Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2022-2023 ở tỉnh Thừa Thiên Huế vừa kết thúc. Năm nay, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của khoảng gần 200 học sinh đến từ 28 trường trung học cơ sở và 37 trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế cho biết:
“Để đảm bảo công bằng, khách quan và minh bạch, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đã lên kế hoạch tổ chức chặt chẽ ngay từ đầu.
Cụ thể, Sở đã ban hành kế hoạch từ rất sớm, trong đó hướng dẫn các trường học tổ chức, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường để tăng cường tính thực hành trong tổ chức dạy học.
Cuộc thi khoa học kỹ thuật được tổ chức dựa trên ý tưởng nghiên cứu của học sinh, từ đó, giáo viên sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ các em hoàn thiện sản phẩm từ ý tưởng ban đầu”.
Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế. Ảnh: DN |
Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh ở Thừa Thiên Huế với đội ngũ ban giám khảo “cầm trịch” là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành của Đại học Huế. Dựa trên tính chất cuộc thi là một sân chơi thực hành nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho các em ở lứa tuổi học sinh, do vậy ban tổ chức đặc biệt yêu cầu các giám khảo chú trọng đánh giá các sản phẩm ở ý tưởng triển khai và sự nhiệt huyết, sáng tạo và chủ động tham gia của học sinh. Những sản phẩm có dấu hiệu của sự “gia công”, sao chép hay có “bàn tay can thiệp” quá nhiều của người lớn đều bị loại bỏ.
Cuộc thi cấp tỉnh năm nay quy tụ 104 dự án dự thi thuộc 05 lĩnh vực: Khoa học Xã hội hành vi: 32 dự án, Toán – Tin: 24 dự án, Hoá Sinh: 23 dự án; Lý - Kỹ thuật: 18 dự án và Môi trường: 07 dự án.
Các thí sinh trải qua 2 vòng dự thi: Vòng 1, ban giám khảo sẽ tiến hành thẩm định, đánh giá phần trưng bày và trình bày nội dung các dự án kết hợp phỏng vấn để chọn ra các giải thưởng Nhất, Nhì, Ba…
Vòng 2, hội đồng chấm thi tiếp tục họp và xem xét, đánh giá chọn ra 2 dự án xuất sắc nhất dự thi cấp quốc gia.
“Việc đánh giá và chấm thi chủ yếu trên tinh thần động viên, khuyến khích học sinh, trong đó đề cao các ý tưởng sáng tạo của học sinh. Có thể những sản phẩm, dự án của các em không hoành tráng hay vĩ mô, nhưng ít nhất đó cũng là ý tưởng sáng tạo, là sản phẩm làm ra bằng chính sự nỗ lực của các em.
Tất nhiên, việc chấm thi các công trình khoa học không thể mang tính tuyệt đối giống như các môn văn hóa được, nhưng vẫn đảm bảo cao nhất tính khách quan và trung thực trong đánh giá”, ông Tân nhấn mạnh.
Vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào phần mềm chống đạo văn để chấm thi khoa học kỹ thuật. Ông Tân đánh giá đây là một cách làm khá hay và chúng ta có thể nghiên cứu thêm trong thời gian tới.
Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh đạt giải. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế |
Trước những ý kiến trái chiều về cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế bày tỏ quan điểm:
“Tôi thấy rằng có nhiều ý kiến cho rằng cuộc thi khoa học kỹ thuật còn mang nhiều tính hình thức, phô trương hay chạy theo thành tích,... Tuy nhiên vấn đề không phải là ở sự nhìn nhận của người này hay người khác, quan trọng là ở khâu triển tổ chức trong các nhà trường, định hướng các thầy cô giáo… làm sao đảm bảo được sự chặt chẽ, bài bản và đúng mục tiêu tổ chức ban đầu.
Chúng ta không nên chỉ vì thấy có một số ý kiến cho rằng cuộc thi còn mang tính chất phô trương, hình thức hay chạy theo thành tích mà bỏ đi, như vậy sẽ làm mất đi cơ hội được phát triển của các em có năng lực”.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đặc biệt nhấn mạnh, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học là một sân chơi trí tuệ nhằm khuyến khích và tôn vinh, biểu dương những những ý tưởng sáng tạo của học sinh; giúp các em hình thành và phát triển tư duy khoa học, sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống; Là con đường quan trọng giúp phát triển năng lực của các em học sinh theo đúng định hướng mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra.
Đồng thời, cuộc thi cũng là nguồn động lực thúc đẩy đổi mới nhận thức, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo và năng lực thực hành trong dạy học, là nền tảng để đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong thế hệ trẻ, góp phần định hướng nghề nghiệp tương lai sau này của các em học sinh.
Để đảm bảo cuộc thi đi đúng hướng, điều quan trọng chính là ở cách tổ chức chặt chẽ, bài bản. Trong đó, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, thầy cô giáo phải xem đây là một hoạt động bình thường để tạo cơ hội, điều kiện cho học sinh có cơ hội trải nghiệm và phát huy năng lực của mình; không đặt nặng mục tiêu thi thố để đạt giải, chạy theo thành tích, đòi hỏi quá cao về trình độ các sản phẩm/dự án dẫn đến những tác dụng ngược.
“Nếu tổ chức không khéo, chúng ta rất dễ vô tình hình thành cho học sinh sự dối trá, dựa dẫm vào việc sao chép, đạo văn,... như vậy sẽ đi ngược lại với mục tiêu ban đầu là khơi dậy ý tưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh”, người đứng đầu ngành giáo dục Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, giáo viên có trách nhiệm phát hiện và khuyến khích những ý tưởng sáng tạo khoa học của học sinh, động viên khích lệ các em mạnh dạn triển khai. Thầy cô giáo chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng các em hoàn thiện sản phẩm từ các ý tưởng sơ khai ban đầu, chứ không phải thay các em thực hiện toàn bộ dự án để tranh giải.
“Xuất phát từ hiệu quả tích cực do cuộc thi mang lại, tôi cho rằng phải tổ chức thì mới tìm ra được nhân tài, không tổ chức thì lấy đâu ra nhân tài? Trong hàng ngàn em học sinh tham dự, chúng ta chọn ra được một vài thí sinh tài năng - đây đã là một thành công lớn, và đóng góp thiết thực cho quốc gia rồi!”
Tại hội nghị tổng kết 10 năm cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết Bộ có kế hoạch tạm dừng tổ chức cuộc thi; tuy nhiên sau khi nghiên cứu chương trình mới Giáo dục phổ thông 2018 và ý kiến góp ý của các đơn vị, nhận thấy rằng việc tổ chức cuộc thi mang lại nhiều ý nghĩa, trong đó có tác dụng lớn trong việc phát triển năng lực học sinh - điều này phù hợp với định hướng chương trình mới; do vậy, cuộc thi đã được tiếp tục triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Thừa Thiên Huế là tỉnh có truyền thống tham gia nhiều hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật. Năm học 2011-2022, khi Việt Nam lần đầu tiên tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF được tổ chức tại Hoa Kỳ (Mỹ), Huế là địa phương có đoàn học sinh trực tiếp tham gia đấu trường quốc tế. Năm 2020, Huế cũng là đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Năm 2022, Huế tiếp tục được chọn là nơi tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.