Làm gì để chấm dứt việc học sinh bị giáo viên "ép" đi học thêm

26/01/2024 06:36
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà trường cần xây dựng ngân hàng đề kiểm tra, đề thi để giáo viên không có cơ hội "nhá đề, mớm đề" cho học sinh đi học thêm.

Việc dạy thêm, học thêm vẫn là câu chuyện khiến không ít gia đình, giáo viên quan tâm. Các ý kiến vẫn được chia theo 2 luồng. Một bên đồng tình việc cấm tuyệt đối việc dạy thêm, học thêm. Một bên thì cho rằng, học thêm là nhu cầu vì thế không nên cấm.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Chuyện học thêm và tâm tư người trong cuộc

Người viết có cháu gái cùng gia đình đã định cư tại Mỹ chia sẻ: “Do mới nhập trường nên 2 bé (đang là học sinh tiểu học) chưa kịp đáp ứng các yêu cầu học tập tại đây. Học lực của các bé đuối so với các bạn trong lớp. Cũng may, nhà trường thường xuyên phụ đạo cho 2 bé nên gia đình không bị áp lực nhiều”.

Cháu gái người viết cho biết, ở bang cháu ở, học sinh không phải đi học thêm tại nhà thầy cô hay vào các trung tâm học. Ở trường, học sinh yếu kém luôn có giáo viên dạy phụ đạo thêm cho đến khi theo được trình độ chung của cả lớp.

Mỗi lớp học nơi đây, có sĩ số 15 đến 20 học sinh nhưng có tới 2 giáo viên dạy chính trong lớp. Một giáo viên phụ trách ngoài hành lang. Mỗi tháng, nhà trường cho bài kiểm tra và xếp theo năng lực học tập từ trên xuống dưới. Kết quả sẽ được thông báo về từng gia đình.

Thông báo này để gia đình biết kèm thêm cho con ở nhà. Trên trường, con được một giáo viên khác dạy kèm vào một số giờ nhất định trong ngày đi học cho đến khi lực học của các con theo kịp các bạn mới thôi.

Qua chia sẻ, người viết nhận thấy, tùy vào từng bang, nhưng thường sẽ có 2 trường hợp học sinh phải học thêm. Thứ nhất là học sinh yếu, kém, không theo kịp mặt bằng chung của lớp. Trường sẽ phụ đạo tại trường hoặc cử giáo viên đến nhà dạy kèm thêm cho đến khi học sinh đó tiến bộ, theo kịp các bạn trong lớp thì nghỉ, không học thêm nữa. Trường hợp này được miễn phí.

Trường hợp thứ hai học sinh phải đi học thêm là những em có nhu cầu gia sư ngoài giờ học chính khóa để vào các trường top. Trường hợp này, học thêm phải đóng phí.

Qua câu chuyện trên cũng gợi cho người viết - một giáo viên tiểu học đã công tác hơn 30 năm nhiều suy nghĩ. Một lớp học của chúng ta hiện nay, ít cũng khoảng 30 đến 35 em (bậc tiểu học), 45 em bậc trung học.

Ở các thành phố lớn, mật độ dân số đông, sĩ số mỗi lớp có khi lên tới 50. Sĩ số đông cũng chỉ một giáo viên dạy. Cùng với đó, học sinh yếu kém cũng khó bị "lưu ban" vì giáo viên còn bị rằng buộc bởi chuyện chỉ tiêu. Vì thế, trong mỗi lớp, trình độ học sinh khá chênh lệch nhau.

Mỗi tiết học có 35 phút (bậc tiểu học) và 45 phút bậc trung học. Dù cố gắng, nỗ lực đến đâu, giáo viên cũng khó có đủ thời gian giúp từng nhóm học sinh có năng lực khác nhau đều hoàn thành yêu cầu tiết học.

Học sinh yếu muốn phụ đạo thêm kiến thức. Học sinh khá giỏi lại muốn nâng cao kiến thức. Tuy thế, phụ đạo và nâng cao kiến thức lúc nào?

Với học sinh yếu kém, dạy phụ đạo cho học sinh ở trường sẽ phải dạy sau khi giáo viên đã hoàn thành định mức tiết dạy theo quy định. Tuy thế, nhà trường chỉ có thể kêu gọi giáo viên dạy hỗ trợ (dạy miễn phí) vì không có kinh phí chi trả cho việc này.

Học sinh khá, giỏi muốn nâng cao kiến thức buộc phụ huynh phải tìm đến các lớp dạy thêm. Khi có cầu, ắt sẽ có cung, và dạy thêm học thêm đương nhiên sẽ khó chấm dứt.

Có thể cấm dạy thêm được không?

Hiện tại, việc dạy thêm, học thêm vẫn thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Cùng với đó, mỗi tỉnh thành cũng có những công văn quy định về việc dạy thêm, học thêm. Thế nhưng, những bức xúc về dạy thêm học thêm trong đó có việc "ép" học sinh tham gia là có thật.

Cách đây gần 20 năm, địa phương người viết công tác cũng làm rất ráo riết việc dạy thêm, học thêm. Ủy ban nhân dân xã, đại diện khu phố thường tổ chức đi tuần tra bất ngờ để bắt những điểm dạy thêm của giáo viên.

Giáo viên không dám dạy thêm nhưng nhiều gia đình vẫn muốn con được học thêm. Họ trả mức phí cao hơn để mời thầy cô về nhà dạy kèm riêng cho con mình.

Học sinh nơi địa phương tôi giảng dạy lúc đó không giáo viên nào dám mở lớp dạy thêm. Lúc đó, chúng tôi cũng nghĩ rằng khi thầy cô không dạy thêm, thì tình trạng học thêm sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, học thêm vẫn diễn ra. Chỉ có điều, người dạy không phải là giáo viên mà đó có thể là cán bộ, nhân viên một số ngành nghề khác ngày đi làm, tối về mở lớp dạy thêm ở nhà. Thậm chí, có học sinh cũng trở thành “thầy cô” giáo để đi làm gia sư tại nhà.

Giải pháp nào để quản lý việc dạy thêm, học thêm vào nền nếp?

Thực tế, không thể cấm triệt để dạy thêm nhưng cũng không nên để tình trạng dạy thêm học thêm biến tướng như hiện nay. Một thực tế cho thấy, ngoài những phụ huynh, học sinh có nhu cầu học thêm thì vẫn còn không ít phụ huynh dù không muốn cũng phải cho con đi học thêm vì sợ con bị đì, bị làm khó, bị đối xử không công bằng ở lớp.

Vậy giải pháp nào để vừa đáp ứng được nhu cầu học thêm và đưa việc dạy thêm vào nề nếp?

Thứ nhất, xử lý mạnh tay đối với những thầy cô dùng thủ thuật để ép, “lùa” học sinh đến lớp học thêm. Học sinh và phụ huynh sẽ là người nắm rõ nhất việc thầy cô giáo ấy dạy thêm trong sáng hay dùng "thủ thuật" để ép học sinh đi học.

Phụ huynh cần mạnh dạn có ý kiến với ban giám hiệu nhà trường (kèm theo những bằng chứng rõ ràng). Khi đã có đơn thư phản ánh chính danh thì ngành giáo dục ở nhiều địa phương luôn xử lý nghiêm khắc.

Thứ hai, mở thùng thư góp ý, tiếp nhận những phản ánh từ học sinh, phụ huynh trong vấn đề dạy thêm, học thêm. Cơ sở giáo dục cần cương quyết trong việc xử lý, có hình thức kỷ luật và nghiêm cấm những giáo viên vi phạm tiếp tục việc dạy thêm.

Thứ ba, nhà trường cần xây dựng ngân hàng đề kiểm tra, đề thi để giáo viên không có cơ hội "nhá đề, mớm đề" cho học sinh đi học thêm. Lúc đó, sẽ không còn những học sinh đi học thêm vì điểm số. Chỉ những học sinh thật sự muốn lấp lỗ hổng kiến thức hoặc muốn nâng cao hiểu biết mới có nhu cầu đi học thêm. Và dù không cần cấm thì việc dạy thêm, học thêm tràn lan, biến tướng như hiện nay cũng sẽ dần dần được chấm dứt.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên