Theo khả năng học tập và chuyên môn dạy học của giáo viên, thông thường, chỉ sau nửa học kỳ của lớp 1 những học sinh bình thường đã có thể đọc, viết những âm vần, những từ ngữ cơ bản. Nhưng học tới lớp 7 mà không thể đọc được khiến nhiều người bất ngờ cũng là điều dễ hiểu.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn |
Thông tin trên các tờ báo cho thấy, đây là học sinh thuộc diện khuyết tật về trí tuệ, có chứng nhận của cơ quan chức năng và được đưa về nhà trường để hoà nhập cộng đồng. Ngay tại thời điểm tiếp nhận học sinh, nhà trường đã tiến hành đánh giá năng lực, lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho em. Quá trình học tập, học sinh này nhận thức chậm hơn bạn bè, luôn được thầy cô, bạn bè quan tâm đặc biệt. Em có khả năng nhìn chép, có thể đọc nhưng tuỳ từng thời điểm do đó việc học sinh được chuyển từ lớp 6 lên lớp 7 thông qua nhiều hình thức kiểm tra khác nhau là đúng với quy định và tinh thần giáo dục học sinh khuyết tật tại Điều 11 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT. [1]
Tranh luận trái chiều về việc cho học sinh khuyết tật lên lớp hoặc ở lại
Thông tin học sinh lớp 7 không biết đọc là học sinh khuyết tật đã có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.
Người cho rằng, dù là học sinh khuyết tật nhưng em học yếu, thậm chí không biết đọc vẫn nên cho em ở lại lớp để nắm lại kiến thức. Khi được ở lại lớp, việc đọc của em có thể được cải thiện dù là khá chậm. Nhưng cho lên lớp, cơ hội biết đọc của em sẽ ít dần đi.
Người lại nói rằng, học sinh khuyết tật được đánh giá dưới chuẩn, thậm chí không đánh giá, xếp loại thì căn cứ nào để cho các em ở lại lớp?
Và trong thực tế hiện nay, ở nhiều trường học, phần lớn học sinh khuyết tật về trí tuệ (ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức) nhà trường vẫn thường cho các em mỗi năm lên một lớp. Điều này, đã dẫn đến khá nhiều thiệt thòi cho một số học sinh.
Quy định đánh giá học sinh khuyết tật hiện nay thế nào?
Điều 11, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, đánh giá học sinh khuyết tật quy định:
1. Việc đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh khuyết tật được thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự nỗ lực và tiến bộ của người học.
2. Đối với học sinh khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập, kết quả rèn luyện và học tập môn học mà học sinh khuyết tật có khả năng đáp ứng được theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông thì được đánh giá như đối với học sinh bình thường nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả rèn luyện và học tập.
Những môn học mà học sinh khuyết tật không có khả năng đáp ứng theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông thì được đánh giá kết quả thực hiện rèn luyện và học tập theo Kế hoạch giáo dục cá nhân; không kiểm tra, đánh giá những nội dung môn học hoặc môn học được miễn.
Thế nào là tốt cho học sinh khuyết tật học hòa nhập?
Học sinh khuyết tật được học hòa nhập trong các trường tiểu học hiện nay khá nhiều. Từ việc giảng dạy thực tế, người viết nhận thấy thường có 3 dạng học sinh khuyết tật:
Thứ nhất, đó là những học sinh có khả năng đáp ứng được theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông nên được đánh giá như đối với những học sinh bình thường.
Thứ hai, những học sinh khuyết tật hoàn toàn không có khả năng tiếp thu, nhận thức, không thể đáp ứng theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông, thậm chí chỉ là yêu cầu giảm nhẹ đi rất nhiều.
Những học sinh này gần như đến lớp chỉ để ngồi, để chơi hoặc để quậy phá. Gặp những em thuộc diện này, giáo viên nào cũng khẳng định có ở lại lớp hàng chục năm vẫn không thể tiến bộ.
Vì thế, giải pháp mà các trường đưa ra là tư vấn cho gia đình gửi các em vào trường chuyên biệt hoặc các cơ sở giáo dục đặc biệt. Nếu không, nhà trường đành phải cho những học sinh này lên lớp để nhanh chóng ra trường.
Thứ ba, những em tiếp thu bài khá chậm nhưng vẫn có khả năng học nếu được thầy cô giáo chịu khó, nhiệt tình kèm cặp.
Tuy nhiên, không ít trường học hiện nay thường cho rằng học sinh khuyết tật không đánh giá kết quả học tập nên không có cơ sở để các em ở lại lớp. Vì thế, những học sinh thuộc dạng thứ ba vẫn sẽ được nhà trường cho mỗi năm lên một lớp thay vì được ngồi học lại ngay từ năm lớp 1 (khoảng 1 hoặc hai năm) sẽ tốt hơn rất nhiều.
Người viết đã từng gặp một số phụ huynh có con bị khuyết tật. Mong ước của các bậc cha mẹ cũng chỉ mong con mình biết đọc chữ để "ra đường có đi lạc còn biết đọc chữ để tìm đường về nhà". Những phụ huynh này luôn muốn con được ở lại lớp dù phải ngồi lại lớp đến vài năm.
Vì thế, để hạn chế học tới 7 năm nhưng học sinh vẫn không đọc thông thạo, các trường học cần làm tốt việc phân loại học sinh khuyết tật. Nếu những em khuyết tật thuộc dạng thứ ba, nhà trường cũng nên linh động cho các em được học lại từ lớp 1. Điều này cũng là giúp các em có cơ hội được biết chữ và cũng để tránh các trường hợp tương tự lên lớp 7 vẫn không đọc thông thạo.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoducthoidai.vn/thuc-hu-chuyen-hoc-sinh-lop-7-o-bac-kan-khong-biet-chu-post650120.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.