Học Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, làm xuyên Tết nhận lương bao nhiêu?

06/02/2024 06:37
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-  Mức lương đối với nhân sự ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống phụ thuộc vào vị trí, kinh nghiệm, kỹ năng, giá trị hành nghề.

Cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, theo đó, các ngành dịch vụ cũng vì thế nở rộ hơn. Ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống được đánh giá có tiềm năng, tuy nhiên, để theo đuổi được lĩnh vực này đòi hỏi người học có những tố chất riêng và niềm đam mê mãnh liệt với nghề.

Trần Quốc Anh (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) - cựu sinh viên ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, năm nay là năm thứ 6 anh làm việc xuyên Tết. Quốc Anh hiện đang làm quản lý nhà hàng tại một khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.

Sinh viên ngành Quản trị khách sạn và dịch vụ ăn uống, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi thực hành. Ảnh: NTCC

Sinh viên ngành Quản trị khách sạn và dịch vụ ăn uống, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi thực hành. Ảnh: NTCC

"Đối với sinh viên chọn theo đuổi ngành Quản trị nhà hàng và Dịch vụ ăn uống thì cần xác định trước tinh thần sẽ làm việc xuyên lễ, Tết. Bởi lẽ đó là một trong những đặc thù của ngành dịch vụ. Công việc của tôi vào ngày Tết chủ yếu là phục vụ các khách lưu trú đi chơi Xuân, họ sử dụng các dịch vụ ăn uống tại khách sạn", Quốc Anh cho hay.

Theo Quốc Anh, mỗi ca trực Tết tại khách sạn thường bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng đến 10 giờ tối. Có những năm thì thời gian trực kéo dài hơn nếu thiếu nhân sự, lượng khách tăng. Về thu nhập và quyền lợi, theo Quốc Anh, nếu làm ngày Tết thì mức lương/ngày sẽ được nhân 3 lần, cộng thêm các khoản lì xì từ khách và có thêm các ngày nghỉ bù sau đó. Mức thu nhập nhân sự có thể nhận được lên đến 2 triệu đồng/ngày.

Để theo đuổi được ngành này, Quốc Anh cho rằng, cần có sự kiên trì, chăm học hỏi, không ngại khó khăn để trau dồi kiến thức, phát triển hơn mỗi ngày. Điều quan trọng nhất là giữ được nhiệt huyết với nghề.

"Thực chất kiến thức đào tạo ở giảng đường với yêu cầu thực tế chỉ đạt khoảng 70%. Lý do xuất phát từ đặc thù ngành dịch vụ phải tiếp xúc và xử lý muôn vàn tình huống khác nhau. Có những tình huống chúng ta chưa thể ngờ tới", Quốc Anh nhấn mạnh.

Để tìm hiểu rõ hơn về ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF) và Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH).

Ngành nghề đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Hiện nay lĩnh vực Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống đang phát triển theo hướng tăng cường sự chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhu cầu về dịch vụ ẩm thực và nhà hàng cũng tăng cao. Điều này tạo ra cơ hội việc làm rất lớn cho sinh viên ngành này, đặc biệt là các lĩnh vực như quản lý nhà hàng, đầu bếp….

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, theo thầy Nguyên, đây cũng là lĩnh vực có sự cạnh tranh, yêu cầu cao về kỹ năng, sự sáng tạo và khả năng làm việc. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ vào quản lý nhà hàng và dịch vụ ăn uống cũng là một xu hướng quan trọng, giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh và tăng cường trải nghiệm của khách hàng. Ngành học này thường thu hút sinh viên đam mê với lĩnh vực ẩm thực, nấu ăn, pha chế, dịch vụ khách hàng và quản lý.

"Ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống tại UEF đều được xây dựng trên nền tảng gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, kỹ năng làm việc và kỹ năng quản lý, cùng sự đầu tư giảng dạy tiếng Anh từ giao tiếp đến chuyên ngành nhằm tạo cho sinh viên thế mạnh cạnh tranh, mở ra lộ trình vươn lên vị trí những nhà quản lý chuyên nghiệp trong các lĩnh vực chuyên môn. Đồng thời, sinh viên sẽ không nhàm chán vì được thực hành, đi thực tế doanh nghiệp nhiều và thực tập có lương.

Sinh viên ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống được trang bị các khối kiến thức về quản trị nhà hàng; quản trị dịch vụ ăn uống; xây dựng thực đơn và tổ chức hội nghị, hội thảo, yến tiệc... Từ đó, các em có khả năng hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh; chuyên nghiệp hóa cung cách phục vụ khách hàng trong nước và quốc tế. Kết hợp với kinh nghiệm, sự am hiểu sâu sắc, toàn diện về đặc trưng của từng vùng miền, quốc gia, sinh viên có thể nâng cao vị trí lên quản lý, định hướng tư duy làm chủ, tự xây dựng và quản lý nhà hàng của riêng mình.

