Hoạt động trải nghiệm, phương tiện "dạy người" trong chương trình mới

11/07/2021 07:04
Hồng Nhung
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không ít giáo viên hiện nay đều cho rằng Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là 1 môn học, vì có sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo và giáo án.

Trong chương trình lớp 6 năm học 2021 – 2022, có các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Ngoài các bộ môn học trên, chương trình lớp 6 năm học 2021 – 2022 bắt đầu có thêm Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Thời lượng thực hiện Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp được cơ cấu 105 tiết/35 tuần, tức là 3 tiết/tuần.

Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp có phải là một môn học?

Thực tế, không ít giáo viên hiện nay đều cho rằng Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là 1 môn học, vì có sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo và đi dạy cũng phải có giáo án.

Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp trong chương trình 2018 là tên gọi khác của Hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoặc hoạt động ngoài giờ chính khóa, đang sử dụng trong chương trình 2000.

Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp có phải là một môn học? (Ảnh minh họa: Chantroisangtao.vn)

Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp có phải là một môn học? (Ảnh minh họa: Chantroisangtao.vn)

Cần phải khẳng định, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là Hoạt động giáo dục, chứ không phải là 1 môn học, dù có đủ sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo và đi dạy giáo viên cũng phải có… giáo án.

Chương trình giáo dục của bất kỳ quốc gia nào cũng bao gồm: Nội dung dạy học (thường được gọi là các môn học); nội dung giáo dục (các hoạt động giáo dục).

Các môn học dạy cho học sinh những lĩnh vực có tính khoa học, chủ yếu nhằm phát triển năng lực trí tuệ cho học sinh (dạy chữ).

Hoạt động giáo dục, là các hoạt động nhằm phát triển những phẩm chất, nhân cách, kỹ năng sống giúp con người có thể thích nghi, thích ứng với xã hội, làm chủ bản thân, sống tích cực... cuộc sống của mỗi cá nhân có ý nghĩa với xã hội, có ích với cộng đồng.

Hay nói cách khác, các hoạt động giáo dục dạy người.

Hoạt động ngoài giờ lên lớp tại các cơ sở đang được thực hiện như thế nào?

Giáo dục chúng ta hiện nay đang coi trọng dạy chữ hơn dạy người, với cơ cấu thời lượng dành cho Hoạt động ngoài giờ lên lớp ở một số trường trung học cơ sở chỉ 0.5 tiết/tuần.

Giáo viên dạy Hoạt động ngoài giờ lên lớp thường phân cho giáo viên còn thiếu tiết, hay giáo viên chủ nhiệm.

Bên cạnh đó, Hoạt động ngoài giờ lên lớp không hề được đưa vào nội dung kiểm tra, đánh giá của Thông tư Số 58/2011/tt-bgdđt hay Thông tư Số 26/2020/tt-bgdđt, chính vì thế Hoạt động ngoài giờ lên lớp nhận được sự thờ ơ của cả giáo viên và học sinh.

Không xác định rõ vai trò, vị trí, không có kiểm tra đánh giá, nên Hoạt động ngoài giờ lên lớp ở các cơ sở giáo dục không được xác định trúng và đúng; chỉ làm cho có, chỉ mang tính đối phó.

Giáo viên tốt nghiệp ngành sư phạm nào dạy Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp?

Giáo viên đạt chuẩn là đủ điều kiện dạy Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, vì trong chương trình đào tạo Sư phạm đã đào tạo sinh viên thực hiện hai chức năng của nhà giáo, đó là dạy học và giáo dục.

Tuy nhiên, tùy theo năng khiếu của mỗi người giáo viên, có thể chức năng này nổi trội hơn chức năng kia; vì thế vai trò của lãnh đạo khi phân công chuyên môn rất quan trọng, nhìn ra năng lực, phân công phù hợp là thể hiện cái tài, cái tâm của người quản lý.

Thường những giáo viên dạy tốt Hoạt động ngoài giờ lên lớp (Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp) là người ưa hoạt động tập thể, vì tập thể, nên không khó để nhận ra.

Chính vì thế, quản lý các cơ sở giáo dục phân công đúng năng lực nổi trội của giáo viên dạy các hoạt động giáo dục nói riêng và phân công công tác nói chung, là thành công đầu tiên của công tác lãnh đạo.

Không coi trọng hoạt động giáo dục hậu họa khôn lường

Không ít giáo viên cho rằng, nghề giáo hiện nay là… nghề nguy hiểm, giáo viên đang đối diện với mối nguy hiểm hàng ngày từ xã hội, từ… học trò, từ đồng nghiệp, từ sơ sẩy trong hoạt động chuyên môn của chính mình.

“Ở một số trường THPT, thậm chí THCS, không hiếm cảnh “cặp đôi” học sinh thoải mái bày tỏ tình cảm giữa nơi đông người, cá biệt có cặp đưa nhau vào nhà nghỉ khi vẫn khoác đồng phục học sinh. Trong khi những mối tình học trò thường mong manh, dễ thay đổi thì một số bạn trẻ lại coi đó là thú vui, chiến tích.

Hậu quả nhãn tiền của lối sống phóng túng này là học tập sa sút, mang thai ngoài ý muốn, bị bạn bè xa lánh... Đấy là chưa kể các hậu quả tiêu cực từ quan hệ thiếu lành mạnh còn đẩy tới việc chửi bới, thóa mạ, thách đố nhau ở ngoài đời, trên mạng xã hội, thậm chí thuê côn đồ hành hung, trả thù, đâm chém. Không ít tình yêu học trò đã kết thúc bằng hận thù, thậm chí có nữ sinh bị lợi dụng, đã hoang mang, tuyệt vọng phải tìm đến cái chết...”.[1]

Việc học sinh đánh nhau, đánh hội đồng, quay clip phát tán trên mạng,… nhà trường mới biết đó là một thực tế. Nếu bạn gõ vào google cụm từ “clip học sinh đánh nhau” có ngay 2.070.000 kết quả trong vòng 0.54 giây, đủ thấy “chiến tích” kinh sợ này.

Nếu trước kia trong văn hóa Việt Nam, thần tượng là những người đã anh dũng hy sinh cuộc đời của mình cho độc lập dân tộc, họ là những anh hùng dân tộc, anh hùng trong lao động sản xuất, trong chiến đấu hoặc là các danh nhân văn hóa… thì bây giờ nhiều người trẻ lại quay sang tôn sùng những con người vi phạm luật pháp, những người đã gây nên những cơn bão trên mạng xã hội, làm cho giới trẻ mất phương hướng trong quan điểm, làm thay đổi cả lối sống nhận thức của người Việt [2].

Nguyên nhân sa sút đạo đức xã hội có nhiều, trong đó có một nguyên nhân theo người viết là các nhà trường chưa thực hiện tốt các Hoạt động giáo dục.

Làm sao để người dạy và người học coi trọng Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp?

Chương trình 2018 đã đánh giá đúng vai trò của Hoạt động giáo dục, thời lượng thực hiện đã tăng 6 lần so với chương trình cũ. Vấn đề còn lại, người dạy sẽ thực hiện thế nào để người học cảm thụ được, bồi dưỡng được văn hóa, kĩ năng sống cho mình.

Chúng ta không thể hô khẩu hiệu để người dạy và người học coi trọng Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Để người dạy coi trọng, tự hào khi được phân công dạy Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, hơn ai hết, lãnh đạo nhà trường phải làm gương trước, tổ chức tuyên truyền, làm công tác tư tưởng, đảm bảo giáo viên được phân công nhiệm vụ phải thấy được dạy người là mục tiêu trước tiên của giáo dục.

Giáo viên được phân công dạy Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp phải tổ chức được các hoạt động thu hút học sinh, tạo hứng thú, giáo dục học sinh qua các hoạt động của mình tổ chức.

Ngành giáo dục cần có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy Hoạt động giáo dục, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, có như thế mới tạo được “máy cái” tốt, cơ hội sẽ có “máy con” tốt hơn.

“Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thanh niên về hành vi sai lệch của thanh thiếu niên cho thấy, hành vi sai lệch của thanh niên vẫn còn biểu hiện trên nhiều khía cạnh cả trong tư tưởng, trong môi trường học tập, công việc, trong tham gia hoạt động văn hoá và cả việc vi phạm pháp luật… Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do chế tài của chúng ta thực hiện chưa nghiêm”. [3]

Chế tài trong nhà trường chính là kiểm tra, đánh giá. Các cơ quan chức năng cần có phương án kiểm tra, đánh giá với Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp phù hợp; không thể bỏ trống khâu kiểm tra, đánh giá Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp trong nhà trường như hiện nay.

Có như thế, các cơ sở giáo dục mới coi trọng các hoạt động giáo dục, vừa dạy chữ, vừa dạy người, giáo dục mới đạt được mục đích dạy học sinh thành người có văn hóa và có kĩ năng sống.

Chỉ có kiến thức mà không có kĩ năng sống thì không thể hội nhập cùng thế giới; hội nhập mà không có văn hóa thì sẽ bị “hòa tan”, chưa bao giờ các Hoạt động giáo dục quan trọng như hiện nay, khi chúng ta muốn học sinh vươn mình ra biển lớn.

Muốn có các thế hệ người Việt có văn hóa, có kĩ năng, Hoạt động giáo dục phải được coi trọng, đánh giá đúng, thực hiện tốt trong chương trình mới.

Tài liệu tham khảo:

Thông tư 58/2011/tt-bgdđt, Thông tư 26/2020/tt-bgdđt.

[1]https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/tinh-trang-xuong-cap-trong-loi-song-cua-mot-bo-phan-gioi-tre-339471

[2]https://laodong.vn/xa-hoi/lech-lac-than-tuong-o-mot-bo-phan-gioi-tre-766376.ldo

[3]http://tuyengiao.vn/khoa-giao/giao-duc/ngan-chan-lech-chuan-dao-duc-cua-gioi-tre-124826

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hồng Nhung