Kiến nghị có hỗ trợ giáo viên biệt phái, ưu tiên bổ nhiệm vị trí quản lý sau này

28/08/2023 06:33
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo ĐBQH, biệt phái là giải pháp tình thế cho bài toán thiếu GV, góp phần hướng đến bình đẳng trong tiếp cận GD, cần chính sách hỗ trợ, ưu tiên bổ nhiệm sau này.

Biệt phái góp phần hướng đến bình đẳng trong tiếp cận giáo dục

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Bế Minh Đức - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho biết: “Qua trao đổi với một số phòng Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện biệt phái giáo viên, có thể thấy, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nguồn nhân lực của địa phương đào tạo cơ bản chưa kịp thời, dẫn đến thiếu giáo viên ở một số môn học theo yêu cầu, như Ngoại ngữ, Tin học. Một số huyện như Bảo Lạc và Bảo Lâm do địa bàn rộng, nhiều điểm trường, ít giáo viên nên không thể bố trí giáo viên dạy 2 môn này cho tất cả học sinh lớp 3 của huyện.

Ngoài ra, hiện nay, một số bộ môn khác vẫn còn thiếu giáo viên, nên chủ trương thực hiện biệt phái giáo viên là cần thiết để đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Thậm chí, hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, phải biệt phái giáo viên từ bên ngoài huyện về giảng dạy. Nhu cầu số lượng giáo viên biệt phái huyện Bảo Lạc (cần 9 giáo viên Tiếng Anh); huyện Bảo Lâm (cần 17 giáo viên Tin học và 19 giáo viên Tiếng Anh).

Biệt phái giáo viên là biện pháp tình thế của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Cao Bằng khi nguồn tuyển giáo viên chưa đáp ứng, rất ít người học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông ở địa phương có nguyện vọng trở thành giáo viên. Mặt khác, việc thu hút nguồn lực ngoại tỉnh cũng còn rất nhiều hạn chế.

Bên cạnh biệt phái, các huyện thiếu giáo viên cũng triển khai việc cho giáo viên dạy liên trường, cũng như sắp xếp lại mạng lưới trường lớp để đảm bảo chương trình”.

Đại biểu Bế Minh Đức - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Bế Minh Đức - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng. Ảnh: NVCC.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cũng chỉ ra, biệt phái giáo viên giúp giải quyết trước mắt tình trạng thiếu giáo viên, song vẫn gặp những khó khăn do các chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống sinh hoạt nơi công tác, các chính sách thu hút còn hạn chế, do địa hình di chuyển có nơi nhiều núi đá khó khăn hiểm trở, khoảng cách xa xôi, có những nơi vẫn còn chưa tiếp cận được điều kiện điện, nước...

“Vì vậy, mặc dù được phân công thực hiện nhiệm vụ biệt phái, có những nơi xây dựng lịch dạy một nửa thời gian ở trường chính, sau đó mới dồn tiết dạy ở điểm trường nhận nhiệm vụ. Nếu học sinh phải học liên tục thì chất lượng dạy và học, mức độ tiếp thu cũng hạn chế.

Mặt khác, giáo viên được cử biệt phái từ vùng I vào vùng III, chỉ được thêm phụ cấp vùng III, còn lương và các chính sách khác vẫn hưởng theo cơ sở giáo dục sở tại, nên việc di chuyển và đời sống sinh hoạt cũng rất khó khăn.

Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, Cao Bằng cũng chưa xây dựng được chính sách riêng động viên các thầy cô đi biệt phái yên tâm công tác và đảm bảo ổn định đời sống lâu dài” - vị đại biểu Quốc hội chia sẻ tích.

Liên quan đến biệt phái giáo viên, Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) cũng chia sẻ: “Thừa - thiếu giáo viên cục bộ đang trở thành một trong những khó khăn của không chỉ ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang, mà là thách thức chung trên địa bàn cả nước. Nhất là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, xuất hiện một số “môn học mới” hoặc có những môn mà học sinh được lựa chọn... đã khiến “bài toàn” thừa - thiếu giáo viên này trở thành một trong những vấn đề mà các địa phương phải tìm cách tháo gỡ.

Do đó, biệt phái giáo viên là một trong những giải pháp mà bản thân tôi rất đồng tình.

Biệt phái giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu cũng là một trong những giải pháp khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên. Đồng thời, đây cũng là cách để nâng cao chất lượng dạy học ở vùng khó, bởi không phải địa phương nào cũng có điều kiện thuận lợi để học sinh có thể tiếp cận với những dịch vụ giáo dục chất lượng.

Mặt khác, biệt phái giáo viên còn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và chuyên môn nghiệp vụ cho các thầy, cô giáo. Các thầy cô ở vùng thuận lợi hơn khi được biệt phái đến vùng khó khăn hơn cũng là cơ hội để đồng nghiệp trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

Như vậy, nhìn theo hướng tích cực, biệt phái giáo viên cũng góp phần hướng đến bình đẳng trong tiếp cận giáo dục”.

Cần có thêm chính sách hỗ trợ, ưu tiên bổ nhiệm vào vị trí quản lý để tạo động lực

Đại biểu Bế Minh Đức cho rằng: “Để giáo viên an tâm công tác ở vùng sâu, vùng xa, điều đầu tiên là phải đảm bảo ổn định về cuộc sống, về điều kiện công tác, cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ, từ việc đi lại đến ăn ở tại nơi được biệt phái đến.

Ngoài lương ở trường sở tại, cần có thêm các chính sách hỗ trợ để các thầy cô an tâm, đồng thời, thể hiện trách nhiệm lớn hơn trong thời gian giảng dạy ở nơi được cử đến. Có như vậy, vừa nâng cao được chất lượng giảng dạy, vừa nâng cao trách nhiệm của thầy cô giáo”.

Về lâu dài, Đại biểu Bế Minh Đức nhấn mạnh, vẫn phải có chính sách hỗ trợ cho các địa phương vùng đặc biệt khó khăn, để thu hút thêm nguồn nhân lực ngành giáo dục, đặc biệt giáo viên môn Ngoại ngữ, Tin học về công tác. Đồng thời, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đi lại là nhu cầu muôn thuở, đoàn Đại biểu Quốc hội cũng như cấp ủy chính quyền tỉnh Cao Bằng cũng thường xuyên kiến nghị để Nhà nước quan tâm hơn...

Đại biểu Châu Quỳnh Dao cũng phân tích thêm: “Mặc dù, biệt phái cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của thầy cô, phần nào gây ra sự lo lắng. Tuy nhiên, đã công tác trong ngành sư phạm, cũng có rất nhiều thầy cô xung phong, tình nguyện tham gia biệt phái. Do đó, quan trọng nhất là phải làm sao để lãnh đạo, nhà quản lý giáo dục làm tốt công tác tuyên truyền, làm cho đội ngũ giáo viên thấy được biệt phái không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của một nhà giáo”.

Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang. Ảnh: NVCC.

Với vai trò là Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Kiên Giang, Đại biểu Châu Quỳnh Dao cũng hiểu rõ, khi thực hiện nhiệm vụ gì, cũng cần cố gắng hướng đến dân chủ, bình đẳng.

“Công tác tuyên truyền làm sao để thầy cô hiểu được những khó khăn của ngành, cũng như các em học sinh ở những vùng còn nhiều khó khăn. Điều này theo tôi rất quan trọng.

Các nhà quản lý giáo dục phải công khai, xây dựng lộ trình luân phiên biệt phái theo các tiêu chí minh bạch, rõ ràng

Đồng thời, các chế độ chính sách cũng cần được quan tâm hơn nữa. Chẳng hạn, đối với những thầy cô thực hiện nhiệm vụ biệt phái, đã tâm huyết với nghề như vậy, sẵn sàng “chia lửa” với giáo dục vùng khó, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo năng lực chuyên môn... thì nên được xem xét trở thành tiêu chí ưu tiên trong việc quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí quản lý sau này. Đó vừa là một trong những nguồn động viên, khuyến khích rất lớn, vừa là sự ghi nhận đối với công lao, sự cống hiến của các thầy cô” - nữ đại biểu bày tỏ.

Kỳ vọng Luật Nhà giáo sẽ tháo gỡ được những vướng mắc hiện hữu

Đại biểu Châu Quỳnh Dao cũng chia sẻ thêm: “Qua theo dõi báo chí, tôi rất cảm phục những thầy cô đã xung phong tình nguyện tham gia biệt phái, mặc dù có thể hoàn cảnh của chính các thầy cô cũng đang còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn lựa chọn “đi theo tiếng gọi trái tim” đến với giáo dục vùng khó, thực sự rất đáng vinh danh.

Tuy nhiên, về cơ chế chính sách, thực sự vẫn còn những hạn chế, khó khăn đối với giáo viên biệt phái, như những thông tin được phản ánh trên báo chí trong thời gian qua.

Do đó, trong buổi gặp gỡ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên toàn ngành vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng rất tâm tư về vấn đề xây dựng, ban hành Luật Nhà giáo. Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách; việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời gian tới có thể sẽ mang lại cho chúng ta những chuyển biến tích cực về thể chế... Hy vọng, Luật Nhà giáo có thể quy định được tất cả những chế độ, chính sách hiện còn đang còn nhiều vướng mắc khiến thầy cô chưa thực sự yên tâm công tác, ví dụ, về khoản chi trả tiền lương dạy thêm giờ cũng như một số chính sách khác như một số giáo viên biệt phái phản ánh...”.

“Với tư cách một đại biểu Quốc hội, tôi cũng xin ghi nhận và tiếp thu những ý kiến phản ánh của các thầy cô và sẽ cũng đóng góp tiếng nói, gửi kiến nghị đến các cấp, ngành để có thể có sự điều chỉnh trong chế độ chính sách, làm sao tính đúng, tính đủ cho đội ngũ giáo viên, để thầy cô yên tâm gắn bó với ngành đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ được giao như tham gia biệt phái” - nữ đại biểu bày tỏ.

Mộc Trà