Từ nhiều năm nay, ngành giáo dục đã bỏ kỳ thi học sinh giỏi văn hóa ở cấp Tiểu học, nhưng thực tế vẫn còn quá nhiều các cuộc thi khác nhau gây nên sự quá tải cho học trò.
Các em còn nhỏ quá, ngoài việc học chính khóa trên lớp, các em đang cần được vui chơi, được nghỉ ngơi.
Đừng ép các em phải lao vào những cuộc thi quá tầm của ngành giáo dục, của Đoàn- Đội của địa phương đang phát động mà mục đích chưa thực sự rõ ràng.
Ảnh minh họa: Thế Anh / TTXVN. |
Nếu được liệt kê ra, thì học sinh cấp Tiểu học, nhất là khu vực thị thành hiện nay đang phải tham gia quá nhiều các cuộc thi của nhà trường, Phòng Giáo dục và các tổ chức Đoàn- Đội của phường, thành phố... phát động.
Thậm chí là của Công ty Điện lực, Thư viện tỉnh, của Sở Văn hóa- Du lịch- Thể thao phát động.
Có lẽ, chẳng có mấy phụ huynh cảm thấy tự hào hay thích thú khi buổi sáng chở con đi học, buổi chiều chở con đi tập dượt, tham gia các cuộc thi.
Mỗi ngày mà có tới 4 lần đưa đón con đến trường- về nhà thì thử hỏi phụ huynh còn có thể làm được việc gì nữa đây?
Nhiều phụ huynh phải gọi điện đến thầy cô chủ nhiệm xin không cho học sinh tham gia vào một số cuộc thi để giảm áp lực hoặc phải dặn con hãy từ chối bớt các cuộc thi của nhà trường.
Khổ nỗi, thầy cô chủ nhiệm cũng bị ép từ trên xuống thành thử cứ phải yêu cầu học trò tham gia, dù biết nhiều em học sinh cũng chẳng thích thú gì.
Hiện nay, đối với nhiều trường học cứ đều đều tổ chức các cuộc thi: thi hùng biện tiếng Anh, thi viết chữ đẹp, thi kể chuyện, thi văn nghệ, thi vẽ tranh, thi IOE cấp trường (dù Bộ đã cấm thi IOE)…
Cấp Phòng Giáo dục thì thi hùng biện tiếng Anh, thi kể chuyện, thi văn nghệ.
Đoàn – Đội thì thi vẽ tranh (nhiều lần) trong năm, thi tìm hiểu về những tấm gương lịch sử, thi nghi thức Đội (trường; phường; thành phố).
Ngoài ra, trường còn phát động các cuộc thi được các cơ quan trên địa bàn tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức như: thi tìm hiểu tiết kiệm điện, thi Đại sứ Văn hóa đọc…
Tất nhiên, mỗi cuộc thi như vậy bắt buộc học trò phải ôn, tập luyện mất rất nhiều thời gian.
Nhiều tuần có lịch học và lịch tập luyện ở trường kín mít kể cả ngày Thứ bảy và Chủ nhật. Tối về thì tập rèn chữ, tập kể chuyện, tập trống, tập hát…
Tuy nhiên, có những cuộc thi phải viết bài mà kiến thức học sinh Tiểu học thì làm gì để có mà viết bởi nhiều câu hỏi khó mà đến phụ huynh còn phải suy nghĩ…rất lâu mới có thể hướng dẫn cho con mình như cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc.
Chẳng hạn như câu hỏi: “Nếu được chọn là Đại sứ Văn hóa đọc, em có kế hoạch và biện pháp gì khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn?”
Điều bất cập là đối tượng tìm hiểu, viết bài này là học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Thử hỏi học sinh lớp 12 có khác học sinh Tiểu học hay không mà lại cùng chung một câu hỏi như nhau?
Đến Bộ văn hóa- Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn không thể nào có “kế hoạch và biện pháp” hữu hiệu để khuyến khích được người đọc thì mấy đứa trẻ 6 đến 11 tuổi làm sao mà đề ra được "kế hoạch và biện pháp" để giải quyết được vấn đề này?
Thế nhưng, vì trên đưa kế hoạch về trường, trường đưa cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm ấn cho học sinh, học sinh đem về cho…cha mẹ làm.
Thực tế, các cuộc thi ở cấp Tiểu học hiện nay quá nhiều và có nhiều cuộc thi quá tầm, quá khả năng học trò.
Thầy trò ngày đêm quay cuồng với các "cuộc chiến" để mang hư danh về cho trường |
Người phát động, tổ chức không hiểu được tâm lý, không hiểu được nỗi khổ của phụ huynh nên cứ phát động và tổ chức vô tội vạ khiến cho học trò quá tải.
Ngoài học chính khóa, các em còn tham gia nhiều phong trào ngoại khóa, còn tham gia trực cờ đỏ cho nhà trường.
Buổi tối về nhà còn phải làm vô vàn bài tập. Vậy mà, các cuộc thi cứ đều đều tổ chức không ngơi nghỉ như vậy thì các em học sinh còn đâu thời giờ dành cho sinh hoạt, vui chơi nữa?
Trong khi đó, đa phần các cuộc thi của học sinh Tiểu học hiện nay là do thầy cô và cha mẹ học sinh làm thay hoặc phải tập luyện kĩ càng để các em “diễn”.
Bởi các em còn quá nhỏ làm sao làm được những việc lớn lao như một số cuộc thi mà ngành giáo dục địa phương, các nhà trường, các cấp Đoàn- Đội tổ chức?
Vì thế, nhiều cuộc thi thì các lớp phải góp tiền để thuê người bên ngoài vào dạy, tập luyện tốn kém vô cùng…
Thôi thì các cuộc thi như vẽ tranh, kể chuyện, viết chữ đẹp thì tổ chức cũng được, nó vừa sức của học trò và tạo được sự thích thú cho các em.
Các cuộc thi tìm hiểu thì không nên tổ chức cho học sinh tiểu học. Bởi các em có làm được đâu mà năm nào cũng tổ chức?
Ngày trước, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã căn dặn:
“Bậc tiểu học cần giáo dục các cháu yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công.
Cách dạy phải vui vẻ, nhẹ nhàng, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe cho các cháu”.
Thế nhưng, thực tế ngày nay thì hoàn toàn ngược lại. Kiến thức học chính khóa thì nặng nề, quá tải, các phong trào, các cuộc thi thì tổ chức triền miên để lấy thành tích…báo cáo.
Chính vì thế, không chỉ các em học sinh tiểu học vất vả mà các giáo viên và cả phụ huynh cứ phải cuốn vào vòng xoáy của nhiều cuộc thi vô bổ suốt từ năm này sang năm khác.