Hiệu trưởng, tổ trưởng không dạy đủ số tiết/tuần sẽ không có phụ cấp ưu đãi?

10/03/2023 06:39
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định mới được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Giáo viên đang giảng dạy tại các đơn vị sự nghiệp công lập từ bậc phổ thông từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông trong cả nước giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 và chương trình 2018 đang có nhiều thắc mắc về việc thực hiện định mức tiết dạy hiện nay là theo tuần hay cả năm học.

Ảnh minh họa - thuvienphapluat.vn

Ảnh minh họa - thuvienphapluat.vn

Trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành, xin được cung cấp cho bạn đọc về những thông tin trên.

Quy định về định mức tiết dạy hiện nay của giáo viên phổ thông

Theo Văn bản hợp nhất số: 03/VBHN-BGDĐT năm 2017 quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông trong đó quy định chế độ làm việc của giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông [1] như sau:

Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học cụ thể như sau:

Định mức của giáo viên tiểu học: 23 tiết/tuần;

Giáo viên trường dân tộc bán trú; trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật: 21 tiết/tuần.

Giáo viên kiêm nhiệm tổng phụ trách đội: Trường hạng I: 2 tiết/tuần, trường hạng II: 1/3 định mức tiết dạy của giáo viên không kiêm nhiệm, trường hạng III: 1/2 định mức tiết dạy khi không kiêm nhiệm.

Hiệu trưởng: Định mức tiết dạy/năm = 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Phó hiệu trưởng: Định mức tiết dạy/năm = 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Về định mức tiết dạy giáo viên trung học cơ sở như sau:

Định mức của giáo viên trung học cơ sở: 19 tiết/tuần;

Giáo viên trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật: 17 tiết/tuần;

Giáo viên kiêm nhiệm tổng phụ trách đội: trường hạng I: 2 tiết/tuần; trường hạng II: 1/3 định mức tiết dạy khi không kiêm nhiệm; trường hạng III: 1/2 định mức tiết dạy khi không kiêm nhiệm.

Đối với Hiệu trưởng: Định mức tiết dạy/năm = 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Phó hiệu trưởng: Định mức tiết dạy/năm = 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Đối với định mức tiết dạy giáo viên trung học phổ thông như sau:

Định mức của giáo viên Trung học phổ thông: 17 tiết/tuần.

Với trường dân tộc nội trú: 15 tiết/tuần.

Đối với Hiệu trưởng: Định mức tiết dạy/năm = 2 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Phó hiệu trưởng: Định mức tiết dạy/năm = 4 tiết/tuần x số tuần dành cho giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

Chương trình mới, có giáo viên dạy đến 30 tiết/tuần hoặc chỉ dạy 10 tiết/tuần có đúng?

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng “mở”, giao cho các trường xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp tình hình thực tiễn.

Thực tế, tại một số trường học ở các bộ môn mới bậc trung học cơ sở như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý có giáo viên tuần giảng dạy 30 tiết, có tuần thực hiện chỉ 10 tiết,…Liệu phân công như vậy có phù hợp quy định của pháp luật hiện hành?

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng mở được thể hiện trước hết ở việc bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc; đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục, điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần đảm bảo kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

Ông Thuyết cũng cho biết “Chương trình mới giáo viên cũng được chủ động phân bổ thời lượng dạy học; chủ động áp dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học (trong/ngoài lớp; trong/ngoài nhà trường; làm việc chung/làm việc nhóm, làm việc độc lập).” [2]

Như vậy, theo ông Thuyết, định hướng chương trình mới giao toàn quyền chủ động xây dựng kế hoạch cho nhà trường, giáo viên.

Các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng không quy định số tiết thực dạy/tuần mà chỉ quy định số tiết dạy/năm học.

Có nghĩa Hiệu trưởng, giáo viên chỉ cần đảm bảo số tiết/năm học theo khung thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Ví dụ, một giáo viên trung học cơ sở theo quy định định mức giảng dạy là 19 tiết/tuần, cả năm 35 tuần là 665 tiết. Giáo viên này có thể dạy tuần 38 tiết, cũng có tuần nghỉ không dạy, miễn đảm bảo 665 tiết/năm?

Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, chỉ cần thực hiện đảm bảo 70 tiết/năm, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần và 140 tiết/năm học, không cần dạy theo tuần?

Hiệu trưởng, tổ trưởng dễ bị thu hồi phụ cấp chức vụ nếu dạy thiếu tiết định mức/tuần?

Định hướng “mở” trong việc xây dựng kế hoạch dạy học chương trình mới, nhà trường, giáo viên chủ động bố trí, sắp xếp giảng dạy phù hợp là định hướng đúng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, hiện nay chưa có bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nào cho phép giáo viên dạy thiếu định mức tiết dạy/tuần.

Hiện nay cũng chưa có văn bản nào bổ sung, thay thế quy định thời gian làm việc của giáo viên theo Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2017.

Tức là, giáo viên vẫn phải dạy theo định mức tiết dạy/tuần khi chưa có văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2017.

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục,…nếu thiếu tiết định mức/tuần dễ bị kỷ luật và thu hồi phụ cấp đã hưởng.

Ví dụ hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, 70 tiết/năm học, nhưng nếu hiệu trưởng không dạy suốt thời gian dài mà chỉ giảng dạy các tiết dạy, hoạt động giáo dục vào những thời điểm ngắn, đảm bảo 70 tiết thì chưa đúng, có thể bị thu hồi phụ cấp ưu đãi, dễ bị kỷ luật vì các lý do sau:

Theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 244/2005/QĐ-TTG Về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và hướng dẫn tại Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC [3], chế độ phụ cấp ưu đãi được áp dụng với những đối tượng sau:

Nhà giáo thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị – xã hội được nhà nước cấp kinh phí hoạt động;

Nhà giáo thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm;

Đối tượng là những cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định.

Như vậy, cán bộ quản lý trường học gồm Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn (được hưởng phụ cấp chức vụ được gọi là viên chức quản lý), nếu không đảm bảo đủ số tiết dạy hàng tuần theo Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT sẽ không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chỉ có việc tăng giờ mới tính theo định mức năm học

Hiện nay, giáo viên thực hiện các công việc theo phân công của lãnh đạo trường và cấp trên nếu vượt giờ định mức theo quy định thì được hưởng chế độ tăng giờ, tăng buổi theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Việc tính tăng giờ theo nguyên tắc nếu giáo viên thực hiện vượt định mức giờ dạy/năm thì được tính tiền tăng giờ cho số giờ (số tiết) vượt định mức đó.

Ví dụ giáo viên trung học cơ sở định mức giờ dạy năm là 665 tiết, nếu thực dạy cả năm là 800 tiết thì sẽ được tính tăng giờ là 135 tiết.

Theo đó, định mức giờ dạy trong năm học theo khung thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hàng năm.

Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 3 có quy định chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.

Tại khoản 1 Điều 4 hướng dẫn Công thức tính tiền lương dạy thêm giờ:

Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy thêm;

Tiền lương 01 giờ dạy thêm = Tiền lương 01 giờ dạy x 150%;

Tiền lương 01 giờ dạy: đối với giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và giáo viên, giảng viên cơ sở dạy nghề được tính theo công thức: Tiền lương 1 giờ dạy = [(Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học): (Định mức giờ dạy/năm)] x [Số tuần dành cho giảng dạy (dạy trẻ)/52 tuần].

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện định mức tiết dạy theo định hướng “mở” của chương trình mới tức giáo viên, hiệu trưởng,…có thể linh hoạt thời điểm giảng dạy miễn đảm bảo định mức thời gian làm việc trong 1 năm học, nếu không hướng dẫn kịp thời, nhiều cán bộ quản lý có thể bị thu hồi phụ cấp ưu đãi, có thể bị kỷ luật,…

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Van-ban-hop-nhat-03-VBHN-BGDDT-2017-che-do-lam-viec-doi-voi-giao-vien-pho-thong-355032.aspx

[2] https://dangcongsan.vn/doi-moi-can-ban-va-toan-dien-giao-duc-dao-tao/xay-dung-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-theo-huong-mo-484190.html

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-lien-tich-01-2006-TTLT-BGD-DT-BNV-BTC-phu-cap-uu-dai-nha-giao-dang-giang-day-trong-co-so-giao-duc-cong-lap-huong-dan-QD-244-2005-QD-TTg-8867.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam