Theo công văn của tỉnh Bắc Giang, lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học của tỉnh Bắc Giang sẽ do Đại học Sư phạm Huế đảm nhận và lớp được Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang khai giảng từ ngày 15/6/2019.
Kế hoạch lớp sẽ học 6 tuần x 5 ngày làm việc/tuần x 8 tiết = 240 tiết (từ ngày 15/6/2019 và kết thúc 30/7/2019) nhưng hiện nay lớp bồi dưỡng không đảm bảo việc giảng dạy liên tục như kế hoạch.
Sau khai giảng ngày 15/6/2019 lớp mới chỉ học được hai buổi và được học trở lại từ ngày 1/7/2019.
Lớp bồi dưỡng mới chỉ học được 2 buổi và tiếp tục học trở lại từ ngày 01/7/2019. Ảnh minh họa: Công Tiến |
Ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tại địa điểm mở lớp bồi dưỡng thăng hạng giáo viên tiểu học của tỉnh Bắc Giang (tại Trung tâm Thương mại - thể thao Lam Sơn thành phố Bắc Giang) được biết:
Lớp bồi dưỡng thăng hạng giáo viên tiểu học của tỉnh Bắc Giang có số lượng rất đông giáo viên theo học, ước tính dao động khoảng 100 - 200 người học và được chia thành hai lớp.
Theo công văn số 61-KH/TU ký ngày 20/12/2018, Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bắc Giang năm 2019. Mục bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, mở 3 lớp, với 300 học viên.
Lớp bồi dưỡng được tổ chức rất lỏng lẻo, người học thường tới lớp rải rác và tự động ra vào lớp.
Có một điều khiến phóng viên thấy rất lạ đó là: theo như văn bản của tỉnh Bắc Giang thì lớp học sẽ do Trường Đại học Sư phạm Huế đảm nhận nhưng giáo viên đứng lớp ngày 01/7/2019 giới thiệu là giáo viên một khoa của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Không chỉ vậy, hỏi các học viên của lớp phóng viên ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến cuốn giáo trình phô tô “toàn tập” các giáo viên tham gia lớp học “được” mua với mức giá 200 nghìn đồng cùng một số quy định về một số khoản chi phí khác.
Lớp học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học ở tỉnh Bắc Giang có khoảng hơn 100 người học và được chia làm 2 lớp. Ảnh: Công Tiến |
Giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II sẽ phải đóng một khoản kinh phí hơn 2 triệu đồng/khóa học. Điều này đã khiến nhiều giáo viên trong tỉnh băn khoăn, trăn trở.
Hiện nay, đón bắt được nhu cầu của giáo viên cần học các loại chứng chỉ cho việc thăng hạng giáo viên, hàng loạt trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên, Phòng, Sở Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ… đổ xô, lao vào liên kết, bắt tay nhau, liên tục gởi văn bản về các cơ sở giáo dục mời gọi, chiêu sinh.
Trước đó, để làm rõ hơn về những thắc mắc trên của đông đảo giáo viên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ:
Ông Vũ Đăng Minh cho rằng: “Khi được cơ quan nhà nước cử đi học thì được nhà nước bỏ chi phí đào tạo rồi nên không cần phải đóng tiền gì cả.
Còn nếu trường hợp cơ quan không cử đi nhưng giáo viên tự nguyện tham gia hoặc muốn tham gia mà cơ quan chỉ tạo điều kiện cho đi (tức là có công văn đề nghị) thì cơ quan không chịu kinh phí.
Kỳ lạ chuyện đào tạo thăng hạng giáo viên tiểu học ở Bắc Giang |
Trong trường hợp này, kinh phí học tập cá nhân phải đóng để chi trả chi phí đào tạo”.[1]
Như vậy có thể hiểu, trong trường hợp giáo viên được cử đi học thì không phải đóng tiền trả chi phí học tập, còn tự nguyện đi học thì phải đóng kinh phí học tập.
Theo ông Minh, việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ của giáo viên hay công chức, viên chức đã được quy định trong Nghị định 110 của Chính phủ. Luật Cán bộ, Công chức cũng quy định cán bộ, công chức được quyền học tập.
Tại Điều 80, Luật Giáo dục 2005 quy định việc Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ như sau:
“Nhà nước có chính sách bồi dưỡng nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ và chuẩn hóa nhà giáo.
Nhà giáo được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ”.
Dựa vào điều luật này, nhiều thầy cô trăn trở và cho rằng với những quy định như vậy thì việc học thăng hạng phải do nhà nước chu cấp kinh phí chứ không phải giáo viên tự bỏ tiền túi.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chanh-van-phong-bo-noi-vu-noi-ro-truong-hop-hoc-thang-hang-dong-khong-dong-tien-post199492.gd