Lần thứ 5 đổi mới, Đại học vẫn bị "bỏ rơi"
Nước ta đã có 4 cải cách và đổi mới vào các năm 1950, 1956, 1979 và 2000, nhưng cả 4 lần chỉ liên quan đến giáo dục phổ thông. Và năm nay, một lần nữa chúng ta lại bàn về đổi mới giáo dục, nhưng vẫn loay hoay với đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông. Giáo sư thấy như vậy có gì bất ổn?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong cả 4 lần cải cách và đổi mới, giáo dục đại học (ĐH) không được quan tâm đúng mức, trong khi đấy là nơi chịu trách nhiệm cuối cùng đưa sản phẩm giáo dục ra xã hội, là trận địa quyết định chất lượng nguồn nhân lực, nhưng lại là khâu yếu nhất.
Các trường ĐH có hai nhiệm vụ chính, thứ nhất là đào tạo cán bộ trình độ cao và thứ hai là sáng tạo khoa học. Nhưng tiếc rằng đấy lại là hai điểm yếu nhất của giáo dục ĐH Việt Nam, so với đại học các nước trong khu vực chứ chưa nói gì tới thế giới. Chất lượng đào tạo cho đến nay chỉ được đánh giá thông qua điểm số của sinh viên trong các kỳ thi. Nhưng khó có thể nói rằng kết quả thi phản ánh chính xác chất lượng đào tạo khi đề thi thường do người dạy ra, bài thi do người dạy chấm, nội dung thi lặp lại những điều thầy đã dạy trên lớp. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và tốt nghiệp loại giỏi của các trường thường quá cao, tính sàng lọc rất thấp.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đến lần thứ 5 đổi mới thì giáo dục đại học vẫn chưa được chú trọng, trong khi đấy là cùng cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho xã hội. |
Trong đào tạo sau ĐH, tình trạng dễ dãi, nể nang, thiếu thẳng thắn và khách quan trong đánh giá luận văn, luận án tốt nghiệp còn diễn ra phổ biến hơn. Tình trạng chạy thầy, chạy điểm, học hộ, thi hộ, sao chép luận văn, luận án ít được phát hiện và khi được phát hiện thì xử lý chưa nghiêm.
Bởi vậy, chỉ có thể đánh giá chất lượng đào tạo qua khả năng hòa nhập của nhân lực được đào tạo vào thị trường lao động. Đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa có những khảo sát quy mô về vấn đề này. Nhưng kết quả nghiên cứu bước đầu và thực tế diễn ra ở một số đơn vị sử dụng lao động cũng có thể giúp chúng ta đánh giá phần nào chất lượng chung của nhân lực được đào tạo. Mới đây nhất, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã nêu con số 72 nghìn cử nhân thất nghiệp. Đây là điều rất đáng lo ngại và chắc chắn có phần trách nhiệm không nhỏ của Bộ GD-ĐT.
Còn sáng tạo khoa học thì sao? Nhìn chung, số lượng sáng chế, phát minh có giá trị, số lượng công bố quốc tế còn rất ít. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong 5 năm (2006 – 2010), cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế; riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây.
Trong khi đó, Nhật Bản (với dân số 126,9 triệu người) là nước đứng đầu với 46.139 bằng sáng chế, kế đến là Hàn Quốc (48,9 triệu dân) với 12.262 bằng sáng chế. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế. Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Còn một nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines thì có 27 sáng chế.
Tôi rất tiếc là ngay cả trong Nghị quyết 29 vừa rồi cũng không nói đến đổi mới giáo dục ĐH và dạy nghề một cách rõ nét, mà chỉ nói chung chung.
Thưa Giáo sư, dường như giáo dục ĐH phát triển tràn lan, chất lượng yếu, dẫn đến thất nghiệp nhiều cho thấy công tác phân luồng ở giáo dục phổ thông không hiệu quả?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đúng như vậy! Nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có giải pháp gì cho vấn đề này. Theo tôi, để thực hiện phân luồng hiệu quả, phải xây dựng lại hệ thống giáo dục phổ thông. Hệ thống giáo dục là cái phải đổi mới trước chương trình và SGK. Từ trước đến nay, đã có nhiều ý kiến đề nghị rút thời gian giáo dục phổ thông xuống 11 năm thay vì 12 năm như hiện nay, và Bộ GD-ĐT quyết định là 12 năm. Nhưng cả hai hướng xây dựng hệ thống 11 năm và 12 năm đều thể hiện cách nhìn theo một hướng – áp dụng một chương trình giáo dục đồng loạt đối với mọi đối tượng, chứ không phân luồng.
Theo tôi thì nên nghĩ rộng hơn là có loại trường 12 năm, có loại 11 năm và có loại 10 năm. Đây chính là mô hình giáo dục của nước Đức. Sau tiểu học 6 năm, họ chia làm 3 loại trường trung học: trường học 6 năm, đi theo hướng này là những học sinh giỏi, học xong là vào ĐH; một hướng khác chỉ học 5 năm thôi và học xong thì vào các trường cao đẳng kỹ thuật; hướng thứ 3 chỉ học 4 năm và kết thúc là đi học nghề. Tùy hoàn cảnh của gia đình và tùy vào năng lực mà học sinh được phát triển theo các hướng khác nhau.
