Kiến nghị tăng số lượng giải của hội thi KHKT để động viên, khuyến khích HS

01/12/2023 06:29
Phạm Hằng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sự chênh lệch về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ NCKH giữa các vùng miền, cơ sở GD dẫn đến tình trạng thiếu bình đẳng và người thiệt thòi chính là học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Đa số ý kiến đều ủng hộ những điểm mới của Dự thảo đã hướng đến sự điều chỉnh, bổ sung, cập nhật phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tình hình thực tế triển khai tại các cơ sở giáo dục hiện nay.

Nhiều ý kiến ủng hộ những điểm mới của Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ảnh minh hoạ: Phunuonline.com.vn

Nhiều ý kiến ủng hộ những điểm mới của Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ảnh minh hoạ: Phunuonline.com.vn

Nhiều thầy cô, chuyên gia đã có những đề xuất, góp ý để xây dựng cuộc thi trở thành sân chơi trí tuệ công bằng, ý nghĩa dành cho các em học sinh.

Cần khuyến khích hỗ trợ trường học trang thiết bị phục vụ nghiên cứu

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên, Trường Đại học Vinh khẳng định: Thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật là động lực giúp các em phát huy ý tưởng sáng tạo, phát huy khả năng quan sát, kích thích sự tò mò tìm hiểu về tự nhiên, xã hội; bước đầu biết áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn và làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học.

Thầy Trần Mạnh Hùng tán thành việc đổi tên từ “cuộc thi” thành “hội thi”, vì phần nào đã giảm bớt tính áp lực cho học sinh.

Đồng thời, ủng hộ việc bỏ 14 lĩnh vực dự thi và giữ lại 8 lĩnh vực như trong dự thảo thông tư mới. Vì trong 14 lĩnh vực được giảm tải đó, chứa nhiều kiến thức vượt quá sự hiểu biết và yêu cầu về mặt nhận thức của học sinh trung học.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Huế cho rằng, 8 lĩnh vực dự thi được giữ lại đã bám sát chương trình giáo dục của học sinh trung học. Từ những bài học trên lớp, các em có thể vận dụng kiến thức vào hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

Việc bỏ nội dung “Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học” và yêu cầu người hướng dẫn là giáo viên đang dạy tại các sở giáo dục trung học, thầy Nguyễn Văn Hùng cho rằng, điều này là hoàn toàn phù hợp bởi người hướng sẽ dẫn nắm vững chương trình giáo dục phổ thông, trực tiếp giảng dạy, định hướng, hỗ trợ học sinh.

Đồng thời, tham gia hướng dẫn đề tài cũng là cơ hội để giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, triển khai giáo dục trải nghiệm theo phương pháp giáo dục STEM.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Huế (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Huế (Ảnh: NVCC)

Mặt khác, việc bỏ nội dung “Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học” cũng sẽ phần nào khắc phục được tình trạng đề tài nghiên cứu “vượt tầm” học sinh trung học, ít gắn liền với kiến thức mà các em đã và đang được học trong nhà trường.

Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Văn Hùng, Dự thảo Thông tư vẫn nên có quy chế khuyến khích các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng hỗ trợ các trường trung học về mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc triển khai nghiên cứu, thực hiện đề tài.

Bởi mặt bằng chung về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ phục vụ nghiên cứu giữa các vùng miền, cơ sở giáo dục hiện nay đang khá chênh lệch. Nhiều nơi thiếu thốn, không đảm bảo điều kiện phục vụ nghiên cứu; trong khi một số nơi lại được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đầy đủ.

“Việc nghiên cứu, triển khai ý tưởng nghiên cứu khoa học, kỹ thuật không thể dựa hoàn toàn vào người hướng dẫn và học sinh, nhất là những đề tài, lĩnh vực có tính đặc thù cần trang thiết bị máy móc, kỹ thuật. Điều này dễ dẫn đến tình trạng thiếu bình đẳng giữa các vùng miền, cơ sở giáo dục, và người thiệt thòi lại chính là học sinh”, thầy Nguyễn Văn Hùng nêu quan điểm.

Xây dựng hệ tiêu chí đánh giá dự án của học sinh

Nhấn mạnh mục đích cơ bản của thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật là tìm kiếm ý tưởng mới và có khả năng áp dụng vào thực tiễn, thầy Trần Mạnh Hùng cho rằng, cần quy định các đề tài nghiên cứu về ứng dụng trong thực tiễn thì các mô hình không quá cồng kềnh, quá hoàn thiện gây ra sự tốn kém.

Thầy Trần Mạnh Hùng cũng đề cập tới quy định về thời gian nghiên cứu của dự án dự thi là không quá 12 tháng liên tục, trong khi các em vẫn phải hoàn thiện việc học tập, tham gia các hoạt động khác. Vì vậy, đối với những đề tài có kiến thức vượt quá sự hiểu biết của học sinh trung học, cần đánh giá mức độ % công sức của học sinh (có thể yêu cầu trình bày trong bản tóm tắt).

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Văn Hùng đề xuất cần xây dựng hệ tiêu chí để đánh giá sát, đúng về chất lượng dự án của học sinh. Trong đó, lấy học sinh và chương trình giáo dục phổ thông làm trung tâm để xác định dự án nào phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, vừa tầm nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.

Góp ý thêm cho Dự thảo Thông tư, thầy Trần Mạnh Hùng nêu ý kiến: Vì dự thảo giới hạn số lượng dự án dự thi (Sở Giáo dục và Đào tạo tối đa 3 dự án; trường phổ thông, đại học/trường đại học có trường trung học phổ thông chuyên tối đa 2 dự án) nên các dự án cũng sẽ được sàng lọc và lựa chọn kĩ lưỡng. Do đó, đề nghị tăng số giải lên thành 80% để động viên, khuyến khích các em dự thi.

Đồng thời, tỷ lệ xếp giải tính trên tổng số dự án dự thi theo từng lĩnh vực dự thi không quá 80%. Trong đó: huy chương Vàng không quá 10%; huy chương Bạc không quá 20%; huy chương Đồng không quá 50%.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Hùng đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có Giấy chứng nhận tham dự Hội thi dành cho các đề tài, dự án tham gia Hội thi nhưng chưa đạt giải. Đây sẽ là sự ghi nhận cho nỗ lực, cố gắng của học sinh, đồng thời là minh chứng lưu vào hồ sơ cho học sinh.

“Cần tạo sân chơi trí tuệ đúng nghĩa dành cho học sinh, tránh trở thành cuộc đua thành tích. Hãy để Hội thi vừa mang tính chất sân chơi trí tuệ, vừa như ngày hội để học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu các ý tưởng, dự án, sản phẩm đến với đông đảo mọi người. Từ đó, Hội thi sẽ tiếp tục khơi dậy, nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh”, thầy Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Phạm Hằng