Không học chương trình hiện hành sao lại quy định học sinh phải luyện viết những nội dung trong sách hiện hành?
9 giờ 30 phút đêm, chuông điện thoại reo vang, cô T. nhìn thấy số điện thoại của phụ huynh chợt nghĩ “Giờ này, không biết mẹ em N. gọi có chuyện gì?
Đầu dây bên kia tiếng phụ huynh hỏi lớn “Cô ơi! Cô ngủ chưa? Em làm phiền cô tí.
Hai loại vở tập viết mà học sinh Bình Thuận đang sử dụng (Ảnh tác giả) |
Con em đang viết vở luyện viết, đến bài chính tả nghe viết họ yêu cầu viết bài Hoa phượng vĩ và ghi chú (hai khổ thơ đầu sách tiếng Việt lớp 2 tập hai trang 97) nhưng em tìm trong sách VNEN không có.
Con bé nói trong sách giáo khoa cũ mới có (sách giáo khoa hiện hành), sao kì vậy cô?
Học sách VNEN lại yêu cầu viết bài trong sách giáo khoa hiện hành, vậy phụ huynh phải mua thêm cuốn sách giáo khoa nữa hay sao?
Đây không phải phụ huynh duy nhất gọi điện (hoặc đến trực tiếp gặp) giáo viên để hỏi.
Thế nên cô T. nói ngay rằng “Những bài viết ấy, em cho bé để lại lên lớp còn thời gian cô sẽ cho viết, hết thời gian thì thôi.
Cuốn vở luyện viết ấy chỉ viết luyện thêm, không bắt buộc. Trong chương trình học đã có giờ tập viết rồi”.
Nghe thế, vị phụ huynh nói ngay “Không bắt buộc thì nhà trường bán cho học sinh làm gì? Tuổi nhỏ, càng bắt viết nhiều, chữ càng xấu”.
Nhiều bài chính tả, tập chép yêu cầu chép bài trong sách giáo khoa hiện hành (Ảnh tác giả) |
Cô T. chưa kịp phản ứng gì, vị phụ huynh nói tiếp “Để em nói với cháu không cần viết nữa. Thế mà cả buổi tối nay, nó cứ bắt em phải đi mua cuốn sách giáo khoa cho bằng được”.
Không riêng gì học sinh lớp 2, những cuốn vở luyện viết lớp 3, 4 và 5 cũng tương tự như thế.
Và để con có cái viết vào vở, nhiều phụ huynh buộc phải đi mua thêm cho con 2 cuốn sách giáo khoa hiện hành môn tiếng Việt.
Không chỉ tốn thêm một khoản tiền lãng phí mà chiếc cặp của các em cũng nặng thêm một ít vì nhiều em bỏ sách vào cặp mang lên trường để tranh thủ viết bài vào những lúc rảnh.
Ngành giáo dục Bình Thuận có đang làm khó giáo viên và bắt tội học trò?
Trong chương trình học của học sinh tiểu học đã có cuốn vở tập viết của nhà xuất bản Giáo dục (soạn theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Nếu ở chương trình hiện hành, người ta dành hẳn một tiết (35-40 phút) cho phân môn Tập viết thì ở chương trình VNEN không còn là một phân môn độc lập mà được bố chí học chung với nội dung của môn tiếng Việt.
Khi thì học kèm nội dung kể chuyện, khi kèm nội dung chính tả…thế nên, giáo viên chỉ dành cho hoạt động viết của học sinh từ 10-15 phút là nhiều.
Với thời gian này, học sinh chỉ ghi tập viết được vài hàng. Cuốn vở tập viết vẫn còn khá nhiều những nội dung chưa viết kịp.
Thay vì để những nội dung còn lại về nhà các em luyện thêm thì tỉnh Bình Thuận lại cho phát hành thêm 2 cuốn vở Luyện viết (tập 1 và tập 2) để đưa về từng trường học bán cho học sinh.
Không có công văn nào bắt buộc học sinh phải mua, không có Ban giám hiệu nào bắt buộc giáo viên phải bán.
Nhưng cách mà người ta đang làm không khác gì kiểu bắt buộc.
Vở luyện viết được đưa về trường, trường nhìn sĩ số học sinh phát xuống cho từng lớp và giáo viên đưa cho từng học sinh rồi thu tiền (36 ngàn đồng/2 cuốn).
Nếu giở cuốn vở luyện viết và cuốn vở tập viết về cơ bản nội dung luyện viết các âm vần của hai cuốn vở không khác nhau là mấy.
Cuốn vở luyện viết của tỉnh có thêm vài từ ngữ chỉ địa danh của tỉnh như Phan Thiết, Phan Rang, Phú Quý…hay một số câu thành ngữ, tục ngữ của vùng miền.
Điều đáng nói là cuốn vở luyện viết theo chương trình của Bộ Giáo dục học sinh còn không đủ thời gian viết cho xong. Nay thêm cuốn vở luyện viết của tỉnh thầy cô buộc phải cho các em luyện viết ở nhà.
Nội dung viết nhiều, không có sự giám sát của giáo viên thế nên thay vì luyện viết học trò chủ yếu là “phăng” cho nhanh. Vì thế, luyện viết kiểu bắt buộc như thế nên toàn tác dụng ngược.
Có em viết một trang để trống một trang, thậm chí có em cả năm học cũng chỉ viết được mươi trang còn bỏ giấy trắng, nhìn vào thấy quá lãng phí.
Trò mất quá nhiều thời gian để luyện viết còn thầy cô phải ôm thêm một công việc bán và thu tiền.
Có phải phụ huynh nào lấy vở luyện viết về cũng đưa tiền luôn. Người dây dưa hàng tuần, người chưa trả tiền cứ luôn miệng trả rồi…thầy cô sao có thể đôi co nên đành chịu thiệt móc tiền túi của mình ra đền.
Giáo viên bất bình nhưng chẳng ai dám lên tiếng. Chúng tôi hy vọng rằng, ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận cần đưa ra quyết định nếu sử dụng cuốn vở tập viết của Bộ Giáo dục thì bỏ luôn cuốn vở luyện viết của tỉnh và ngược lại.
Đừng vì một lý do nào khác buộc thầy cô trở thành người bán sách không công, buộc phụ huynh phải mất thêm một khoản tiền mua sách giáo khoa hiện hành, mua vở luyện viết và buộc học sinh phải tốn quá nhiều thời gian chỉ để ngồi luyện viết.