Tại sao kiểm tra định kì nên do sở, phòng giáo dục và đào tạo ra đề thi chung?

12/03/2024 09:12
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giáo viên có kiến thức bộ môn vững vàng, hiểu rõ, nắm được “sợi chỉ đỏ” của chương trình, có năng lực, phẩm chất sư phạm tốt mới ra được đề đúng và hay.

Chuyện kiểm tra định kì theo đề chung cả huyện, cả tỉnh thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Có ý kiến cho rằng, kiểm tra định kì nên thực hiện theo đề chung cả huyện với cấp trung học cơ sở, cả tỉnh với cấp trung học phổ thông.

Thực tế hiện nay, có nhiều địa phương đã và đang thực hiện chung đề kiểm tra định kì (chủ yếu là cuối kỳ) trên phạm vi huyện/tỉnh ở một số khối lớp, môn học, như: Bắc Ninh, Bình Dương, Bến Tre, Bình Phước...

Ví dụ, tại tỉnh Bắc Giang, kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2023 - 2024 có 9 môn (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Giáo dục công dân) ở lớp 9 và lớp 12 do Sở ra đề.

Lớp 12 học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang ra đề 7 môn (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).

Kiểm tra định kì theo đề chung, do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề là thực hiện đúng Thông tư liên tịch Số: 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Khoản 7 Điều 2 Thông tư liên tịch Số: 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ghi rõ:

“Hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở, các Phòng Giáo dục và Đào tạo về thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, quy chế chuyên môn, việc thực hiện chính sách đối với người học, các điều kiện đảm bảo của các cơ sở giáo dục công lập; công tác tuyển sinh, thi, xét duyệt, cấp văn bằng, chứng chỉ, kiểm định chất lượng giáo dục; công tác phổ cập giáo dục, chống mù chữ, xây dựng xã hội học tập ở địa phương và các hoạt động giáo dục khác theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.[1]

Việc kiểm tra định kì theo đề chung sẽ giúp Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có được số liệu về mặt bằng chất lượng trong địa phương mình quản lý, từ đó có chỉ đạo chuyên môn phù hợp.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, chỉ cần Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn hướng dẫn, đề kiểm tra định kì nên để cơ sở giáo dục tự lo, giao quyền tự chủ cho nhà trường.

Từ thực tế, người viết thấy kiểm tra định kì theo đề chung của Sở, của Phòng làm nghiêm túc sẽ đảm bảo khách quan hơn, khi sử dụng đề của cơ sở giáo dục vì lý do sau:

Thứ nhất, thực tế qua công tác thanh kiểm tra chuyên môn người viết từng tham gia, thấy đề kiểm tra của trường ra còn nhiều “sạn”, chất lượng đề thấp.

Trong lúc đó, đề chung của Sở, của Phòng, thường do giáo viên cốt cán ra, tổ bộ môn phản biện đầy đủ, nên chất lượng đề tốt hơn.

Thứ hai, đảm bảo tính khách quan trong giáo dục, trong số liệu thống kê. Giáo viên vừa dạy chính trên lớp, vừa làm đề cương ôn tập, vừa dạy thêm do nhà trường tổ chức, có trường hợp thầy cô còn dạy thêm ở ngoài. Nếu vậy, giáo viên vừa ra đề, vừa chấm bài, một người đóng 5 vai, thì làm sao khách quan được.

Thực tế, không ít giáo viên ra đề kiểm tra xong mới làm đề cương ôn tập, vì vậy đề cương như thế nào thì đề kiểm tra như thế, từ đó điểm kiểm tra có thể cao nhưng không phản ánh đúng thực trạng dạy và học.

Thứ ba, đảm bảo tính công bằng trong kiểm tra đánh giá. Thực tế hiện nay, việc dạy thêm khó kiểm soát hiệu quả. Học sinh đi học thêm sẽ được giáo viên mớm đề, sửa đề, luyện đề … điểm sẽ cao; ngược lại, học sinh không có điều kiện đi học thêm điểm có thể sẽ thấp hơn.

Khi kiểm tra theo đề chung của Sở, Phòng, giáo viên không thể “mớm” đề, nên sẽ công bằng hơn.

Thứ tư, hạn chế một phần tiêu cực trong dạy thêm tràn lan. Ai cũng biết, điểm số bài kiểm tra là một trong những cái “roi” giáo viên lùa học sinh đến lớp học thêm.

Khi giáo viên không còn quyết định nội dung đề kiểm tra nữa, học sinh sẽ có thêm quyền lựa chọn, có thể học thêm giáo viên có năng lực hơn thay vì phải học thêm giáo viên dạy trên lớp.

Thứ năm, có lợi cho học sinh. Kiểm tra định kì theo đề chung của Sở, Phòng, giáo viên không thể “mớm” đề, muốn học sinh có điểm số cao, chất lượng cao, giáo viên chỉ còn cách dạy tốt hơn, nhiệt tình hơn, tìm ra biện pháp giáo dục tốt hơn, phù hợp hơn với học sinh của mình.

Thứ sáu, khi kiểm tra định kì theo đề chung sẽ giảm được một phần không nhỏ công việc của chính giáo viên bộ môn với nhiệm vụ làm ma trận, đáp án ….

gdvn-anh-minh-hoa-anh-hoai-an-8123-9698.jpg

Vậy làm sao phát huy được những ưu điểm khi thực hiện kiểm tra định kì theo đề chung cho cả huyện, tỉnh? Từ thực tế, người viết có một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, cần làm ma trận đề chặt chẽ, chi tiết, phản ánh đúng, đủ yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của bộ môn. Ma trận đề nên công khai cho giáo viên, học sinh, phụ huynh biết và giám sát.

Thứ hai, nội dung đề kiểm tra phải đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục, tính nhân văn, bám sát chương trình, có đầy đủ các mức độ nhận thức và có tính phân loại.

Thứ ba, đề kiểm tra phải đảm bảo đánh giá được phẩm chất, năng lực người học, có như thế mới định hướng được phương pháp dạy học cho giáo viên bộ môn, phương pháp học cho học sinh.

Tránh dạng đề hàn lâm, học thuộc, học vẹt, để học sinh, giáo viên không còn đoán đề, tủ đề như trước đây.

Thứ tư, phải có thù lao phù hợp cho người ra đề, cùng với đó có hình thức kỉ luật cụ thể, nếu đề ra có “sạn”, sai kiến thức cơ bản hay thiếu dữ kiện để học sinh làm bài.

Thứ năm, cần làm đáp án, biểu điểm chấm cụ thể, chi tiết về nội dung năng lực, phẩm chất cần đạt để giáo viên thấy được học sinh chưa đạt nội dung nào trong bài, có nhận xét về yêu cầu cần đạt trong sổ liên lạc, giúp học sinh biết để nội dung mình chưa đạt, từ đó có kế hoạch bổ sung kiến thức, kĩ năng...

Thứ sáu, yêu cầu giáo viên các cơ sở giáo dục ra đề kiểm tra theo ma trận, hướng dẫn của Phòng, của Sở; đề kiểm tra giáo viên ra coi như là đề kiểm tra đề xuất của cơ sở giáo dục, mang tính trách nhiệm cá nhân và tính trách nhiệm của tập thể bộ môn cơ sở đó.

Nội dung đề kiểm tra đề xuất sẽ là một tiêu chí khi xét giáo viên dạy giỏi, vì nội dung đề kiểm tra phản ánh một cách trung thực, khách quan, sinh động nhất về năng lực, phẩm chất của người ra đề.

Giáo viên bộ môn có kiến thức bộ môn vững vàng, hiểu được “sợi chỉ đỏ” của chương trình, có năng lực, phẩm chất sư phạm tốt mới ra được đề đúng, hay.

Đề kiểm tra định kì do các cơ sở giáo dục đề xuất sẽ công khai, trở thành nguồn học liệu của địa phương cũng như cho cộng đồng giám sát, sẽ hạn chế được nạn mua bán, xin cho đề kiểm tra hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-lien-tich-11-2015-TTLT-BGDDT-BNV-huong-dan-nhiem-vu-co-cau-to-chuc-So-Giao-duc-Dao-tao-275981.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh