Nhiều phụ huynh muốn nhưng cấm dạy thêm trong bối cảnh hiện nay là bất khả thi

28/11/2023 08:51
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc học thêm của học sinh ở nhiều khu vực đã trở thành trào lưu nên nhiều phụ huynh phải miễn cưỡng cho con em mình đi học thêm cùng bạn bè.

Câu chuyện cấm hay không cấm dạy thêm, học thêm đã được bàn luận khá nhiều trong những năm gần đây và nhiều lần được đại biểu Quốc hội nêu lên tại nghị trường.

Ngày 20/11 vừa qua, tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, câu chuyện dạy thêm, học thêm một lần nữa lại được đại biểu nêu ra.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đều đưa ra đề nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.

Từ những đề nghị này, có nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có những ý kiến không đồng tình nhưng rõ ràng việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Tình trạng học thêm của học sinh hiện nay khá phổ biến

Hiện nay, các cấp học phổ thông chỉ còn lớp 5, lớp 9, lớp 12 là đang còn học chương trình 2006, các lớp còn lại của 3 cấp học này đã học chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực cho người học.

Hai chương trình phổ thông khác nhau; có mục tiêu khác nhau, phương pháp giảng dạy, học tập khác nhau; cách đánh giá, xếp loại cũng khác nhau nhưng cả 2 chương trình đều có một điểm chung là học sinh đều phải học thêm.

Thực tế cho thấy, với hành lang pháp lý hiện nay, chúng ta thấy quy định về dạy thêm, học thêm còn nhiều chuyện đáng bàn, đặc biệt là khâu giám sát, quản lý chưa chặt chẽ, quy củ.

Ngày 16/5/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định dạy thêm, học thêm đã hướng dẫn: “Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”.

Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT cũng nêu nguyên tắc dạy thêm, học thêm: “Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh”.

Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là không có cơ quan cụ thể nào giám sát, quản lý được việc dạy thêm, học thêm ở ngoài nhà trường trong những năm qua. Chính vì thế, cấp học nào học sinh cũng đang phải đi học thêm và phần lớn đang học thêm với thầy cô dạy chính khóa của mình.

Nhiều thầy cô không dạy thêm vẫn hoàn thành chương trình học cho học trò ở trên lớp nhưng cũng nhiều thầy cô lí giải dạy trên lớp không đủ thời gian, học sinh không thể hiểu hết bài nên muốn hiểu bài, muốn giỏi thì phải học thêm.

Những ý kiến trái chiều về dạy thêm, học thêm thì có rất nhiều và đã bàn luận từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Chỉ thấy, học sinh vẫn phải đi học thêm như thường.

Càng trường chuẩn, trường lớn, trường uy tín ở các địa bàn, nhất là khu vực thị thành thì học sinh học thêm càng nhiều hơn.

Tất nhiên, việc học thêm ở nhà thầy cô giáo phải đóng tiền và số tiền học thêm hiện nay đang là số tiền lớn nhất trong chi phí học tập của phần lớn học sinh. Mỗi tháng học thêm của 1 môn có khi bằng học phí cả năm cho tất cả các môn học ở trường công lập. Thậm chí, cấp tiểu học không phải đóng học phí ở trường nhưng tiền học thêm của học sinh thì đang quá lớn.

Một khi chi phí học thêm quá cao khiến cho gánh nặng kinh tế của nhiều gia đình quá tải, nhất là những phụ huynh gặp khó khăn. Tuy nhiên, việc học thêm ở nhiều khu vực hiện nay đã trở thành phong trào nên nhiều phụ huynh phải miễn cưỡng cho con em mình đi học thêm cùng bạn bè.

Cấm dạy thêm trong bối cảnh hiện nay là bất khả thi

Mặc dù gần như phụ huynh nào đang có con đi học cũng đều không muốn con mình phải đi học thêm bởi con đi học thêm cũng đồng nghĩa sẽ phát sinh chi phí và nhiều khi phải đón đưa rất mất thời gian.

Bên cạnh đó, những học sinh có thể trạng yếu thì mỗi ngày phải học thêm 1-2 ca ở nhà thầy cô giáo khiến cho các em đuối sức vì áp lực học tập.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, không ít giáo viên đang dạy thêm đã tạo áp lực cho học trò chính khóa của mình bằng kiểu “gọi bất chợt, hỏi bất ngờ” khiến cho học sinh chới với, sợ hãi vì không trả lời được là bị giáo viên ghi vào sổ đầu bài, nhắc nhở trước lớp bằng những lời lẽ trịnh thượng.

Học sinh sợ giáo viên, miễn cưỡng đi học thêm với thầy cô của mình không hẳn là để nâng cao kiến thức mà đi học thêm để thầy cô ít tạo áp lực cho mình trong giờ học.

Thực tế, bản chất dạy thêm, học thêm không đáng ngăn cản, không xấu nếu như học sinh tự nguyện đi học và thầy cô dạy trên lớp nhiệt tình, đối xử bình đẳng giữa học sinh học thêm và không học thêm.

Hơn nữa, một số phụ huynh cũng tạo áp lực cho con em mình bằng cách động viên con đi học thêm vì thấy phụ huynh này nói thầy nọ, cô kia dạy thêm hay lắm. Phụ huynh muốn con đi học thêm để có thành tích, có tương lai vì ở nhà cũng chẳng làm gì, nhiều khi chỉ cắm cúi vào màn hình điện thoại.

Thế nhưng, dạy thêm, học thêm sẽ xấu khi có một bộ phận giáo viên ép buộc, lôi kéo, áp dụng chiêu trò giảng dạy trên lớp chính khóa để học sinh đến học thêm với mình.

Vì thế, khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đều đưa ra đề nghị đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học có những ý kiến trái chiều nhưng cũng có rất nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ.

Thực tế cho thấy, tình trạng dạy thêm, học thêm những năm qua và hiện nay đã xuất hiện tràn lan ở các cấp học và rất khó kiểm soát. Bên cạnh những mặt tích cực từ việc dạy thêm, học thêm sẽ cải thiện được chất lượng dạy và học ở các nhà trường thì nó cũng để lại nhiều hệ lụy.

Mối quan hệ, hình ảnh một số thầy cô giáo cũng dần mai một trong mắt phụ huynh, học trò vì quá xem trọng việc dạy thêm của mình. Bệnh thành tích trong giáo dục ngày một nhiều.

Một số trường học cũng xảy ra những xung đột, thị phi giữa những giáo viên dạy thêm và giáo viên không dạy thêm khi đề kiểm tra có dấu hiệu bị lộ, hoặc những học sinh đi học thêm nhưng khi kiểm tra học kỳ bị điểm thấp thì giáo viên dạy thêm đứng ra can thiệp…

Chấn chỉnh, thay đổi phương thức quản lý dạy thêm, xếp dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào quy củ, có quản lý từ phía cơ quan chức năng. Việc làm này cũng là cách bảo vệ hình ảnh người thầy đã và đang dạy thêm cho học trò.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN