VNEN và biểu hiện tham nhũng chính sách giáo dục

02/10/2017 06:51
Hồng Thủy
(GDVN) - Các nhà dự án VNEN và nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển còn tính biến “sách thử nghiệm” của mô hình VNEN thành sách giáo khoa chính thức.

Ngày 20/9 tác giả Nguyễn Nguyên có bài viết "Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai?" với những số liệu cụ thể, phân tích thuyết phục và câu hỏi đặt ra một cách thẳng thắn, trực diện vào đúng đối tượng.

Tuy nhiên, như dự đoán của nhiều bạn đọc, vấn đề là ai sẽ trả lời những câu hỏi này? Không ai cả, mặc dù câu hỏi tác giả nêu ra có đối tượng và địa chỉ rõ ràng. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã nhiều lần phản ánh.

Chúng tôi nhận thấy rằng, từ những số liệu, vấn đề mà tác giả Nguyễn Nguyên phân tích, cũng như các câu hỏi được đặt ra, dường như việc xuất bản và tiêu thụ độc quyền, khép kín sách VNEN đang bộc lộ nguy cơ tham nhũng chính sách.

Điều này thôi thúc chúng tôi tiếp tục tìm hiểu những góc khuất và mục tiêu thực sự của các nhà dự án Mô hình Trường học mới tại Việt Nam (GPE-VNEN, hoặc VNEN), xin được nêu ra đây để rộng đường dư luận.

Hy vọng những thông tin, vấn đề nêu ra sẽ giúp ích ít nhiều cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trách nhiệm giải trình trước đồng bào cả nước, phụ huynh học sinh và giáo viên về những vấn đề, bất cập của dự án này.

Có như vậy, công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục mới đi vào thực chất, thay vì đổi mới bằng dự án chồng dự án.

VNEN chép lại sách 2000, và sẽ được "chỉnh sửa" làm sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới

Nhiều văn bản chỉ đạo cũng như phát biểu công khai của các lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyên gia VNEN đều khẳng định, VNEN giữ nguyên nội dung chương trình, sách giáo khoa 2000.

Tác giả Nguyễn Nguyên đã rất tinh tế và sắc sảo khi đặt câu hỏi, tại sao chỉ "chép lại nội dung" sách 2000, sách VNEN lại có giá bán "cắt cổ" như vậy, gấp 3 lần sách 2000?

Nhưng đằng sau vẫn còn một sự thật hiển hiện kỳ dị hơn: VNEN chép lại sách 2000, sẽ được "chỉnh sửa" để làm sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngày 30/6/2016 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1174/QĐ-TTg về việc ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghỉ hưu theo chế độ. [1]

Từ trái qua phải: Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ông Vũ Bá Khánh và ông Đặng Tự Ân tại tọa đàm, trao đổi về tình hình triển khai chương trình trường học mới VNEN do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội tổ chức ngày 1/8/2017 tại Hà Nội. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.
Từ trái qua phải: Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ông Vũ Bá Khánh và ông Đặng Tự Ân tại tọa đàm, trao đổi về tình hình triển khai chương trình trường học mới VNEN do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội tổ chức ngày 1/8/2017 tại Hà Nội. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Trước đó đúng 3 tháng, ông Nguyễn Vinh Hiển ký công văn số 1296/BGDĐT-GDTH ngày 30/6/2016 gửi Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn triển khai Mô hình trường học mới Việt Nam ở tiểu học từ năm học 2016-2017.

Công văn có đoạn:

"Bộ sách giáo khoa của mô hình này sẽ được chỉnh lí, hoàn thiện để trở thành 1 trong những bộ sách giáo khoa phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng chính thức từ năm học 2018-2019, phù hợp với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội". [2]

Điều này mới được ông Vũ Bá Khánh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội nhắc lại trong hội thảo về VNEN mà ông cùng Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ông Đặng Tự Ân chủ trì hôm 1/8 tại Hà Nội:

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bắt tay vào việc chuẩn bị làm bộ sách mới này từ hơn một năm nay. 

Tổng số người tham gia là 156 người, bao gồm các nhà khoa học, giáo sư, phó giáo sư, thạc sỹ và giáo viên đã đứng lớp giảng dạy theo mô hình VNEN. 

Thậm chí, sách cũng đã được đơn vị này dạy thử nghiệm ở một số nơi.

“Tất nhiên là hiện chúng tôi mới soạn theo chương trình giả định. Tới đây, khi bộ ban hành chương trình môn học, chúng tôi sẽ điều chỉnh phù hợp”, ông Khánh nói. [3]

Câu hỏi đặt ra ở đây là, vậy Chương trình giáo dục phổ thông mới có phải là "con đẻ" của sách VNEN hiện nay? 

Hay nói cách khác, Chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn giữ nguyên cái ruột cũ của chương trình, sách giáo khoa 2000 như nhà giáo Phạm Toàn cảnh báo?

Sở dĩ chúng tôi nêu vấn đề này ra, ngoài những điều Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển đã thể hiện rõ trong Công văn số 1296/BGDĐT-GDTH ngày 30/6/2016 và phát biểu xác nhận việc này đã, đang diễn ra từ ông Vũ Bá Khánh, còn bởi mấy lẽ sau:

Một là, Chương trình giáo dục phổ thông mới đang triển khai hiện nay được bắt đầu từ năm 2009 khi cuốn sách giáo khoa cuối cùng của chương trình 2000 vừa mới xong, do chính Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chỉ đạo.

Hai là, dư luận hẳn còn nhớ Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông này có từ năm 2011 với con số kinh phí dự kiến lên tới 70 ngàn tỉ mà không có một căn cứ khoa học nào, năm 2014 sửa thành 34 ngàn tỉ vẫn bị Quốc hội bác. 

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển là người phụ trách mảng giáo dục phổ thông và chỉ đạo trực tiếp đề án này, khi còn đương chức. 

Ba là, một số cái "đổi mới" trong chương trình giáo dục phổ thông mới mà Chương trình 2000 chưa có, thì sách VNEN lớp 6, lớp 7 đã "đi tắt đón đầu", đã có 2 môn này:

Môn Khoa học tự nhiên "tích hợp" cơ học Lý - Hóa - Sinh; môn Lịch sử và Địa lý "tích hợp" 2 môn Lịch sử, Địa lý

Bảng so sánh giá sách VNEN và sách 2000 do tác giả Nguyễn Nguyên lập.
Bảng so sánh giá sách VNEN và sách 2000 do tác giả Nguyễn Nguyên lập.

Điều đáng nói ở đây là, sách VNEN chép từ sách 2000, cấp trung học cơ sở hiện hành không có 2 môn "tích hợp" này. Và sách VNEN 2 môn "tích hợp" đã ra lò khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới còn chưa được duyệt.

Thế mới biết các nhà dự án VNEN đã tỉnh táo “đi tắt đón đầu” bất chấp cả quy trình hay luật pháp như thế nào.

Luật Giáo dục hiện hành quy định một đằng, thầy Nguyễn Vinh Hiển chỉ đạo làm một nẻo

Điều 29 Luật Giáo dục 1998, Luật Giáo dục 2005 và mục 4 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (2009) đều quy định rõ về chương trình, sách giáo khoa.

1. Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục phổ thông, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.

2. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông. [4]

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông; 

Duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa;

Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa." [5]

Theo quy định của Luật Giáo dục, thí sách VNEN vẫn chưa phải là sách giáo khoa.

VNEN và biểu hiện tham nhũng chính sách giáo dục ảnh 3

Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai?

Nhưng trong Công văn 1296/BGDĐT-GDTH ông Nguyễn Vinh Hiển vẫn gọi bộ sách này là "sách giáo khoa" và sẽ chỉnh sửa nó làm sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trên bìa sách VNEN bản in mới nhất vẫn ghi rõ: sách thử nghiệm.

Thế nhưng ông Vũ Bá Khánh tỏ ra rất tự tin khi tuyên bố trước báo giới: trong chương trình giáo dục mới, mô hình VNEN không còn chỉ là lồng ghép như hiện nay mà được áp dụng tổng thể hơn. [3]

Luật Giáo dục hiện hành quy định, sách giáo khoa phải được thẩm định và hội đồng thẩm định kiến nghị Bộ trưởng cho sử dụng, mới được đưa vào trường học.

