Không nhiều GV chọn học tiến sĩ theo Đề án 89 dù được hỗ trợ 13-20 triệu/năm

16/07/2023 06:33
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mức kinh phí hỗ trợ cho GV đi học tiến sĩ theo Đề án 89 dồi dào nhưng vẫn chưa thể khẳng định đã thực sự đủ sức hút hay chưa.

Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030" (gọi tắt là Đề án 89) đặt mục tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài có uy tín, đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới;...

Khắc phục một trong những hạn chế mà Đề án 911 từng gặp phải, Đề án 89 được ghi rõ là tăng mức đầu tư cho đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đáp ứng đủ chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành, thí nghiệm, thực tập và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

Thế nhưng, dù đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 18/01/2019, đến nay, giảng viên có nguyện vọng đào tạo tiến sĩ theo Đề án 89 chưa thể đi học.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, kinh phí hỗ trợ cho giảng viên đi làm nghiên cứu sinh theo Đề án 89 dồi dào nhưng vẫn kén người đi học.

Cụ thể, thầy Điền cho biết, năm 2022 và 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội lập danh sách giảng viên đi học tiến sĩ theo Đề án 89, tổng số là 22 người. Tất cả các giảng viên này đều có nguyện vọng làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Đại học Bách khoa Hà Nội).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Đại học Bách khoa Hà Nội).

“Tôi đánh giá, tổng số giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội đi học theo Đề án 89 không cao. Bởi vì, các giảng viên đều có sẵn mối quan hệ với giáo sư, phó giáo sư ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản,… nên nếu có điều kiện làm nghiên cứu sinh, họ thường sẽ chọn học bổng, đề án, dự án của các nước đó.

Những năm gần đây, khoảng 80% giảng viên của trường học xong tiến sĩ ở nước ngoài đều trở về nước, chỉ có 20% giảng viên đi học ở nước ngoài chậm hoàn thành luận án”, thầy Điền chia sẻ.

Thầy Điền cũng cho biết thêm, thời gian mà giảng viên bắt đầu đi học tiến sĩ ở nước ngoài theo Đề án 89 sẽ dựa trên việc phê duyệt kinh phí và danh sách giảng viên đủ điều kiện đào tạo tiến sĩ, có thể vào cuối năm 2023 hoặc từ đầu năm 2024, giảng viên có thể đi học.

Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội, việc kết nối với các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu ở nước ngoài để gửi giảng viên đi làm nghiên cứu sinh không phải vấn đề khó. Tuy nhiên, giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài còn phụ thuộc vào thời điểm mà đơn vị đào tạo tiếp nhận giảng viên đến làm nghiên cứu sinh.

“Đề án 89 là “kênh” rất tốt trong việc tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục đại học. Mức hỗ trợ cho mỗi giảng viên đi học theo đề án là tương đối, đủ điều kiện để nghiên cứu sinh học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định mức hỗ trợ kinh phí của Đề án 89 đã thực sự đủ sức hút hay chưa.

Từ khi được ban hành, việc triển khai Đề án 89 cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do vậy, có thể nói, năm 2023, khi tình hình xã hội ổn định trở lại, Đề án 89 mới được áp dụng đối với đội ngũ giảng viên đi học tiến sĩ đầu tiên”, thầy Điền chia sẻ.

Sau thời gian dài để thực hiện các đề án như 322, 911 đã đóng góp nhiều trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên cho các trường đại học, học viện. Do đó, theo thầy Điền, việc Đề án 89 tiếp tục hướng tới phát triển chất lượng đội lực giảng viên là việc rất đáng làm, nên làm. Tuy trong thời gian đầu thực hiện có thể chưa thực sự tạo ra sức hút quá lớn nhưng dần dần sẽ xây dựng được thành quỹ kinh phí làm giải pháp cho các trường đại học trong đào tạo nguồn giảng viên chất lượng cao.

Thầy Điền cũng cho hay, có những trường, viện nghiên cứu ở nước ngoài có học bổng, không thu học phí đối với đào tạo tiến sĩ. Do đó, việc phân bổ kinh phí hỗ trợ giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài như thế nào còn là vấn đề đang chờ được giải đáp.

Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Anh – Ủy viên Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Mỏ - Địa chất, cho biết, nhà trường đã lập danh sách giảng viên đi học tiến sĩ theo Đề án 89 và đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

“Các giảng viên có trong danh sách chọn học tiến sĩ ở số trường, học viện, viện nghiên cứu ở cả trong nước và nước ngoài.

Theo tôi, mức hỗ trợ kinh phí cho giảng viên đi học tiến sĩ theo Đề án 89 ở trong nước từ 13-20 triệu/năm/giảng viên là không đủ”, thầy Ngọc Anh chia sẻ.

Cùng chia sẻ với phóng viên, phó hiệu trưởng một trường đại học ở Huế cho biết, cán bộ giảng viên đã rất hào hứng chờ đợi Đề án 89 có sự đột phá, dần loại bỏ được những rào cản của các đề án trước, nhưng sau khi nghiên cứu kỹ lại không có nhiều người mặn mà.

“Nhà trường chưa có giảng viên nào đi học theo Đề án 89. Ngoài ra, trường tuyển sinh 3 chương trình đào tạo tiến sĩ đối với người tham gia học theo Đề án 89 nhưng cũng chưa có ai đăng ký”, phó hiệu trưởng chia sẻ.

Chỉ ra một số bất cập của Đề án 89 đối với cả người học và cơ sở đào tạo tiến sĩ, theo vị này, Đề án 89 có nhiều ràng buộc và thủ tục phiền hà nên ít người đủ tiêu chuẩn tham gia. Đề án đã tăng kinh phí cho việc đào tạo tiến sĩ trong và ngoài nước đáp ứng chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hành, thí nghiệm, thực tập và công bố kết quả trên các tạp chí uy tín. Nhưng mức hỗ trợ này vẫn chưa hấp dẫn bằng các chương trình học bổng nước ngoài khác.

“Có trường hợp giảng viên đủ điều kiện nhận hỗ trợ để đi học tiến sĩ theo Đề án 89 nhưng lại chọn làm nghiên cứu sinh bằng học bổng khác do được hỗ trợ chi phí cao hơn và không có sự ràng buộc", vị này chia sẻ.

Thông tư 30/2022/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030 quy định:

Với giảng viên làm tiến sĩ theo Đề án 89 ở trong nước, mức chi dự kiến như sau:

Học phí nộp cho các cơ sở đào tạo ở trong nước, không vượt quá khung học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí để người học thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước từ 13 - 20 triệu đồng/năm trong thời gian không quá 4 năm. Trong đó:

- Nhóm ngành Y dược: 20 triệu đồng/người học/năm;

- Nhóm ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; nông, lâm, thủy sản, thể dục thể thao, nghệ thuật: 18 triệu đồng/người học/năm;

- Nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác: 13 triệu đồng/người học/ năm.

Với giảng viên được cử tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ và thạc sĩ toàn thời gian ở nước ngoài, các nội dung hỗ trợ bao gồm: Học phí và các khoản liên quan đến học phí: Tối đa không quá 25.000 USD/năm học. Trường hợp học phí cao hơn 25.000 USD/năm học, mức chênh lệch cao hơn do người học tự chi trả hoặc do cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi học chi trả theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Ngọc Mai