Không có phần mềm xét tuyển chung, trường nghề tốn nhiều thời gian và tiền bạc

27/12/2022 06:43
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hiệu trưởng các trường CĐ nghề cho rằng việc tạo phần mềm xét tuyển chung cho các cơ sở GDNN không khó nhưng dù đã đề xuất vẫn chưa thấy thực hiện.

Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt là trong năm 2022 đã giúp đẩy mạnh sự minh bạch trong công tác tuyển sinh toàn ngành. Bộ có cơ sở dữ liệu toàn bộ, đầy đủ, chính xác về kết quả tuyển sinh của các trường, là công cụ hữu hiệu để phân tích chính sách, từ đó có thể kịp thời điều chỉnh những bất cập, hạn chế.

Tuy nhiên, đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, do không có phần mềm xét tuyển chung này nên dẫn đến việc nhiều trường gặp khó trong công tác tuyển sinh.

Trao đổi về tình hình tuyển sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng nghề thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hiện nay là không có phần mềm xét tuyển chung. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến đầu vào của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. (Nguồn: Fanpage nhà trường).

"Hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động trong công tác tuyển sinh, phải tự đến các trường trung học phổ thông, thậm chí phải đến cả những địa phương ở khu vực xa để tuyên truyền thông tin về những ngành nghề học của trường đến với người học. Do đó, gây ra lãng phí từ kinh phí đi lại, kinh phí in ấn thông tin,... đến nhiều chi phí phát sinh khi đi tuyên truyền.

Không những vậy, có một thực trạng là đến mùa tuyển sinh, nhiều đơn vị đến cùng một trường để tư vấn, cung cấp thông tin hướng nghiệp sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của các em học sinh và thời gian làm việc của trường phổ thông", thầy Khánh chia sẻ.

Hơn nữa, theo thầy Khánh, khi thực hiện công tác tuyển sinh tại một số trường trung học phổ thông có thể nhận thấy: các trường có xu hướng tư vấn học sinh của trường mình chọn thi, học đại học nhiều hơn, điều này có thể cũng liên quan đến thành tích của các trường nên nhiều đơn vị không muốn đón tiếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào trường mình giới thiệu.

Đây là thực tế còn tồn tại, học sinh, phụ huynh vẫn đặt nặng vấn đề phải học đại học, trong khi đó, cơ hội việc làm cho những người học nghề khi ra trường là rất lớn, đầu vào lại dễ dàng hơn, đơn cử như Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội những năm gần đây có trên 96% số sinh viên ra trường có việc làm.

Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phần mềm xét tuyển chung từ nhiều năm nay, lại có những cải tiến trong năm 2022, nên đã giúp các cơ sở đào tạo trực thuộc cũng như học sinh và phụ huynh dễ dàng nắm bắt được các thông tin, dữ liệu đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Do vậy, thầy Khánh cho rằng, nếu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng có phần mềm tương tự thì chắc chắn sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, công sức, và thời gian cho cả gia đình, nhà trường và xã hội cũng như giúp cho người học chọn được môi trường học tập phù hợp nhất với bản thân.

Tuy nhiên, dữ liệu thông tin của học sinh các cấp học chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm được, nên thầy Khánh cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chia sẻ dữ liệu đó cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì mới có căn cứ để tạo phần mềm dùng chung cho khối giáo dục nghề nghiệp.

Như hàng năm, căn cứ theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, khoảng từ 15 điểm trở lên (theo từng khối) là thí sinh có thể được xét tuyển vào đại học thì số lượng thí sinh dưới mức điểm này nếu được cập nhật trong một phần mềm xét tuyển chung cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp các em chọn được trường học phù hợp hơn với bản thân và nhà trường có căn cứ để thuận tiện hơn trong công tác xét tuyển.

"Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cũng từng đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc chia sẻ dữ liệu thông tin học sinh cấp trung học phổ thông cho trường để trường thuận tiện hơn trong công tác tuyển sinh nhưng chưa được cho phép", thầy Khánh nói.

