Sở GDĐT, trường phổ thông đều ủng hộ lược bỏ 14 lĩnh vực ra khỏi hội thi KHKT

28/11/2023 06:33
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Bộ Giáo dục và Đào tạo lược bỏ 14 lĩnh vực tại cuộc thi KHKT giúp đảm bảo năng lực của học sinh và chất lượng của dự án.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư Quy chế Hội thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông. Nếu được thông qua, dự thảo Thông tư này thay thế Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư số 32/2017/TT-BGDĐT ngày 19 tháng 12 năm 2017.

Theo đó, dự thảo lược bỏ nội dung “khuyến khích cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học”; bỏ 14 lĩnh vực thuộc nội dung cuộc thi.

Bàn về những điểm mới này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Hữu Linh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hoàn toàn đồng ý với nội dung được nêu trong dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo thầy Linh, những điểm mới của dự thảo sẽ khắc phục được những hạn chế tại thông tư hiện hành, đánh giá được năng lực của học sinh cũng như đảm bảo phù hợp với nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Có thể nói, tại cuộc thi khoa học kỹ thuật khối trung học phổ thông, các đề tài nghiên cứu nhận được nhiều hỗ trợ từ các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện nghiên cứu. Tuy nhiên, việc bỏ nội dung này giúp học sinh thể hiện được khả năng, quan điểm và dần bộc lộ tài năng hơn là có sự tham gia giúp đỡ của người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu”, thầy Linh nhận định.

Thầy Trần Hữu Linh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: website trường.

Thầy Trần Hữu Linh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: website trường.

Đề cập đến việc lược bỏ 14 lĩnh vực trong dự thảo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kỳ Anh chia sẻ rằng: “Theo tôi, trước khi đề xuất lược bỏ nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những nghiên cứu, xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau. Mặc dù, 14 lĩnh vực đều là các lĩnh vực khoa học quan trọng nhưng đối với học sinh trung học phổ thông còn một số điểm chưa thực sự phù hợp.

Thứ nhất, các dự án nghiên cứu khoa học, kỹ thuật đòi hỏi quá trình nghiên cứu với trang thiết bị hiện đại nhưng tại một số cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở vật chất còn hạn chế, chưa đáp ứng được.

Thứ hai, sự hiểu biết về kiến thức khoa học của các em trung học phổ thông còn chưa nhiều để thực hiện nghiên cứu các đề tài, dự án liên quan đến 14 lĩnh vực này. Đồng thời, việc giảm bớt như vậy giúp các em có những nghiên cứu phù hợp với tình hình thực tiễn”.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An) thông tin, Sở triển khai cuộc thi theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến nay là 11 năm. Xác định được vai trò cuộc thi là góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng phương thức học tập mới vào nghiên cứu, Sở và các trường luôn tạo ra môi trường nghiên cứu thuận lợi cho học sinh và thầy cô hướng dẫn.

Vị Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An) nói: “Với điểm mới trong dự thảo, các dự án của học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, kỹ thuật sẽ gắn sát với việc vận dụng kiến thức đã học của học sinh vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn.

Đồng thời, dự án cũng là kết quả sau khi học sinh được học tập, trải nghiệm theo phương thức giáo dục STEM, theo dự án học tập. Trước đây, học sinh có thể tham gia ở nhiều lĩnh vực, cụ thể là 22 lĩnh vực nhưng thực tế một số lĩnh vực có kiến thức rộng, vượt sự hiểu biết của học sinh, dẫn đến việc nếu các em nghiên cứu sẽ phải tham khảo thông tin ở nhiều nguồn khác nhau, thậm chí cần nhiều đơn vị, người hướng dẫn hỗ trợ.

Tại dự thảo mới này, lĩnh vực của cuộc thi được thu hẹp, cụ thể còn 8 lĩnh vực gồm có: Toán; Vật lí và Thiên văn; Hoá học; Sinh học; Tin học; Kĩ thuật và Công nghệ; Khoa học Trái Đất và Môi trường; Khoa học xã hội. Các lĩnh vực này gắn liền với từng môn học, xoay quanh môi trường học tập, kiến thức mà học sinh được tiếp nhận giúp giải quyết các vấn đề gần gũi trong cuộc sống".

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An). Ảnh: NVCC.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An). Ảnh: NVCC.

Ông Dũng cho biết thêm, giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn giúp thúc đẩy học sinh hình thành ý tưởng cho dự án khoa học, kỹ thuật. Các em sẽ mất khoảng từ 1 năm, 2 năm thậm chí 3 năm để hoàn thành ý tưởng, thực hiện dự án và có kiểm chứng. Dự án tham gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật tại các cấp đều là sản phẩm gắn với quá trình học tập và lĩnh hội kiến thức.

“Dự án nghiên cứu của học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông lớn hay nhỏ đều thể hiện rằng các em đã áp dụng thành công phương thức giáo dục tích hợp vào học tập, giúp đánh giá được năng lực của học sinh, hiệu quả của giáo dục STEM, các dự án học tập nhằm nâng cao nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây được xem là một điểm cải thiện hơn so với thông tư hiện hành.

Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học có ý nghĩa rất lớn đối với giáo dục toàn diện và phát triển năng lực của học sinh, bám sát 3 mục tiêu chính của cuộc thi. Kể đến như khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết thực tiễn; góp phần đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra, đánh giá; tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, ban hành thay thế thông tư hiện hành nhằm đáp ứng việc thực hiện mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018, dự án của học sinh sẽ chủ yếu dựa vào kiến thức đã được học, đảm bảo phù hợp với học sinh. Do đó sẽ tạo niềm tin, sự tin tưởng của xã hội về các dự án nghiên cứu khoa học của học sinh, thể hiện tính trung thực và khách quan của cuộc thi”, ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Dự án khoa học, kỹ thuật của học sinh Trường Trung học phổ thông Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: NTCC.

Dự án khoa học, kỹ thuật của học sinh Trường Trung học phổ thông Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: NTCC.

Bày tỏ quan điểm về nội dung dự án đoạt giải trong những năm gần đây mang tính hàn lâm, “vượt sức” đối với học sinh trung học phổ thông, thầy Linh nói: “Đây là một trong những vấn đề hóc búa đối cho ban tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi càng ngày, chúng ta càng nhìn nhận rõ hơn về khả năng của đối tượng tham gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật.

Các câu hỏi liên tục được đặt ra như làm thế nào để các em thể hiện được đúng với khả năng của lứa tuổi thông qua các dự án nghiên cứu? Cuộc thi cần có sự quản lý như thế nào để đánh giá thực chất được khả năng của học sinh ở độ tuổi trung học cơ sở, trung học phổ thông?

Còn Trường Trung học phổ thông Kỳ Anh tổ chức cuộc thi dựa theo sự hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh thông qua việc tìm kiếm ý tưởng theo từng đơn vị lớp học, tổ chức cuộc thi cấp trường, lựa chọn đề tài tiêu biểu, xuất sắc, mang tính ứng dụng cao để dự thi cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Số lượng đề tài hàng năm của trường khoảng 40 đề tài, chủ yếu ở một số lĩnh vực như Khoa học máy tính, Kỹ thuật môi trường, Khoa học xã hội và hành vi…”

Để cuộc thi Khoa học, kỹ thuật được diễn ra công bằng, minh bạch và hiệu quả, thầy Linh đề xuất: “Để giám sát và đánh giá đúng về chất lượng dự án tham gia cuộc thi cũng như năng lực của học sinh, ban tổ chức cần có tiêu chí đánh giá, thực hiện quá trình giám sát rõ ràng, chứng minh được đề tài này không có sự hỗ trợ của cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng hay người có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Đây là một vấn đề không phải dễ đối với ban tổ chức”.

Thảo Ly