trần Vi Li – Viện trưởng Viện Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý trị liệu và Phát triển nguồn nhân lực (I.N.HRD – trực thuộc Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) khẳng định, tuy Viện mới thành lập được một năm nhưng lượng kiến thức và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này của chúng tôi đã khá phong phú.

Và để sớm đi vào hoạt động hiệu quả, Viện đã kết nối để Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức có cuộc gặp mặt trao đổi và ký kết bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực này.

Thạc sĩ Trần Vi Li đã trình bày tham luận tập trung vào các nhóm vấn đề chính nhằm thúc đẩy các hoạt động giáo dục, đào tạo hướng nghiệp cho người tự kỷ ở Việt Nam.

Trước hết, chúng ta cần có những nghiên cứu cơ bản, tương đối đẩy đủ về lịch sử, thực trạng, nguyên nhân dẫn đến hội chứng tự kỷ ở Việt Nam.

Nghiên cứu và đưa ra các dự báo về tình hình phát triển số lượng, tính chất, đặc thù của trẻ tự kỷ ở Việt Nam, về các hệ lụy cho gia đình và xã hội...

Thứ hai là cần xúc tiến nhanh việc nghiên cứu, xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp, phù hợp với đặc điểm người mắc chứng tự kỷ ở Việt Nam.

Tập hợp các nguồn lực xã hội, huy động các cơ sở giáo dục và đào tạo hiện có, kết nối các cơ sở với nhau để triển khai các chương trình giáo dục đào tạo, hướng nghiệp cho người mắc chứng tự kỷ.

Hiện nay, chúng ta chưa quan tâm nhiều vấn đề này; chưa có nhiều những đơn vị có đủ năng lực để nghiên cứu tiếp cận các chương trình tiên tiến và vận dụng vào Việt Nam.

Màn biểu diễn đi xe đạp thăng bằng biểu diễn xiếc của em Hưng, một học sinh tại Trung tâm Tâm Việt nhận được sự thán phục từ các đại biểu. Ảnh: Đỗ Thơm
Màn biểu diễn đi xe đạp thăng bằng biểu diễn xiếc của em Hưng, một học sinh tại Trung tâm Tâm Việt nhận được sự thán phục từ các đại biểu. Ảnh: Đỗ Thơm

Thứ ba là tham vấn cho các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ người mắc chứng tự kỷ, từ việc giáo dục, hướng nghiệp, đào tạo đến sử dụng nguồn nhân lực đã được đào tạo bởi các cơ sở đào tạo đặc thù dành cho người tự kỷ.

Người mắc chứng tự kỷ nếu được sàng lọc, phân loại để hướng nghiệp thì cũng sẽ là một nguồn lực có ích cho xã hội.

Sử dụng lao động là người mắc chứng tự kỷ đã được giáo dục đào tạo không những mang lại kết quả lao động có ích mà quan trọng hơn là sẽ giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thứ tư là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu giáo dục và hướng nghiệp cho người mắc chứng tự kỷ. Sớm tiếp cận và tiếp thu các thành quả khoa hoạc, các sản phẩm công nghệ mới, các chính sách thỏa đáng của các nước tiên tiếng như Cộng hòa Liên bang Đức.

Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Đỗ Thơm
Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Đỗ Thơm

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực nhấn mạnh, Viện sẽ tham vấn cho Hiệp hội để thiết lập các chương trình hoạt động nhằm kết nối các hội viên của Hiệp hội tham gia những phần việc nằm trong chuỗi hoạt động nghiên cứu - ứng dụng – triển khai các sản phẩm khoa học và công nghệ giáo dục, đào tạo và hướng nghiệp cho người mắc chứng tự kỷ.

Nội dung hợp tác giữa hai bên

1/ Trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên, các bên phối hợp nghiên cứu và hỗ trợ người mắc chứng tự kỷ.

2/ Tổ chức thực hiện các nghiên cứu, các hoạt động liên quan đến vấn đề cách thức chẩn đoán và trị liệu đối với những người mắc chứng tự kỷ:

- Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học về các chủ đề liên quan đến người mắc chứng tự kỷ.

- Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực tổ chức ứng dụng các chương trình chẩn đoán, trị liệu và hỗ trợ kỹ năng cho người mắc chứng tự kỷ của Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức tại một số trung tâm nuôi dưỡng người mắc chứng tự kỷ tại Việt Nam.

3/ Tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ cho đội ngũ giảng viên hướng dẫn kỹ năng nghề cho người mắc chứng tự kỷ:

- Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức đào tạo và chuyển giao chương trình giảng dạy kỹ năng nghề cho người mắc chứng tự kỷ (chứng chỉ đào tạo do Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức cấp).

- Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức đào tạo và chuyển giao chương trình đào tạo giảng viên giảng dạy cho phụ huynh và người chăm sóc người mắc chứng bệnh tự kỷ (chứng chỉ đào tạo do Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức cấp).

- Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức hỗ trợ kết nối với các trung tâm đào tạo nghề cho người mắc chứng tự kỷ tại Đức để phía Việt Nam học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

- Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tâm lý trị liệu và phát triển nguồn nhân lực tổ chức đào tạo giảng viên theo chương trình theo chương trình của Hiệp hội tự kỷ Liên bang Đức.

- Xây dựng, xuất bản giáo trình đào tạo giảng viên giảng dạy kỹ năng hội nhập xã hội cho người mắc chứng tự kỷ.

4/ Tổ chức hướng dẫn cách thức giúp người tự kỷ hòa nhập cộng đồng, gia đình:

- Nghiên cứu chế độ chính sách liên quan đến người mắc chứng tự kỷ. Trước hết là các chế độ chính sách giúp người mắc chứng tự kỷ có đủ kỹ năng hội nhập xã hội, tự quyết định cuộc sống.

- Hai bên xây dựng chương trình hỗ trợ hội nhập xã hội cho người tự kỷ ứng dụng tại Việt Nam, bài học kinh nghiệm từ phía Đức.

Đỗ Thơm