Thực trạng hiện nay cả nước thiếu nhiều giáo viên, nhiều giáo viên nghỉ việc, bỏ việc trong đó có cả một số cán bộ quản lý do chế độ chưa tương xứng, làm việc vất vả.
Một trong những vấn đề các cán bộ quản lý trường học đặc biệt quan tâm chính là việc hiện nay mặc định hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là viên chức quản lý, làm việc 8 giờ mỗi ngày (40 giờ mỗi tuần) và phải làm việc dịp hè, không được nghỉ hè.
Vậy pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này như thế nào? Trong bài viết hôm nay xin được làm rõ vấn đề trên.
Ảnh minh họa - Thuvienphapluat.vn |
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vẫn được nghỉ hè giống như giáo viên?
Theo quy định tại điều 2 Văn bản hợp nhất Luật Viên chức 2019, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP có nêu rõ khái niệm viên chức quản lý như sau:
Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.
Qua đó, có thể thấy từ 1/7/2020, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi, bổ sung 2019 đã có hiệu lực và Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của các trường công lập không còn là công chức mà được coi là viên chức quản lý.
Theo các văn bản pháp luật hiện hành, viên chức hiện nay (kể cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đều xếp ngạch viên chức theo hạng I, II, III ở bậc mầm non, phổ thông.
Về nhiệm vụ theo Luật Viên chức, Luật Giáo dục 2019, Điều lệ trường học đều có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của viên chức và của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhưng người viết không tìm được bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào về việc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải làm việc giờ hành chính và hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không được nghỉ hè, vì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là viên chức quản lý nhưng vẫn xếp ngạch giáo viên có mã số V.07….
Về quyền của viên chức được quy định tại Điều 13 Luật Viên chức quy định quyền của viên chức về nghỉ ngơi:
“1. Được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Do yêu cầu công việc, viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ…”
Căn cứ điểm a Khoản 3 Điều 5 Văn bản hợp nhất 03/2017/VBHN-BGDĐT quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên phổ thông như sau:
“Điều 5. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm
…3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)…”
Như vậy, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông sẽ được nghỉ hè trong vòng 2 tháng.
Đối với giáo viên mầm non, căn cứ điểm a Khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT:
“Điều 3. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên
…2. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non gồm: nghỉ hè và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
a) Thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có);…”
Như vậy, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non sẽ được nghỉ hè trong vòng 8 tuần.
Như vậy, quy định hiện hành hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông vẫn được nghỉ hè 08 tuần hoặc 2 tháng.
Do quy định hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vẫn xếp ở ngạch viên chức, vẫn được nghỉ hè nên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ không được nghỉ phép như người lao động khác theo Luật Lao động 2019.
Thực tế, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có được nghỉ hè?
Như đã trình bày ở trên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hiện nay chưa có bất kỳ quy định nào không được nghỉ hè 08 tuần (giáo viên mầm non) hoặc 2 tháng (giáo viên phổ thông).
Tuy nhiên, thực tế công việc không phải như vậy, gần như trong khoảng thời gian hè, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dù không thực hiện nhiệm vụ xuyên hè nhưng vẫn đến cơ quan làm việc 1,2 ngày mỗi tuần hoặc có thể nhiều hơn.
Nếu giáo viên được nghỉ hè, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không được nghỉ hè là có phần bất công so với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Thực hiện chương trình mới, công việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng càng vất vả hơn nhiều, chế độ đãi ngộ (phụ cấp chức vụ) còn thấp, chưa tương xứng với tính chất và mức độ phức tạp của công việc.
Nếu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã vất vả suốt thời gian làm việc từ tháng 8 đến cuối tháng 5, lại không được nghỉ hè, nghỉ phép là quá thiệt thòi cho họ.
Người viết cho rằng đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc quy hoạch, bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông gặp không ít khó khăn, một số vị hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sau khi bổ nhiệm không chịu nổi áp lực công việc đã xin thôi việc, từ chức thời gian qua.
Tuy nhiên, thực tế công việc, thời gian hè vẫn cần công việc cần giải quyết nên không thể không có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng giải quyết công việc thường nhật, công việc đột xuất.
Người viết cho rằng, để không trái quy định thì trong thời gian nghỉ 02 tháng hè của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (tháng 6, 7) nếu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng làm việc thì sẽ được trả lương làm thêm giờ theo Luật Lao động hoặc theo thỏa thuận và được quy định trong quy chế chi tiêu của cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, nếu để mỗi cơ quan đơn vị tự xây dựng sẽ xảy ra một số tình trạng không đồng đều, chi trả khác nhau, nên người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có những hướng dẫn thống nhất về thời gian làm việc dịp hè của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để thống nhất và đảm bảo quyền lợi của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Nó cũng là một trong những giải pháp để giữ chân hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng như khuyến khích các giáo viên giỏi đồng ý quy hoạch và bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để có được lực lượng cán bộ quản lý giỏi, năng lực.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.