Ngoài ra, các em còn được học các môn chuyên ngành thiết thực như: Quản trị chất lượng du lịch; Phương pháp xây dựng khẩu phần, thực đơn; Dinh dưỡng học; Kỹ thuật chế biến các món ăn Á – Âu; Kỹ thuật pha chế thức uống – Bartender, Văn hóa ẩm thực", Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên thông tin.

Cũng thông tin về ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, thời gian qua, nhà trường đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống trung tâm thực hành nghiệp vụ nhà hàng hiện đại, khang trang, để sinh viên có môi trường phát huy kỹ năng chuyên môn như chế biến món ăn, trình bày và phục vụ, quản lý nhà hàng, giao tiếp ứng xử, xử lý tình huống. Đội ngũ giảng viên của ngành cũng là những thầy cô có học hàm, học vị cao, là những chuyên gia đầu ngành đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo để đảm bảo truyền đạt kiến thức hiệu quả cho sinh viên.

Bên cạnh đó, theo thầy Quốc Anh, sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch đang dần phục hồi trở lại, đặc biệt các chính sách kích cầu du lịch cũng góp phần cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành "công nghệ không khói". Điều này đồng thời kéo theo tiềm năng to lớn cho ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, do đó trở thành ngành học “hot”, thời thượng và nhận được sự quan tâm, lựa chọn trong xu hướng ngành nghề của thí sinh.

Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực, hiện nay, nhiều trường đại học có đào tạo ngành này nên việc tuyển sinh sẽ có sự cạnh tranh cao giữa các trường. Tại HUTECH, mỗi năm, số lượng sinh viên nhập học khá ổn định và mức điểm chuẩn tương đối, điều này cho thấy, ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống đã khẳng định được uy tín.

Mức thu nhập được nhân đôi, nhân ba khi làm việc ngày lễ, Tết

Về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, thầy Quốc Anh cho rằng, các em có thể đảm nhiệm vị trí chuyên viên tổ chức sự kiện ẩm thực trong các nhà hàng - khách sạn; chuyên viên tư vấn, tổ chức và điều hành tại các cơ sở kinh doanh ăn uống; chuỗi nhà hàng, chuỗi cafe cao cấp; trung tâm tổ chức yến tiệc - hội nghị; quản lý nhà hàng, quản lý dịch vụ ẩm thực, quản lý các dịch vụ chăm sóc khách hàng, sales và marketing cho các nhà hàng, khách sạn.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Với những vị trí việc làm này, bạn trẻ mới ra trường có thể hưởng mức lương cơ bản dao động từ 9-12 triệu đồng. Mức lương này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, vị trí công việc, quy mô doanh nghiệp, vùng địa lý và ngành nghề.

Hơn thế nữa, vì là ngành dịch vụ, nên nhân sự ngành Quản trị khách sạn và dịch vụ ăn uống thường làm việc vào các ngày lễ, Tết. Do đó, mức đãi ngộ sẽ được hưởng cao hơn bình thường. Tuy nhiên, theo thầy Quốc Anh, điều này cũng tùy theo quy định của mỗi doanh nghiệp. Hầu hết sinh viên HUTECH ngay sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc vị trí công việc tốt với đãi ngộ hấp dẫn tại các tập đoàn, khách sạn uy tín trong và ngoài nước.

Còn thầy Doãn Nguyên thông tin: "Sinh viên ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống có cơ hội việc làm rất lớn trong các lĩnh vực Quản lý nhà hàng, tổ chức sự kiện, khách sạn, du lịch, đầu bếp.

Là lĩnh vực có sự cạnh tranh khá lớn và cần đến nhiều kỹ năng, sự sáng tạo, mức lương đối với nhân sự ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống phụ thuộc vào vị trí, kinh nghiệm, kỹ năng, giá trị hành nghề. Hiện tại, mức lương khởi điểm tùy vùng miền, ngoài mức lương cơ bản, còn được hưởng thêm các khoản khác theo chính sách của công ty. Các ngày Lễ, Tết thì mức lương được nhân hệ số thường là 200%, 300%/ngày tùy theo cấp bậc, tính chất công việc".

Nhà trường - doanh nghiệp "bắt tay", người học hưởng lợi

Về việc tham dự của bên tuyển dụng lao động vào quá trình đào tạo ngành này tại trường, thầy Quốc Anh thông tin: "Là một trong những đơn vị tiên phong với mô hình đại học - doanh nghiệp, HUTECH luôn chú trọng sự tham gia của doanh nghiệp vào việc đào tạo đội ngũ nhân lực giỏi chuyên môn, vững kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Đối với ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, nhà trường thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan hay thực tập “Học kỳ doanh nghiệp” 3-6 tháng tại các đơn vị nhà hàng, khách sạn để sinh viên được các chuyên viên, quản lý cấp cao đào tạo bài bản và tham gia làm việc như một nhân viên chính thức. Hay các cuộc thi với sự đồng hành, chấm điểm của các đầu bếp, chuyên gia ẩm thực hàng đầu là dịp để sinh viên rèn luyện tay nghề vững vàng.

