Điều này, không chỉ gây quá tải trong việc học đối với học sinh mà còn làm oằn lưng nhiều phụ huynh nghèo, phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa thu phí trong nhà trường có gì khác dạy thêm?
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế học 2 buổi/ngày. Tổng số tiết học một tuần được quy định: bố trí không quá 7 tiết học/ ngày; 31 tiết học/ tuần đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 3; 32 tiết học/ tuần đối với lớp 4, lớp 5, số buổi học tối thiểu là 9 buổi/tuần.
Buổi sáng, học sinh học 4 tiết và kết thúc giờ học vào khoảng 10 giờ 30 phút (vào học lúc 7 giờ 20 phút). Chiều, kết thúc buổi học vào khoảng 4 giờ 20 phút.
Thời khóa biểu của một lớp tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phụ huynh cung cấp |
Có thể thấy, thời gian và số lượng tiết học trong một ngày mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đối với bậc tiểu học như thế là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi.
Tuy nhiên, với thời khóa biểu của nhiều trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua được báo chí phản ánh thì đang có nhiều vấn đề cần phải làm rõ.
Có trường, mỗi tuần học sinh phải tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trong nhà trường từ 4 đến 5 tiết/tuần (học thêm Anh văn, Tin học, Kĩ năng sống) với mức học phí không hề nhẹ, dao động từ 800 ngàn đồng đến 1.500.000đồng/học sinh/tháng.
Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa và thu phí đặt ra nhiều dấu hỏi
Thứ nhất, với việc xen các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa vào thời khóa biểu của trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã tăng thêm mỗi tuần từ 4 đến 5 tiết học cho học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 5.
Dẫn đến, có những hôm, buổi sáng học sinh tiểu học phải tan trường lúc 11 giờ 10 phút.
Những đứa trẻ vừa qua bậc mầm non chủ yếu ăn, ngủ và vui chơi mà nay phải ngồi học miệt mài từ sáng đến trưa và đầu giờ chiều phải ngồi vào học tiếp cho tới tận chiều muộn.
Thứ hai, Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định mỗi ngày học sinh tiểu học, học 7 tiết, do chèn các hoạt động giáo dục liên kết với các công ty bên ngoài nên làm số tiết học, dẫn đến có ngày các em phải học đến 8 tiết.
Bên cạnh đó, Chương trình mới thiết kế học 2 buổi/ngày để giúp học sinh có điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn.
Thế nhưng, như thông tin phụ huynh, học sinh sinh chia sẻ, các em đã không được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn như mục tiêu đề ra, mà các em phải học tăng cường thêm nhiều tiết tiếng Anh, Tin học.
Tìm hiểu thông qua một số phụ huynh hiện có con đang học ở một số trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh thì việc tổ chức dạy và học của các hoạt động giáo dục nêu trên đặt ra nhiều vấn đề cần làm rõ. Học sinh vẫn ngồi học theo lớp, chủ yếu vẫn là học trong phòng như những tiết học chính khóa.
Chị Lan Phương có con học lớp 4 một trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Mỗi tuần con có 6 tiết tiếng Anh. Tôi thấy, kiến thức tiếng Anh thì chồng chéo nhau.
Nào là, tiếng Anh theo Chương trình 2018, tiếng Anh học với người nước ngoài, tiếng Anh theo một giáo trình riêng để thi chứng chỉ…Rồi giáo dục Stem chẳng khác gì môn học kỹ thuật mình học ngày trước.
Môn Tin học cũng thế. Học Tin học của chương trình mới lại buộc học thêm Tin học IC3. Vậy chương trình tin học của Bộ không đáp ứng được yêu cầu kiến thức hay thế nào? Sao khi xây dựng chương trình không gộp 2 hình thức Tin học này lại với nhau?”.
Là một người làm trong lĩnh vực giáo dục, chị Hoàng Anh đang có con theo học lớp 3 tại một trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thấy con học quá nhiều môn trong ngày (có ngày học 8 môn) nên tôi vô cùng xót.
Tôi đã có ý kiến với giáo viên chủ nhiệm và được cô giáo trả lời thầy cô chỉ thực hiện theo thời khóa biểu của nhà trường.
Các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có thu phí đang được nhiều trường triển khai, tôi thấy chả khác gì dạy thêm. Các hoạt động này được Hội đồng nhân dân Thành phố quy định mức phí nên các trường đều triển khai. Đáng nói, các trường không chỉ triển khai một hoạt động mà đến 3-4 hoạt động có thu phí như Tiếng Anh bản ngữ; Tin học IC3; Kỹ năng sống, STEM... Trong khi hiện tại, tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày chúng ta cấm dạy thêm. Điều này khiến bản thân tôi là phụ huynh, là một người làm giáo dục rất băn khoăn”.
Các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có thu phí được tổ chức theo lớp học chính khóa dựa trên sự tự nguyện của phụ huynh. Điều này lại tiếp tục đặt câu hỏi về việc "tự nguyện", tự nguyện thế nào mà nhiều ý kiến phụ huynh bức xúc, và tổ chức theo lớp chính khóa?
Hiện nay, các trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có thu tiền (đơn cử như tiếng Anh tăng cường, Kỹ năng sống...) dựa vào Nghị quyết 04 của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Thành phố năm 2023-2024.
Theo phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 04, danh mục các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa có thể kể đến như Tiền tổ chức dạy tăng cường môn Ngoại ngữ; Tiền tổ chức dạy Tin học có 2 loại (trong đó có: Tiền tổ chức dạy các lớp tin học tự chọn; Tiền tổ chức dạy tăng cường môn Tin học; Tiền tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa có đến 7 loại (trong đó có: Tiền tổ chức dạy các lớp năng khiếu, thể dục tự chọn, câu lạc bộ; Tiền tổ chức dạy Kỹ năng sống; Tiền tổ chức Giáo dục Stem; Tiền tổ chức Học bơi; Tiền tổ chức học ngoại ngữ với người nước ngoài; Tiền tổ chức học ngoại ngữ sử dụng phần mềm bổ trợ; Tiền tổ chức Chương trình học ngoại ngữ thông qua môn Toán và Khoa học).
Tài liệu tham khảo:
[1] https://truyenhinhthanhhoa.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-se-duoc-giam-tai-the-nao-1808172852.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.