Học phí năm 2022-2023: Giải pháp nào để hỗ trợ phụ huynh học sinh?

24/06/2022 06:40
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để học phí có thể tăng vừa phải, không tăng “sốc” và vừa sức chịu đựng của người dân thì cần sự quyết liệt của các tỉnh, thành và sự chung tay của toàn xã hội.

Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.

Năm học 2021 - 2022, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên nhiều địa phương đã có tờ trình về việc không tăng hoặc miễn, giảm học phí cho học sinh.

Theo đó, nếu không có gì thay đổi học phí từ bậc mầm non đến đại học sẽ có những điều chỉnh theo hướng tăng lên đáng kể từ năm học 2022 - 2023.

Các địa phương trong cả nước hiện nay đều đã có dự thảo mức thu học phí từ năm 2022 - 2023 theo Nghị định 81/2021 theo hướng tăng lên, có địa phương tăng cao gấp 5 lần hiện tại khiến nhiều phụ huynh lo lắng, băn khoăn.

Ảnh minh họa - GDVN

Ảnh minh họa - GDVN

Mức học phí và lộ trình miễn giảm học phí bậc phổ thông theo Nghị định 81/2021

Tại khoản 2 Điều 9 quy định khung học phí năm học 2022 – 2023 như sau:

Vùng

Học phí (nghìn đồng/tháng) từ năm 2022-2023

Mầm non

Tiểu học

Trung học cơ sở

Trung học phổ thông

Thành thị

Từ 300 đến 540

Từ 300 đến 540

Từ 300 đến 650

Từ 300 đến 650

Nông thôn

Từ 100 đến 220

Từ 100 đến 220

Từ 100 đến 270

Từ 200 đến 330

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Từ 50 đến 110

Từ 50 đến 110

Từ 50 đến 170

Từ 100 đến 220

Dựa vào khung học phí trên, đến thời điểm này hầu hết các địa phương đã có dự thảo về học phí theo Nghị định trên với nguyên tắc “Mức thu học phí được xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục.”

Theo đó, mức học phí mới áp dụng từ năm học 2022 - 2023 đối với bậc mầm non, phổ thông có thể tăng lên đến 5 lần so với năm học 2021-2022.

Về lộ trình miễn, giảm học phí, Nghị định 81 trên cũng tiếp tục thực hiện việc miễn học phí cho học sinh tiểu học công lập, tiếp tục thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi từ năm 2024-2025, học sinh trung học cơ sở được miễn học phí từ năm học 2025-2026.

Như vậy đến năm 2025-2026, học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở công lập sẽ được miễn học phí toàn bộ, đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành Nghị định và dành mọi nguồn lực chăm lo cho giáo dục, chia sẻ phần nào khó khăn với người dân.

Một số giải pháp để giảm học phí cho học sinh công lập

Do điều kiện kinh tế của nhiều gia đình gặp vô vàn khó khăn do dịch Covid và vật giá leo thang nên có nhiều đề xuất Chính phủ về việc hoãn hoặc miễn giảm việc đóng học phí theo lộ trình, chia sẻ gánh nặng với nhân dân.

Ngày 21/3, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Bộ Giáo dục nên kiến nghị Chính phủ lùi lộ trình áp dụng học phí mới" có kiến nghị Bộ Giáo dục căn cứ tình hình thực tế kiến nghị Chính phủ lùi thời thời điểm áp dụng học phí mới theo Nghị định 81.

Tiếp theo, tại nghị trường Quốc hội ngày 2/6, Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo thống nhất tạm hoãn việc tăng học phí trong năm học tới.

Ngày 4/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Về vấn đề học phí, người đứng đầu Chính phủ có chỉ đạo "Cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của Nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên.Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh."

Phát biểu chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ được nhân dân hoan nghênh, đồng thuận rất cao.

Mới nhất, ngày 14/6, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Chưa tăng học phí, kiểm soát chặt giá sách giáo khoa", bài viết cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023.

Các động thái của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ được nhân dân đồng tình, hoan nghênh, giảm bớt phần nào kinh phí cho các gia đình khó khăn.

Tuy nhiên, người viết cho rằng hiện nay ngân sách khó khăn, không thể mãi mong chờ vào ngân sách trung ương, các địa phương có thể tùy vào ngân sách địa phương, sự phát triển kinh tế, cắt giảm chi tiêu và thực hiện một số giải pháp sau để có thể giảm phần nào học phí cho người học, để học phí không tăng giá “sốc”:

Thứ nhất, các tỉnh có thể hỗ trợ, cấp bù học phí

Các tỉnh, thành dựa vào ngân sách của mình và tình hình phát triển kinh tế có thể thực hiện phương án miễn, giảm học phí cho học sinh phổ thông công lập hoặc cấp bù học phí hỗ trợ học sinh và trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành thông qua.

Theo tìm hiểu người viết, trong các năm học trước đã có một số địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng,... đã có lộ trình về việc miễn, giảm học phí cho học sinh dựa vào ngân sách địa phương nhằm chia sẻ phần nào khó khăn với gia đình người học, tạo điều kiện cho các em được đến trường được nhân dân đồng tình, hoan nghênh.

Thứ hai, các quận, huyện cũng có thể chủ động giảm học phí cho học sinh

Nếu ngân sách tỉnh, thành còn nhiều khó khăn nhưng một số địa bàn quận, huyện có điều kiện kinh tế phát triển có thể tham mưu hội đồng nhân dân cấp quận, huyện hỗ trợ một phần học phí cho các em học sinh.

Thứ ba, vận động mạnh thường quân, nhà tài trợ hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các em

Thực tế, thì trong các năm qua nhiều gia đình gặp nhiều khó khăn, kinh tế lao đao, mất việc nhưng bên cạnh đó cũng có những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, đất nước Việt Nam lại có truyền thống tốt đẹp tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo,… nên các lãnh đạo trường học, các xã, phường hoàn toàn có thể vận động các doanh nghiệp, công ty, mạnh thường quân hỗ trợ để có thể miễn, giảm học phí cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con, không có việc làm hoặc thu nhập thấp,...

Dẫu biết rằng, việc tăng học phí trường công là tất yếu để phần nào giảm bớt phần ngân sách đầu tư, chi cho giáo dục và giảm bớt chênh lệch học phí công, tư để khuyến khích trường ngoài công lập phát triển,… nhưng trong giai đoạn dịch vừa qua đã khiến nhiều gia đình gặp quá nhiều khó khăn.

Dịch bệnh bùng phát, việc tăng đột ngột 4-5 lần học phí thì nhiều gia đình sẽ càng khó khăn hơn, nhất là khi giá cả leo thang, kinh tế khó khăn.

Do đó, theo quan điểm người viết để hỗ trợ các phụ huynh thì cần sự quyết liệt của các tỉnh, thành và sự chung tay của toàn xã hội.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành và các địa phương có thể tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm các nguồn chi, vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp đóng góp để có thể trình Hội đồng nhân dân ban hành quy định việc giảm học phí cho học sinh từ năm học 2022- 2023.

Khi điều kiện kinh tế phát triển ổn định, trở lại bình thường thì có thể tăng học phí theo lộ trình, bên cạnh đó tiếp tục kiên trì các mục tiêu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, tăng cường phát triển trường ngoài công lập để giảm ngân sách chi cho giáo dục, hỗ trợ học phí.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam