LTS: Từ ngày 1/4 tới, học trò, sĩ tử cả nước sẽ bắt đầu đăng ký tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Năm nào cũng thế, dù bây giờ đi học đại học rất dễ dàng, nhưng chuyện đăng ký ngành học không phải chuyện đơn giản.
Đã có hàng ngàn câu chuyện buồn vì học xong chẳng có việc làm. Tất cả, bắt đầu ngay từ khâu chọn ngành mà học.
Trong quá khứ, từng có rất nhiều ngành nghề nóng, thu hút và dễ tìm việc làm, nhưng nay mọi thứ đã khác. Những ngành ấy, nếu các em cứ lao theo học, nguy cơ thất nghiệp sẽ hiện ra ngay từ ngày bước chân vào trường.
Học để có việc, hay học để...thất nghiệp?
Bắt đầu từ hôm nay, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mở chuyên đề về vấn đề này. Ở đây, sẽ là các bài viết của chuyên gia giáo dục, chỉ ra cho các em thấy mình nên đăng ký ngành học nào? Hoặc, có nên tham gia đi học Đại học không?
Nếu đã chọn đại học, thì chọn ngành gì, thi thế nào cho đỗ?
Mở đầu loạt bài này là cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam với TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội.
PV: Lâu nay chúng ta đưa ra nhiều lí do dẫn đến người học tốt nghiệp bị thất nghiệp nhiều, những nguyên đã được chỉ ra. Còn cá nhân ông nghĩ sao?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Lâu nay chúng ta vẫn xem thường tư tưởng lập nghiệp của các bạn trẻ, tư tưởng này không phải chỉ tới đại học mới làm, mà phải làm từ phổ thông. Trước đây chúng ta lo hướng nghiệp chưa đủ, cái chính là hướng nghiệp có kết quả khi con người có tư tưởng khởi nghiệp.
Việc chuẩn bị này có hai giai đoạn, giai đoạn ở phổ thông phải gieo được Nhân (để thôi thúc học sinh, có ý thức đi tìm kiếm bản thân năng lực của mình, tìm kiếm những cơ hội ngoài xã hội để kết nối được năng lực, ước mơ của mình với nhu cầu của xã hội), phải ra được những sản phẩm cụ thể, không thể nói tào lao được.
Tôi có người bạn học phổ thông cùng rất giỏi, tôi cũng đã mời về trường làm hiệu phó, nhưng hiện giờ lại nghỉ hưu sớm, không làm việc gì. Đó là một con người biết rất nhiều, rất giỏi nhưng không biết vận dụng.
TS. Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh của Xuân Trung |
Giai đoạn sau phổ thông có thể các em đi học nghề, học cao đẳng, đại học, nhưng các em phải biết, phải có chí thực hiện những ước mơ, những hoài bão đó. Tỷ phú Bill Gates sẵn sàng bỏ đại học,mặc dù đại học đó là danh tiếng, vì ông có khát khao khác để thực hiện hoài bão của mình, mục tiêu của ông là không bằng cấp.
Với điều kiện này, với những gì đang diễn ra của xã hội, ông có dự báo xu hướng ngành nghề nào sẽ ít thất nghiệp hoặc có tỷ lệ thất nghiệp cao khi học xong?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Theo tôi, không thể dự đoán được. Vì đất nước phát triển vẫn còn manh mún, vẫn lệ thuộc vào nhóm lợi ích. Cái thiếu hiện nay là chúng ta thiếu một người vạch dành mạch, rõ ràng từng bước của giáo dục, phải có người thực hiện lộ trình đó.
Hàn Quốc phát triển họ quyết định phải có những tập đoàn lớn, còn ta tập đoàn chủ yếu vì cá nhân. Singapore cũng nêu rõ rằng: Học sinh học xong ra phải cống hiến cho đất nước. Hay như Israel chủ trương cả dân tộc đều khởi nghiệp, đó là điều mà họ đã làm thay đổi tất cả mọi thứ tốt lên.
