LTS: Sau khi Sở Giáo dục Khánh Hòa có hướng dẫn chỉ đạo chấm dứt VNEN trong năm học 2019-2020, nhà giáo Nhật Duy đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu triển khai dự án VNEN thì Khánh Hòa là một trong những tỉnh tiên phong cho dự án dạy học này.
Năm học 2011- 2012 bắt đầu từ số lượng 4 trường học, với hơn 233 học sinh lớp 2 tham gia thí điểm, đến năm học 2016-2017 thì tỉnh này đã phát triển lên 59 trường học với khoảng 30 nghìn học sinh tham gia, chiếm khoảng 30% số trường tiểu học trên toàn tỉnh Khánh Hòa.
Thế nhưng, bây giờ thì Khánh Hòa đã phải nói lời “đoạn tuyệt” với VNEN, Sở Giáo dục đã có hướng dẫn chỉ đạo chấm dứt VNEN trong năm học 2019-2020 tới đây để tiếp tục quay về dạy học theo chương trình hiện hành.
Sở Giáo dục Khánh Hòa đã có hướng dẫn chỉ đạo chấm dứt VNEN trong năm học 2019-2020 tới đây (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Điều đáng cho mọi người nghĩ suy nhất là Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa cũng đã có những hướng dẫn là sẽ tập huấn cho giáo viên đã dạy theo mô hình VNEN trong những năm qua để quay lại dạy học chương trình hiện hành.
Vậy là từ những thầy cô đang dạy chương trình hiện hành (năm 2000) được tập huấn, bồi dưỡng để dạy theo mô hình VNEN và sau một thời gian lại phải tập huấn quay lại… chương trình hiện hành.
Cái vòng luẩn quẩn này khiến chúng tôi nhớ lại những tích chuyện xưa cũ. Bởi, chuyện theo VNEN rồi bỏ VNEN ở đây giống như câu chuyện “mèo lại hoàn mèo” hay “Dã tràng xe cát biển Đông/ Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”.
Không chỉ tập huấn lại cho giáo viên mà Sở cũng đã yêu cầu các trường học đang dạy theo mô hình VNEN rà soát lại trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa để có những tham mưu, đề xuất với Phòng Giáo dục trang bị, đầu tư mới.
Như vậy, từ những gì đã có trước đây, khi dạy VNEN có thể các đơn vị đã bỏ đi, hoặc thanh lý những thiết bị dạy học không cần thiết hay cả sách giáo khoa chương trình năm 2000 để đến bây giờ lại phải mua sắm lại những thiết bị dạy học cho chương trình hiện hành.
Sự lãng phí kép này biết trách ai đây? Ngân sách nhà nước có lẽ cũng không phải là “của chùa” để làm những chuyện lãng phí này nhưng thực tế thì nó sẽ xảy ra khi bỏ VNEN.
Trớ trêu nhất là Sở hướng dẫn mỗi đơn vị giữ lại ít nhất là 10 bộ sách VNEN để làm tài liệu tham khảo, số sách còn lại thì thanh lý theo quy định hiện hành.
Số tiền thu được dùng để mua sách thiếu nhi và phục vụ học sinh. Nhưng, thử hỏi sách VNEN mà đem thanh lý trong thì ai có nhu cầu để mua đây?
Trong phạm vi của tỉnh Khánh Hòa thì đã được hướng dẫn chấm dứt VNEN thì những bộ sách này có còn giá trị gì nữa?
Ngoài tỉnh thì không biết có địa phương nào đến Khánh Hòa để mua số lượng sách cũ VNEN này để về dạy cho học sinh của mình?
Bởi các địa phương cũng đã và đang không mở rộng thêm, thậm chí cũng đã dừng VNEN giống như tỉnh Khánh Hòa cả rồi.
Vì thế, lẽ đương nhiên là những bộ sách VNEN được gọi bằng cụm từ quen thuộc là “thanh lý” đó sẽ được bán cho những người mua phê liệu ngoài đường.
Với giá thị trường bây giờ cùng lắm cũng chỉ được 2.500 đồng/1 kg. Mỗi bộ sách được nhà trường, phụ huynh đầu tư mấy trăm ngàn đồng để mua mà bây giờ có thể thu vào vài ngàn đồng tiền lẻ phế liệu sao thấy xót xa vô cùng.
Nhớ lại những năm đầu khi mới áp dụng thí điểm VNEN thì Khánh Hòa được Bộ đánh giá rất cao.
Bộ Giáo dục còn giới thiệu cho nhiều tỉnh, thành khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Nai…đến để “học tập và chia sẻ kinh nghiệm” của Khánh Hòa.
Chính vì điều này mà Bộ đã đánh giá Khánh Hòa là một trong hai tỉnh thành công nhất trong việc thực hiện mô hình VNEN trên cả nước.
Tiếc thay, phía sau những lời ca ngợi đó, không hiểu vì lý do gì mà Khánh Hòa đã “đành đoạn” nói lời chia tay với VNEN vào năm học tới đây?
Vấn đề đặt ra bây giờ là ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc thất bại này. Số tiền mà ngân sách đầu tư là 87 triệu đô la cho dự án là quá lớn.
Đó là chưa kể ngân sách các địa phương đầu tư trong những năm sau này bởi dự án VNEN chỉ cấp kinh phí cho những trường thí điểm giai đoạn đầu.
Rồi tiền của phụ huynh đầu tư mỗi năm mấy trăm ngàn đồng/bộ sách cho con em họ nữa.
Vì thế, con số 87 triệu đô la chỉ là con số ban đầu và đây chỉ là phần cứng mà thôi.
Chúng tôi đọc lại các bài viết về chủ đề VNEN đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam như: Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai?; VNEN và biểu hiện tham nhũng chính sách giáo dục, của tác giả Nguyễn Nguyên và Hồng Thủy mà cảm thấy những con số, những sự thật kinh hoàng.
Chỉ tiếc, không chỉ 2 bài viết như đã nêu ở trên mà đã hàng trăm bài viết về những góc khuất, những bất cập của VNEN nhưng cuối cùng cũng chỉ nhận được những câu trả lời chung chung từ lãnh đạo Bộ Giáo dục…
Chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa thôi là áp dụng sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng Khánh Hòa vẫn quyết tâm bỏ VNEN để quay lại dạy sách của chương trình hiện hành.
Lại bắt đầu tập huấn lại cho giáo viên, lại đầu tư mua thêm trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa...
Nhiều trường, nhiều tỉnh cộng lại thì ra không biết bao nhiêu tiền lãng phí mà những người triển khai dự án vẫn không ai liên đới hay lên tiếng chịu trách nhiệm!
Vậy mà trong chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn đang thấy hình thành bộ sách giáo khoa VNEN như thầy Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới Nguyễn Minh Thuyết đã từng chia sẻ với báo chí.
Lẽ nào VNEN có sức sống mãnh liệt đến vậy?
Tài liệu tham khảo:
http://www.khanhhoa.edu.vn/?ArticleId=ea5cda8f-edba-4f62-ab1e-c090729aa0e2
https://tuoitre.vn/khanh-hoa-cham-dut-su-dung-thanh-ly-sach-vnen-2018123107490346.htm