Thầy Khánh cũng mong muốn, ngành giáo dục nên điều tra nhu cầu sử dụng lao động của xã hội để nắm được con số hàng năm, các cơ quan, đơn vị cần tuyển bao nhiêu người lao động có trình độ đại học và bao nhiêu người học cao đẳng nghề, để tránh gây ra việc "thừa thầy thiếu thợ" cũng như ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của các trường cao đẳng nghề.

Ví dụ, trong năm tiếp theo, dự kiến có 1 triệu em tốt nghiệp nhưng nhu cầu xã hội chỉ cần 50% số lượng người làm trong đó học tốt nghiệp đại học ra thì các em sẽ căn cứ vào năng lực của mình để lựa chọn môi trường học tập cho phù hợp, tránh trường hợp hiện nay có nhiều em cứ đăng ký vào học đại học theo nhu cầu của gia đình hay bạn bè mà không biết đâu là lựa chọn phù hợp cho mình.

Hơn nữa, các trường đại học đều đang tìm cách tăng quy mô nên tăng chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm. Giả sử một trường có chỉ tiêu tuyển sinh mọi năm cao, khoảng hơn 20.000 người học chỉ cần tăng thêm 5% là thêm rất nhiều thí sinh và hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Trong khi đó, chỉ tiêu mỗi năm của một trường cao đẳng nghề chỉ rơi vào khoảng 1000 người, chỉ cần một trường đại học tăng chỉ tiêu thì đã ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của rất nhiều trường cao đẳng nghề.

Thậm chí, theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, nhiều trường đại học tăng thêm phương thức xét tuyển, làm giảm ngưỡng đầu vào như chỉ xét học bạ, điều này làm “nao núng” tinh thần nhiều em, nhiều bậc phụ huynh khi cho rằng: “vào đại học dễ như thế thì sao phải đi học cao đẳng nghề”.

Cũng chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong công tác tuyển sinh của trường, Thạc sĩ Nguyễn Quang Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang cho hay:

“Hiện Trường Cao đẳng Tiền Giang vẫn có phần mềm tuyển sinh riêng của trường nhưng do chỉ có phạm vị sử dụng nội bộ nên trường không thể chia sẻ được cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang. (Nguồn: Website nhà trường).

Thạc sĩ Nguyễn Quang Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang. (Nguồn: Website nhà trường).

Việc không có phần mềm tuyển sinh chung khối giáo dục nghề nghiệp đã phát sinh ra trường hợp: có một số thí sinh nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng Tiền Giang nhưng khi công bố trúng tuyển thì trường mới biết các em đã chọn vào Trường Đại học Tiền Giang ngay bên cạnh.

Do đó, nếu không có phần mềm xét tuyển chung thì kể cả hai trường sát bên nhau cũng không thể chia sẻ dữ liệu với nhau, không thể nắm bắt được thông tin, dẫn đến nhiều bất cập trong công tác xét tuyển”.

Thầy Khải cho biết thêm, trước kia thầy có thời gian công tác tại Trường Đại học Tiền Giang, do có phần mềm xét tuyển chung nên công tác tuyển sinh của trường diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều.

Ví dụ như thí sinh đã trúng tuyển vào trường khác rồi thì không còn tên trong danh sách của Trường Đại học Tiền Giang nữa hay có trường hợp thí sinh nộp nguyện vọng vào Trường Đại học Cần Thơ hay Trường Đại học Đồng Tháp mà không trúng tuyển nhưng hai trường này thấy thí sinh có hộ khẩu ở Tiền Giang thì sẽ liên hệ với Trường Đại học Tiền Giang để xét tuyển cho thí sinh đó. Như vậy, nhà trường vừa đảm bảo được chỉ tiêu, người học vừa kịp thời chọn được môi trường học tập.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang, việc tạo một phần mềm chung cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là không khó và không vượt quá tầm tay của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Bởi các ngành nghề tuyển sinh của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có số lượng lớn hơn nhiều so với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng vẫn có thể thực hiện được.

Trà My