Kiểm tra định kỳ cấp nào ra đề là phù hợp nhất?

18/03/2024 06:42
NGUYỄN THẾ TRUNG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc Phòng đứng ra ra đề có nhiều bất cập bởi thực tế không có đủ chuyên viên để ra đề một số môn học liên quan đến thi cử chứ chưa nói đến tất cả các môn học.

Hiện nay, việc ra đề kiểm tra định kỳ (kiểm tra giữa học kỳ và cuối học kỳ) chủ yếu là đề kiểm tra cuối kỳ đối với những lớp cuối cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thường do sở giáo dục và đào tạo ra đề nhằm nắm bắt chất lượng ở các nhà trường và cũng là cách để học sinh ở các trường làm quen với cấu trúc đề tuyển sinh 10 và đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Việc Sở ra đề sẽ có nhiều thuận lợi bởi đa phần mỗi môn học có 1 chuyên viên phụ trách nên họ có kiến thức chuyên môn về môn học để ra đề. Hơn nữa, việc Sở ra đề sẽ góp phần đánh giá đúng chất lượng giảng dạy ở các nhà trường vì yếu tố tiêu cực (nếu có) được hạn chế ở mức tối đa.

Bên cạnh đề của Sở, một số địa phương cấp phòng giáo dục và đào tạo cũng ra đề cho các trường trung học cơ sở ở một số khối lớp- nhưng không nhiều. Việc Phòng đứng ra ra đề có nhiều bất cập bởi thực tế không có đủ chuyên viên để ra đề một số môn học liên quan đến thi cử chứ chưa nói đến tất cả các môn học.

gdvn-dektthanhbinh-9760.jpg
Một đề Ngữ văn do phòng giáo dục và đào tạo ra từng gây xôn xao dư luận (Ảnh: CTV)

Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ có một chuyên viên phụ trách chung cho cấp học

Khác với phòng giáo dục trung học của sở giáo dục và đào tạo- nơi có tương đối đầy đủ các chuyên viên đảm nhận từng môn học cho cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thường, phòng giáo dục và đào tạo có lực lượng mỏng hơn. Chỉ có 1 chuyên viên phụ trách cấp mầm non, 1 chuyên viên phụ trách chuyên môn cấp tiểu học và 1 chuyên viên phụ trách chuyên môn cấp trung học cơ sở.

Hơn nữa, cấp tiểu học và trung học cơ sở thường có nhiều khối lớp hơn cấp trung học phổ thông. Trong khi, cấp trung học cơ sở- kể cả chương trình 2006 và chương trình 2018 đều có tới mười mấy môn học.

Trong khi, một chuyên viên phụ trách chuyên môn không đơn thuần chỉ có chuyên môn mà họ còn phải kiêm nhiệm nhiều mảng hoạt động khác. Vì thế, nếu Phòng ra đề kiểm tra định kỳ thì cũng chỉ có thể ra được 1 môn học đối với cấp Trung học cơ sở vì chỉ có 1 chuyên viên.

Vậy, một số địa phương mà cấp Phòng đảm nhận việc ra đề thì ai sẽ ra đề kiểm tra định kỳ chung cho cả huyện (thành phố)?

Hiện nay, mỗi môn học của từng cấp học luôn có 1 Hội đồng bộ môn (Hội đồng cốt cán) bao gồm 1 tổ trưởng và 1 tổ phó Hội đồng bộ môn cấp huyện (cụm) và các thành viên là các tổ trưởng chuyên môn môn học đó ở các nhà trường trên địa bàn.

Hội đồng bộ môn (chủ yếu là tổ trưởng và tổ phó) sẽ đảm nhận một số công việc chuyên môn liên quan đến môn học của mình.

Chẳng hạn như tập huấn chương trình cho giáo viên; tập huấn xây dựng ma trận đề kiểm tra; xây dựng các tiết thao giảng Hội đồng bộ môn hằng năm; tham gia đoàn thanh, kiểm tra chuyên môn các đơn vị cùng với phòng, sở khi được điều động…

Việc phòng giáo dục và đào tạo ra đề, tất nhiên phải nhờ cậy đến các tổ trưởng, tổ phó Hội đồng bộ môn. Trong khi, 2 vị này đồng thời cũng là tổ trưởng chuyên môn của 1 trường trên địa bàn.