GS.Nguyễn Minh Thuyết: Cảnh báo thừa cử nhân từ năm 2004, nhưng không ai nghe(GDVN) - GS.Nguyễn Minh Thuyết đã từng cảnh báo tình trạng thừa cử nhân đại học tại nghị trường Quốc hội từ năm 2004, nhưng chẳng mấy người chú ý. |
Chúng ta phải quay lại học các nước Singapore và Israel như vậy, người Việt Nam thông minh hơn họ, nhưng chúng ta chưa có người đứng ra tập hợp. Chúng ta hiện chỉ thông minh vặt, chỉ kiếm chác, và như thế là làm nản lòng người cống hiến.
Như ông vừa nói thì ngoài sự cống hiến ra, chúng ta nhất quyết cần một môi trường để cho người trẻ cống hiến?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Đổi mới giáo dục hiện nay đang đi theo quỹ đạo đó, có những giờ học trải nghiệm sáng tạo. Tức là không còn học những giờ lý thuyết chung chung mà phải gắn với thực tiễn thành một nhu cầu của người học.
Thưa ông, thực tế nhiều sinh viên hiện nay khi chọn ngành nghề theo năng lực, theo sở thích và cho rằng đó là điều phù hợp với mình. Nhưng khi ra trường, qua một thời gian học tập và thử việc mới nhận ra sở trường đích thực của mình. Đó là do đâu thưa ông?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Trong xã hội này con người cần phải thích nghi. Lấy ngay như bản thân tôi, tôi là người học được môn hóa, định theo nghề hóa. Nhưng trước kia nếu đi tổng hợp hóa thì vẫn là dạy học, tôi không nghĩ tôi là siêu nhân gì, tôi vẫn nghĩ đi dạy học. Và chỉ nghĩ dạy toán cho sướng vì là môn sở trường.
Nhưng khi đi thi thì đề toán khó, không kịp thời gian để làm và điểm toán thấp hơn bài văn. Cho đến khi đỗ vào lớp văn tôi xin sang toán nhưng không được. Cho đến khi tôi ra trường, năng lực tổ chức của tôi cũng gọi là tập hợp được mọi người, đưa ra những sáng kiến và dần dần lái sang làm quản lí giáo dục.
199.400 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp - lạ lùng càng học càng dễ...đứng đường(GDVN) - Nền giáo dục của ta đi ngược so với thế giới vì hiện Bộ GD&ĐT kiểm soát đầu vào rất chặt chẽ nhưng đầu ra lại không kiểm soát, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết. |
Tức là trong quá trình xã hội biến đổi thì mình phải thích ứng, phải đi theo và làm đến cùng. Thanh niên hiện nay của ta có cái dở là không muốn cố gắng, chỉ muốn được ngay, không thử mình.
Có cách nào để hạn chế lựa chọn sai ngành nghề theo năng lực, sở trường của mình không thưa ông?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Đừng đặt ra vấn đề đó ngay, vì điều này không ai đảm bảo. Hướng phát triển của đất nước phải vạch ra nhu cầu của từng ngành nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải dự đoán, thông báo, tuy rằng có sai lệch.
Làm sao để học sinh tự ý thức, không để tình trạng học thì giỏi mà cuối cùng không xin được việc làm. Đừng để chỉ giỏi lý thuyết, các em phải được cọ sát ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Lựa chọn ngành nghề để học có thể đúng ngay từ đầu,nhưng khi tốt nghiệp lại là một câu chuyện khác, lúc này xã hội đã biến đổi, cơ hội việc làm không vì thế mà như lúc lựa chọn ngành nghề. Ông có chia sẻ gì?
TS. Nguyễn Tùng Lâm: Đừng nghĩ chọn nghề đúng ngay từ đầu, còn nếu may ai đúng được từ đầu là tốt. Không có điều gì phải tiếc nuối, ân hận. Anh biết anh thất bại mà lao vào thì đó là điều ngu xuẩn, còn khi không đáp ứng được thì chúng ta phải thay đổi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Bài tới: Những ngành "mũi nhọn" và "mũi tù"