Nhưng mãi đến ngày 7/7/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có quyết định số 2263/QĐ-BGDĐT về tổ chức đánh giá, thẩm định khách quan tài liệu Mô hình Trường học mới. [6]

Vậy là 6 năm qua, phải chăng hàng triệu học sinh VNEN đang sử dụng sách "giáo khoa" chưa qua thẩm định?

Nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho học sinh học sách chưa qua thẩm định, cũng giống như cho trẻ em sử dụng thuốc chưa qua kiểm định của Bộ Y tế.

Cách "bôi" sách VNEN từ sách giáo khoa 2000 được Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ trong bài viết: "VNEN - Rằng hay cũng lắm điều hay...":

"Mặc dù sau hai chuyến sang Colombia, các đoàn khảo sát chỉ mang về được sách giáo khoa một số môn học lớp 2, nhưng dựa vào mẫu của mấy quyển sách lớp 2 ấy, Dự án đã liên tục tổ chức biên soạn sách của đủ các lớp tiểu học, rồi lớp 6, lớp 7,… để triển khai theo kiểu “cuốn chiếu”

Không những thế, sau này tôi còn được mời thẩm định cuốn Phương pháp dạy học tiếng Việt – giáo trình cho các trường đại học sư phạm, viết theo kiểu VNEN.

Cuốn giáo trình này cũng có phần khởi động, có phân tích mẫu, rút ra kết luận, bài tập thực hành và bài tập ứng dụng, không khác gì mô hình sách lớp 2. Nghe nói nhiều môn khác cũng biên soạn những giáo trình tương tự.

Khi thẩm định, tôi phải kêu trời, vì dạy đại học trên 40 năm tôi chưa từng thấy một giáo trình nào trên thế giới viết như vậy.

VNEN và biểu hiện tham nhũng chính sách giáo dục ảnh 4

Có phải thầy Đặng Tự Ân đang “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

Nhưng hội đồng thẩm định không có căn cứ để bác cuốn giáo trình này vì nhóm tác giả đã thực hiện đúng hợp đồng viết sách mà họ ký với Dự án...

Về nội dung dạy học, Dự án VNEN dựa vào chương trình và sách giáo khoa hiện hành... 

Điều đáng buồn hơn nữa là sách VNEN Tiếng Việt - Ngữ văn tuy rất ít điều chỉnh nội dung sách giáo khoa hiện hành, nhưng hễ cứ điều chỉnh là không đúng.". [7]  

Như vậy có thể thấy một nghịch lý đang mặc nhiên tồn tại trong nền giáo dục nước nhà, bất chấp cả luật pháp lẫn dư luận, đó là các nhà dự án VNEN đang “thí điểm”, “thử nghiệm” một tài liệu không phải sách giáo khoa trên hàng triệu học sinh.

Những cuốn sách “thử nghiệm” chép lại nội dung sách giáo khoa 2000, bán với giá “cắt cổ” - đắt hơn 3 lần sách giáo khoa hiện hành vẫn đang in đến đâu, bán hết đến đó và học sinh VNEN không thể không mua.

Chưa dừng lại ở đó, các nhà dự án VNEN và nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển còn tính biến “sách thử nghiệm” của mô hình VNEN thành sách giáo khoa chính thức thông qua chương trình giáo dục phổ thông mới.

Những uẩn khúc đằng sau chuyện này, chúng tôi xin tiếp tục làm rõ trong những bài viết tới.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=19&mode=detail&document_id=186932

[2]http://bariavungtau.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=5532:1296bgdt-gdth&catid=77:personal-tech&Itemid=459

[3]https://www.vietnamplus.vn/se-co-bo-sach-giao-khoa-vnen-theo-chuong-trinh-giao-duc-moi/459003.vnp

[4]http://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=18148

[5]http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=23806

[6]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/luon-dong-hanh-cung-vnen-3625148.html

[7]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/VNEN--Rang-hay-cung-lam-dieu-hay-post170139.gd

Hồng Thủy