Làm như vậy thì mới phân luồng được. Còn ở ta vẫn đang giữ mô hình đồng loạt 12 năm. Lý do là trên thế giới ít nước dạy 11 năm, học sinh chỉ học 11 năm, bằng tốt nghiệp sẽ không được công nhận tương đương với bằng tốt nghiệp của các nước, khó đi học nước ngoài. Nhưng số học sinh có nhu cầu và điều kiện đi học nước ngoài đâu có nhiều? Một lý do nữa được đưa ra là rút thời gian dạy phổ thông xuống 11 năm thì thừa giáo viên. Nhưng đó là dựa theo biên chế giáo viên hiện nay. Ta chỉ lo thừa giáo viên khi các lớp toàn từ 45-60 học sinh. Nếu mỗi lớp chỉ 25 học sinh như ở nhiều nước thì giáo viên thiếu nhiều chứ đâu có thừa? Mà sĩ số mỗi lớp phải rút xuống thấp như vậy thì chất lượng giáo dục mới nâng cao được.
Trên thực tế, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn và con học cũng không giỏi chỉ mong học phổ thông 10 năm thôi, có được tấm bằng là cho con đi học nghề hoặc tham gia lao động ngay. Rút ngắn từ 1 đến 2 năm là đỡ chi phí cho hàng chục, hàng trăm nghìn gia đình, tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng chi phí vào những năm học không cần thiết.
Như vậy khi đổi mới được hệ thống giáo dục phổ thông thì giải quyết được vấn đề phân luồng, và đã phân luồng được thì sẽ gắn được giáo dục - đào tạo với thực tế, giải quyết luôn được câu chuyện quá tải bấy lâu nay mọi người vẫn kêu.
Nhiều năm qua không phân luồng được giáo dục phổ thông, dẫn tới lãng phí của hàng triệu gia đình. |
Quan trọng nhất vẫn là người thầy
Còn về sách giáo khoa phổ thông, Bộ Giáo dục đã xin rút đề án nhưng cũng chẳng biết đến bao giờ mới trình được một đề án hoàn chỉnh…?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Về vấn đề làm sách giáo khoa thì tôi đã nói nhiều rồi, bây giờ chỉ xin ngắn gọn là Bộ GD-ĐT chỉ nên làm chương trình thôi, còn sách thì để các nhóm tác giả viết và Bộ duyệt. Có thể có vài bộ SGK khác nhau, chọn bộ nào là tùy vào các trường, và cũng không phải lo lắng gì về kiến thức trong bộ sách có đáp ứng được hay không, vì đã có chương trình chuẩn Bộ GD-ĐT ban hành làm cơ sở biên soạn sách
Nhưng chương trình chuẩn phải làm rất chi tiết. Có lần tôi đã giới thiệu ở một hội nghị do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức bộ chương trình của Canada, họ làm rất kỹ. Căn cứ vào chương trình ấy, giáo viên có thể dạy được ngay mà không cần sách giáo khoa. Ở Vương quốc Anh cũng vậy.
Trong đợt khảo sát về giáo dục ở Vương quốc Anh và Bắc Ai-len năm 1999, chúng tôi thấy ngay cả các trường tiểu học cũng có quyền tự chủ rất cao: giáo viên được quyền chọn tài liệu dạy học phù hợp với đặc điểm lớp mình và thường thì họ không dạy theo hẳn một bộ SGK nào; còn hiệu trưởng được quyền tuyển dụng và sa thải giáo viên; cơ quan quản lý cấp quận và thành phố chỉ đóng vai trò tư vấn và hướng dẫn chuyên môn. Nhưng hiệu trưởng và giáo viên phải chịu trách nhiệm về kết quả học tập của trường hoặc lớp mà họ phụ trách. Kết quả các kỳ thi do cơ quan về chương trình và khảo thí thực hiện được công bố trên báo chí và đó là căn cứ để hội đồng giáo dục địa phương quyết định “số phận” của những người phụ trách lớp, trường.
Vậy theo Giáo sư, trong công cuộc đổi mới giáo dục, người thầy mới là yếu tố quan trọng nhất?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi tin rằng bất cứ ai có hiểu biết về giáo dục đều nhận thức như vậy. Chương trình, SGK, trang thiết bị dạy học rất quan trọng, nhưng vai trò của nhà giáo luôn luôn là số một. Chính vì vậy, trong lần đổi mới này, chúng ta cần đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nếu không đổi mới được trước thì ít nhất cũng phải song song với đổi mới chương trình, SGK.
Trước hết, cần đổi mới ở khâu tuyển sinh. Lâu nay, biện pháp miễn học phí cho sinh viên, học viên sư phạm đã tỏ ra hết hiệu lực, không hấp dẫn được học sinh giỏi như trước nữa; bởi vì được miễn vài triệu đồng học phí, lúc ra trường phải chạy hàng trăm triệu đồng mới có một chỗ dạy học thì thầy cô lương ba cọc ba đồng lấy tiền đâu để bù vào khoản “tiêu cực phí” ấy? Chi bằng họ chọn nghề khác, tuy lúc ra trường vẫn phải “chạy việc” nhưng khả năng kiếm thêm, bù lại vẫn nhiều hơn. Để hấp dẫn người giỏi vào ngành sư phạm, theo tôi, Nhà nước cần xác định được tương đối chính xác nhu cầu giáo viên để không đào tạo tràn lan và đảm bảo công ăn việc làm cho giáo sinh lúc ra trường. Xác định điều này hoàn toàn không khó khi đã có số liệu về trường, lớp, môn học, số trẻ sinh ra mỗi năm v.v…
Sau khâu tuyển sinh là phương thức đào tạo. Công tác đào tạo ở các trường sư phạm phải gắn với đơn vị sử dụng lao động. Giáo sinh chỉ nên dành tối đa 60% thời gian học ở trường sư phạm, còn 40% thời gian học ở trường phổ thông. Có như vậy thì đào tạo mới gắn liền với thực tế, giáo viên mới giỏi được.
Về công tác bồi dưỡng thường xuyên, cũng cần nghiên cứu để có những thay đổi sâu sắc, tránh bệnh hình thức, tăng cường tính hiệu quả. Có như vậy thì chúng ta mới có đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!