Hội thảo là một trong những hoạt động thuộc dự án “Giảng đường tươi đẹp” của các bạn sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế - HVBC&TT nhằm tôn vinh những giá trị cao đẹp trong mối quan hệ thầy - trò và khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử giữa thầy và trò.
Tại buổi hội thảo, các thầy cô giáo và các bạn sinh viên đại diện cho các khoa trong Học viện cũng như những nhà báo giàu kinh nghiệm đã có cơ hội chia sẻ những câu chuyện, những bài tham luận mang ý nghĩa sâu sắc về tình thầy trò và thực trạng của mối quan hệ thầy trò hiện nay .
Trong bản tham luận về quan hệ thầy trò thời nay - thời kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế, GS. Dương Xuân Ngọc - Nguyên Phó Giám đốc HVBC&TT đã nhấn mạnh: “Nền giáo dục đang đứng trước nhiều thời cơ nhưng cũng không ít cám dỗ. Để quan hệ thầy trò đạt chuẩn mực đạo đức thì người thầy phải biết giữ phẩm chất trong sáng và cao thượng, trí tuệ uyên thâm, sống mẫu mực. Người trò phải có tinh thần cầu thị, ham học hỏi, kính trọng và sống có tình nghĩa, phải là người con ngoan hiếu thảo trong gia đình thì mới yêu mến thầy. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có lời nhắc nhở “thày phải ra thầy, trò phải ra trò”.
PGS.TS Phạm Minh Sơn đóng góp bản tham luận cho hội thảo |
Các vị khách mời cũng đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại tiêu cực trong mối quan hệ thầy trò. PGS.TS Phạm Minh Sơn - Trưởng khoa Quan hệ quốc tế chia sẻ: “Không ít những học trò ngày nay bộc lộ tự do thái quá, cãi lại thậm chí hành hung, chửi bới thầy cô. Cùng với đó là là sự xuống cấp đạo đức của một số giáo viên sẵn sàng nhận tiền nâng đỡ học sinh, thậm chí là dở trò đồi bại với học trò như một thầy giáo tại Tây Nguyên đã lợi dụng việc giúp sinh viên làm luận văn để ép học trò vào nhà nghỉ, nhiều giảng viên trình độ kém vẫn đứng lớp làm ảnh hưởng đến kiến thức của học sinh v.v...”
Tuy nhiên cũng có những góc nhìn rất khác về những biểu hiện tiêu cực trong mối quan hệ thầy trò. TS, nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng – phó khoa Báo chí cho rằng: “không phải thầy cô nào cũng ăn hối lộ, nhiều bạn học sinh cứ nghĩ phải đi thầy thì điểm mới cao dù thầy cô không mong chờ điều đó. Đây chính là một suy nghĩ rất nguy hiểm tạo nên một thói quen không tốt của các bạn sinh viên khi cứ đến kì thi là phải “ đút tiền” cho giáo viên thì kết quả mới tốt”.
Bạn Bùi Nguyên Bảo đại diện cho các bạn sinh viên chia sẻ tại hội thảo |
Đại diện cho tiếng nói của sinh viên về vấn đề này, bạn Bùi Nguyên Bảo sinh viên năm 2 HVBC&TT cũng đã đóng góp một bài tham luận với chủ đề “Thẳng thắn đối thoại và dũng cảm xóa bỏ những tiền lệ xấu vì mối quan hệ thày trò - mối quan hệ kim cô trong lòng văn hóa dân tộc”. Nguyên Bảo chia sẻ: “Hiện nay, làm thầy rất khó, làm trò cũng khó, nhưng có cái khó cũng có cái dễ. Nếu thầy và trò cứ ngấm ngầm tuân theo những quy định bất thành văn có tính chất tiền lệ mà không dám đối thoại thẳng thắn với nhau (ở đây có vai trò rất lớn của người thầy) thì có lẽ chuyện “đi tiền thầy cô”sẽ vẫn tiếp tục là vấn đề có tính chất hệ thống. Bản thân sinh viên cũng không nên làm khó thầy cô, nhiều khi sinh viên còn lôi cả phụ huynh và các quan hệ xã hội của gia đình mình để tác động, hay nói cách khác là tấn công mềm thầy cô”.
Đặc biệt, cuối buổi hội thảo, TS. Nguyễn Trường Giang – phó khoa Phát thanh- Truyền hình đã khẳng định về tầm quan trọng và cần thiết của việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa thầy và trò trong giảng đường đại học. Bà cho biết: “ Chúng ta cần quy định rõ ràng những điều được làm và không được làm, đồng thời xử phạt nghiêm khắc đối với mọi hành vi làm tổn hại đến nhân phẩm thầy và trò. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có mọt bộ quy tắc ứng xử về quan hệ thầy trò, đây là một điểm thiếu xót cần khắc phục ngay để giảng đường đại học thực sự là môi trường thân thiện, tích cực, trong sáng, nơi đào tạo ra những chủ nhân tương lai của đất nước”.
Buổi hội thảo thu hút đông đảo sự tham gia của các bạn sinh viên |
Thông qua buổi hội thảo, những người tham gia đã có dịp nâng cao nhận thức về xây dựng mối quan hệ thầy trò theo đúng truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Từ đó mỗi thầy cô giáo, mỗi bạn học sinh sinh viên sẽ cùng nhau hướng tới một mối quan hệ thầy trò minh bạch, trong sáng, lành mạnh trong học đường với tinh thần tự nguyện và đồng thuận.
Bên cạnh đó, ban tổ chức hội thảo cũng đã phát động cuộc thi “ Ấn tượng thầy trò”, kêu gọi sự tham gia của mọi cá nhân chia sẻ những câu truyện, những kỉ niệm ý nghĩa và xúc động; những trăn trở, suy nghĩ về thầy cô giáo mà bạn từng được học hoặc được tiếp xúc; về những vấn đề trong mối quan hệ thầy trò hiện nay, nhất là ở môi trường đại học.
Hoàng Dương