Đặc biệt, sự kiện “HUTECH Tourism Happy Day - Ngày hội Tuyển dụng khối ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn” được tổ chức thường niên là cơ hội rất lớn để sinh viên giao lưu với nhà tuyển dụng, tham gia nộp hồ sơ ứng tuyển và phỏng vấn tại các gian hàng để nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn".

Còn tại UEF, thầy Nguyên cho biết: "Trên 50% chương trình đạo tạo học bằng tiếng Anh, nhà trường chú trọng gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, mạng lưới đối tác doanh nghiệp mạnh mẽ.

Đối với ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, sinh viên được làm quen và trải nghiệm tại doanh nghiệp từ những ngày đầu nhập học. Các buổi chào đón tân sinh viên được tổ chức tại các khách sạn, nhà hàng, thường xuyên mời thầy cô doanh nhân đến giảng dạy, tổ chức các buổi workshop, talkshow, báo cáo chuyên đề nhằm tạo điều kiện cho các em tiếp cận, làm quen với doanh nghiệp, có được những góc nhìn và kiến thức thực tiễn về ngành đang theo học".

Bên cạnh đó, theo thầy Nguyên, sinh viên UEF cũng được tạo điều kiện đến tham quan tại các nhà hàng, khách sạn 5 sao là đối tác của trường. Ngoài ra, các em được chia sẻ về quy trình và môi trường làm việc thực tế. Đặc biệt, khoa chuyên ngành tổ chức thường niên chuyến đi học tập quốc tế, thực tập Nhật Bản, Singapore.

Đối với kỳ thực tập, sinh viên UEF được nhà trường trang bị chuỗi hành trang thực tập gồm nhiều workshop trang bị kỹ năng và các workshop chuyên ngành, các chương trình mời doanh nghiệp đối tác là khách sạn, nhà hàng 5 sao đến phỏng vấn và tuyển thực tập sinh trực tiếp tại UEF.

"Sinh viên được nhà trường đảm bảo 100% có có đơn vị thực tập là các doanh nghiệp uy tín và được thực tập đúng với ngành học, nhiều sinh viên ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống UEF đã và đang đi thực tập quốc tế có lương (khoảng 13-25 triệu đồng/tháng) tại các doanh nghiệp ở Nhật.

Hiện nay, nhiều nhà hàng, khách sạn là đối tác chiến lược trong hệ sinh thái kết đào tạo, nối hợp tác chiến lược của UEF", thầy Nguyên khẳng định.

Lời nhắn gửi đến sinh viên ngành dịch vụ đặc thù

Ngành nghề nào cũng có những áp lực, đặc biệt đối với ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống là ngành dịch vụ, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Vì vậy, để phát triển tốt trong lĩnh vực ngành nghề này, thầy Nguyên cho rằng, sinh viên cần cố gắng nỗ lực học tập, học tốt ngoại ngữ, trải nghiệm, trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm và không ngừng sáng tạo. Tốt nghiệp đại học không chỉ là kết thúc của một hành trình học tập, mà còn là bước đầu tiên hướng tới sự nghiệp trong lĩnh vực sôi động và thách thức này.

Và quan trọng nhất, các em cần hiểu rõ về lĩnh vực chuyên môn của mình, tập khả năng thích nghi, sẵn sàng đối mặt với những thách thức khó khăn trong môi trường làm việc đòi hỏi sự linh hoạt và kỹ năng, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao. Hãy tập trung phát triển kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, chuẩn bị tâm thế trong những khung thời gian làm việc đặc biệt. Những kiến thức đã học, đã tích lũy sẽ chính là chìa khóa giúp bạn tỏa sáng trong sự nghiệp.

Thầy Nguyên chia sẻ thêm: "Khi đã đi làm tại các khách sạn, nhà hàng rồi các bạn cần nâng cao kỹ năng và tăng giá trị hành nghề của mình, luôn thấu hiểu tính chất công việc trong ngành dịch vụ, đặc biệt là những áp lực, cường độ làm việc trong những dịp Lễ, Tết, sẵn sàng làm việc trong các điều kiện đặc biệt, đó cũng chính là bệ phóng thăng hoa trong nghề nghiệp".

Còn thầy Quốc Anh thì nhắn gửi: "Mỗi ngành nghề đều có những tính chất công việc đặc thù riêng, đối với một ngành dịch vụ như Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, các bạn nên xác định sẵn sàng tâm lý là sẽ làm việc vào cả những dịp lễ, Tết vì đây là thời điểm mọi người có nhu cầu du lịch, giải trí, ăn uống nhiều nhất. Tất nhiên sẽ có những điều khó khăn, nhưng nếu biết biến khó khăn đó thành động lực và nắm bắt cơ hội trau dồi kiến thức - kinh nghiệm - vốn sống, các bạn sẽ phát triển vượt bậc và đạt đến những thành công nhất định trong lĩnh vực mình yêu thích".

Phạm Thi