Kiến thức trong sách toán hiện hành quá tải đã là gì so với dạy thực tế?

28/12/2019 06:28
Phan Tuyết
(GDVN) - Ngành giáo dục vẫn ra đề thi bậc tiểu học theo Thông tư 22 bám theo ma trận đề theo 4 mức độ như hiện nay thì học sinh tiểu học còn phải điên đầu khi học toán

Câu nói: "Giáo dục toán học ở phổ thông hiện hành, nhất là với tiểu học, là quá tải và rất nặng.

Ông Đỗ Đức Thái (người cầm mic) cho rằng, sách Toán hiện hành ở bậc phổ thông, đặc biệt với tiểu học, quá nặng. (Ảnh: Thùy Linh)
Ông Đỗ Đức Thái (người cầm mic) cho rằng, sách Toán hiện hành ở bậc phổ thông, đặc biệt với tiểu học, quá nặng. (Ảnh: Thùy Linh)

Nó khó đến mức phải là những giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được" của ông Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới làm không ít người bức xúc và bàng hoàng.

Hóa ra suốt bao nhiêu năm nay, con trẻ phải chịu áp lực học hành kinh khủng đến thế sao?

Suốt bao nhiêu năm nay, trẻ không phải học mà là đang bị hành đến mất hết tuổi thơ vậy sao?

Nhưng vẫn không ít người lại tỏ ra thắc mắc, nghi ngờ: “Vậy tại sao, bao nhiêu năm nay ít khi chúng tôi nghe nói đến việc chương trình toán hiện hành quá tải với học sinh đến như vậy? (đương nhiên là những phát ngôn chính thống).

Và, quá nặng như thế (đến mức phải là những giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được, còn trình độ trung bình và khá thì đừng mơ nhé) nhưng tại sao học sinh ở các trường tiểu học năm nào cũng lên lớp gần 100%?

Kiến thức trong sách toán hiện hành quá tải đã là gì so với dạy thực tế? ảnh 2
Tiểu học ra đề kiểm tra thế này, học hay là hành con trẻ?

Tại sao chương trình khó đến như vậy nhưng học sinh lại ít bị thi lại mà vẫn lên lớp thẳng đều đều?...Học sinh của mình giỏi đến thế cả hay sao? (còn giỏi hơn cả những giáo sư nữa kia đấy(!).

Nghịch lý ở đâu?

Nếu xem lại các biên bản, các ý kiến nhận xét của giáo viên, của chuyên viên, của các báo cáo viên về chương trình sách giáo khoa hiện hành trước đây có lẽ cũng không thể tìm đâu ra những nhận xét về sự quá tải của chương trình đến mức như thế.

Từ ngày thay sách (chương trình cũ và chương trình hiện hành), giáo viên chúng tôi cũng đã dạy thử nghiệm, dạy thao giảng trường, liên trường, cụm trường biết bao nhiêu lần.

Dạy để lấy ý kiến góp ý về ưu điểm, về những tồn tại để chuyển lên cấp trên xem xét, có ý kiến điều chỉnh ngay từ khi chương trình cũ và chương trình hiện hành đưa vào áp dụng nhưng vẫn chỉ luôn là những câu nói làm đẹp lòng cấp trên: “Nội dung kiến thức phù hợp với mọi đối tượng học sinh…”.

Vì sao mãi đến ngày hôm nay, công luận mới được nghe câu nói chương trình không chỉ nặng mà là quá nặng được thốt ra từ một trong những chuyên gia của ngành giáo dục?

Phải chăng, sự thật đã được che giấu nay mới được phanh phui? Và nói ra lúc này để nhằm mục đích gì?

Sao không nói ra cách đây sớm hơn khi mới đưa chương trình vào áp dụng để những đứa trẻ thơ khỏi bị đày ải vì việc học như thế?

Phản ứng của độc giả

Có bạn đọc đã phải thốt lên: “Hỡi ông Đỗ Đức Thái? Cho dù thế nào thì ông cũng đừng chê bai những gì đã tồn tại 16 năm nay. Biết đâu sách của ông chỉ vài năm sau cũng bị chê nặng hơn thì sao?”

“Cứ mỗi lần thay sách giáo khoa là lần sau luôn tìm cách chê, nói xấu ban biên tập lần trước... Lần sau có đổi mới nữa.... Ông cũng bị người sau chê....”.

“Nếu soạn sách Toán như thế, với một khối lượng kiến thức lớn và cao thì nỗi sợ Toán vẫn còn ám ảnh các thế hệ học sinh! Có lẽ mời mấy Giáo sư, Tiến sĩ soạn sách cho con cháu mình học trước.

Kiến thức trong sách toán hiện hành quá tải đã là gì so với dạy thực tế? ảnh 3
Tiểu học ra đề kiểm tra thế này, học hay là hành con trẻ?

Dạy mẫu cho giáo viên xem may ra sẽ nhận được nhiều góp ý bổ ích! Một giờ học toán là một giờ hãi hùng thì không nên!”

Thực tế giảng dạy thế nào?

Những kiến thức toán trong chương trình hiện hành nói là vừa sức cũng không phải vừa sức đối với nhiều đối tượng học sinh.

Nhưng nói là quá tải đến mức như ông Đỗ Đức Thái phát biểu thì chưa đến mức đó. Trong thực tế, những kiến thức ấy đã là gì so với những gì nhiều trường học hiện nay đang dạy cho học sinh?

Theo chỉ đạo chuyên môn, những kiến thức toán được trình bày trong sách giáo khoa chỉ là những kiến thức cơ bản mọi học sinh phải nắm được.

Thế nên, giáo viên phải dạy nâng cao cho học sinh khá giỏi. Cách dạy được chỉ đạo là vừa dạy lồng trong các tiết học chính khóa môn Toán, vừa dạy riêng ở các tiết học bổ sung.

Thế là nhiều trường học lấy kiến thức trong các cuốn sách dành cho học sinh giỏi, Violympic để dạy cho các em. Và trong các bài kiểm tra, đề thi những bài toán khó như thế liên tục xuất hiện.

Để học sinh làm được thì hằng ngày lên lớp, giáo viên phải giảng, hướng dẫn tỉ mỉ chi tiết, cho các em làm đi làm lại đến quen.

Làm ngày này, qua ngày khác đến thuộc lòng, nhuần nhuyễn và khi gặp lại những dạng toán ấy phần lớn học sinh chỉ làm theo thói quen đã được luyện tập chứ chẳng mấy em hiểu được căn nguyên vì sao phải làm như thế?

Điều này mới thật sự ám ảnh học sinh chứ không phải những kiến thức được trình bày trong sách giáo khoa như hiện nay.

Chương trình mới có còn tình trạng này không?

Môn Toán ở chương trình mới đang được các nhà biên tập sách quảng cáo là vừa sức, hấp dẫn, khơi gợi tình yêu toán học với học sinh.

Nhưng nếu ngành giáo dục của chúng ta vẫn giữ kiểu ra đề thi bậc tiểu học theo Thông tư 22 bám theo ma trận đề theo 4 mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao) như hiện nay thì học sinh tiểu học còn phải điên đầu khi học toán.

Và chắc chắn đến trường vẫn chỉ học toán và học toán miệt mài như hiện nay.

Phan Tuyết