Khai mạc Hội thảo quốc tế về Ăng-ten và Truyền sóng giữa Việt Nam và Nhật Bản

09/01/2024 18:45
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hội thảo là một trong những sự kiện quan trọng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Sáng ngày 9/1, Trường Đại học Điện lực phối hợp với Hiệp hội Kỹ sư Điện tử, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Nhật Bản (IEICE), với sự bảo trợ kỹ thuật của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) đã tổ chức khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Ăng-ten và Truyền sóng giữa Việt Nam và Nhật Bản VJISAP 2024 (Vietnam - Japan International Symposium on Antennas and Propagation).

Khai mạc Hội thảo Khoa học Quốc tế về Ăng-ten và Truyền sóng giữa Việt Nam và Nhật Bản VJISAP 2024.

Khai mạc Hội thảo Khoa học Quốc tế về Ăng-ten và Truyền sóng giữa Việt Nam và Nhật Bản VJISAP 2024.

Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày 9/1 và 10/1, gồm phiên họp toàn thể và các phiên kỹ thuật cụ thể như: Ăng-ten và hệ thống truyền tải năng lượng không dây, Ăng-ten siêu vật liệu và siêu bề mặt, Truyền sóng và ăng-ten trong cơ thể người, Ăng-ten và hệ thống thông tin vô tuyến, Truyền sóng và Ăng-ten cho các ứng dụng Ra-đa, Truyền sóng và Ăng-ten cho thông tin di động 5G,...

Tham dự buổi khai mạc Hội thảo có Tiến sĩ Trần Đức Lai - Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam; Tiến sĩ Vũ Hải Quang - Phó Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Khắc Lịch - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về phía Trường Đại học Điện lực có sự tham dự của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Ngọ - Chủ tịch Hội đồng Trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng nhà trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Cường - Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Các đại biểu, chuyên gia tham dự khai mạc Hội thảo.

Các đại biểu, chuyên gia tham dự khai mạc Hội thảo.

Hội thảo còn quy tụ các diễn giả từ các trường đại học hàng đầu ở Nhật Bản như: Giáo sư, Tiến sĩ Kunio Sakakibara - Trường Đại học Công nghệ Nagoya; Giáo sư, Tiến sĩ Qiaowei Yuan - Trường Đại học Tohoku; Giáo sư, Tiến sĩ Satoru Kurokawa - Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia; Giáo sư, Tiến sĩ Takeshi Fukusako - Trường Đại học Kumamoto; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Takashi Hikage - Trường Đại học Hokkaido;...

Là một diễn đàn quốc tế quan trọng nhằm trao đổi về công nghệ, kỹ thuật và các ý tưởng trong lĩnh vực ăng-ten, truyền sóng nói riêng và điện tử viễn thông nói chung, sự kiện năm nay tập trung vào các chủ đề như: công nghệ mới, cấu trúc mới của ăng-ten, vật liệu mới cải tiến các tham số của ăng-ten và các thuật toán được áp dụng trong thiết kế và tối ưu hóa ăng-ten.

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến điện tử viễn thông cũng được các chuyên gia, các nhà khoa học đặt ra, trình bày và thảo luận.

Thế giới đã chứng kiến ​​sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực điện tử viễn thông, đặc biệt là về ăng-ten và truyền sóng. Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà quản lý chia sẻ những kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này, nhằm xây dựng một mạng lưới các nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực phát biểu tại buổi khai mạc Hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực phát biểu tại buổi khai mạc Hội thảo.

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực nhấn mạnh, VJISAP 2024 là một trong những sự kiện quan trọng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Hội thảo năm nay nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. VJISAP đã nhận được 52 bài báo của các tác giả về các chủ đề gồm: Ăng-ten điều khiển búp sóng, ăng-ten cho các thiết bị truyền công suất không dây, các công nghệ ăng-ten tiên tiến, các kỹ thuật thiết kế ăng-ten mới, các ứng dụng và công nghệ đo đạc ăng-ten mới và các công nghệ ăng-ten cho hệ thống thông tin vô tuyến trong tương lai.

Cũng theo Phó Giáo sư Đinh Văn Châu, Trường Đại học Điện lực xác định vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức, đặc biệt là trong lĩnh điện tử viễn thông, góp phần xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhà trường đặt triết lý "giáo dục toàn diện, vững nền tảng, bền tương lai" cùng mục tiêu trở thành trường đại học theo hướng ứng dụng hàng đầu Việt Nam, mô hình tự chủ toàn diện, hội nhập nền giáo dục quốc tế, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đáp ứng tính thực tế, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, hướng tới giá trị cốt lõi: "Trách nhiệm - Sáng tạo - Hiệu quả".

“Trong thời gian qua, Trường Đại học Điện lực đã khẳng định vai trò của mình qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, với hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị khoa học uy tín trong và ngoài nước, đổi mới chương trình đào tạo, cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu cho biết.

Hội thảo đã tập hợp nhiều bài báo cáo tham luận của những nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực ăng-ten, truyền sóng và điện tử viễn thông đến từ các Trường Đại học, Viện nghiên cứu trong nước như: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Viện Công nghệ Vũ trụ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số, Viện Khoa học Kỹ Thuật Bưu điện,...

Dịp này, Nhà trường long trọng tổ chức Lễ công bố thành lập Chi hội Vô tuyến - Điện tử Trường Đại học Điện lực trực thuộc Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam.

Dịp này, Nhà trường long trọng tổ chức Lễ công bố thành lập Chi hội Vô tuyến - Điện tử Trường Đại học Điện lực trực thuộc Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam.

Các phiên thảo luận của Hội thảo quốc tế sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề: Truyền sóng và ăng-ten trong cơ thể người; ăng-ten và hệ thống thông tin vô tuyến; truyền sóng và ăng-ten cho các ứng dụng Ra-đa; Truyền sóng và ăng-ten cho thông tin di động 5G; ăng-ten cho ứng dụng cảm biến và các kỹ thuật dựa trên Chirp.

Trao đổi bên lề Hội thảo Khoa học quốc tế về Ăng-ten và Truyền sóng giữa Việt Nam và Nhật Bản năm 2024, Giáo sư Hiroyoshi Yamada (Đại học Niigata, Nhật Bản) cho biết, Hội thảo là một dịp đặc biệt quan trọng giúp xây dựng khăng khít hơn mối quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản để các nhà nghiên cứu và chuyên gia có thể trao đổi chuyên sâu thêm về kỹ thuật và học thuật thuộc lĩnh vực ăng-ten và truyền sóng.

“Lần cuối tôi đến đất nước Việt Nam là 10 năm trước đây. Dịp quay trở lại lần này, tôi rất bất ngờ vì công tác truyền sóng đã được cải thiện rõ rệt và hoạt động nghiên cứu cũng diễn ra rất năng suất và hiệu quả.

Tôi rất vui khi chứng kiến quá trình thay đổi và phát triển của đất nước Việt Nam và cả trong các trường đại học của Việt Nam”, Giáo sư Hiroyoshi Yamada chia sẻ.

Lưu Diễm