Ở không ít địa phương, việc Phòng ra đề (thực chất là chỉ trên danh nghĩa) còn người ra đề vẫn là giáo viên (tổ trưởng) ở một vài trường học trong địa bàn. Bởi vậy, tính khách quan giữa các đơn vị trong cùng địa bàn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Có lẽ vì vậy, việc phòng giáo dục và đào tạo ra đề hiện nay thực ra rất ít, phần nhiều các lớp không phải là cuối cấp sẽ do trường ra đề; những lớp cuối cấp sẽ do Sở ra đề (chủ yếu là đề cuối học kỳ).

Bởi, ngay cả khi Sở ra đề, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy những sai sót và có cả tình trạng lộ đề mà báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh. Vì thế, việc ra đề kiểm tra định kỳ ở các địa phương hiện nay vẫn chủ yếu là các nhà trường và cấp Sở.

Phòng giáo dục và đào tạo do thiếu nhân lực nên rất hiếm địa phương ra đề kiểm tra định kỳ cho các trường trực thuộc. Và, việc phòng giáo dục và đào tạo không đảm nhận việc ra đề kiểm tra định kỳ cũng là điều phù hợp với thực tế.

Đề kiểm tra định kỳ, cấp nào ra là phù hợp hơn cả?

Bản thân người viết cho rằng nếu có đủ nhân lực, phòng giáo dục và đào tạo ra đề kiểm tra cuối mỗi học kỳ cho cấp tiểu học và trung học cơ sở là khách quan hơn cả. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay, tình trạng dạy thêm, học thêm đang diễn ra tràn lan ở khắp nơi thì đề của Phòng cũng hạn chế được những bất cập trong kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của các nhà trường.

Thế nhưng, với biên chế cho phép như hiện nay thì phòng giáo dục và đào tạo không nên ra đề kiểm tra định kỳ vì nếu ra thì Phòng phải điều động giáo viên ở các nhà trường. Một khi điều động giáo viên ở các nhà trường tính khách quan sẽ không còn được đề cao mà nhiều khi xảy ra sai sót, sự cố dẫn đến phòng giáo dục và đào tạo còn mang tiếng và ảnh hưởng theo.

Chẳng hạn, đề kiểm tra cuối kỳ môn Ngữ văn 8 ở học kỳ I, năm học 2023-2024 này tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp khi Phòng điều động một số giáo viên ở một số đơn vị cơ sở tham gia ra đề nhưng ngữ liệu phần đọc hiểu không phù hợp đã dẫn đến dư luận không tốt.

Sau sự cố này, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Bình phải vào cuộc, phòng giáo dục và đào tạo cũng bị liên lụy mà những giáo viên ra đề cũng bị ảnh hưởng, bị kiểm điểm khi để xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Vì thế, người viết cho rằng với hướng dẫn hiện nay, mỗi năm học, mỗi khối lớp sẽ có 4 bài kiểm tra định kỳ (2 bài giữa kỳ và 2 bài cuối kỳ). Tốt nhất là Sở ra 2 đề cuối kỳ (cuối kỳ I và II) cho lớp 9 và lớp 12 đối với một số môn nhiều tiết, có yếu tố dạy thêm và sẽ thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đối với các môn còn lại của 2 lớp cuối cấp và những khối lớp khác thì nên giao cho các nhà trường để các tổ chuyên môn tự ra đề, tự chịu trách nhiệm. Việc trường ra đề sẽ sát với các đối tượng học sinh của trường mình và cũng là cách giao quyền tự chủ chuyên môn cho các trường học.

Nếu có tiêu cực, gian lận, bệnh thành tích thì cuối cấp- khi thi đầu ra sẽ ảnh hưởng đến uy tín của mỗi nhà trường và giáo viên giảng dạy. Lúc đó, các cấp quản lý sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về chất lượng giảng dạy ở các nhà trường để có những định hướng cần thiết cho phát triển giáo dục.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN THẾ TRUNG