Tán thành việc ban hành luật phí và lệ phí, tuy nhiên Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) - Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phải công khai minh bạch các loại phí và lệ phí, đồng thời phải quan tâm đến sự công bằng trong chính sách phí và lệ phí, bởi vì trong thực tiễn đã xảy ra thiếu công bằng.
“Tôi đề nghị phải hết sức quan tâm giải quyết được sự hài hòa giữa quyền lợi nghĩa vụ của người dân với trách nhiệm phục vụ nhân dân của nền hành chính, của cán bộ công chức.
Chúng ta phải tính đến yếu tố là khi nền kinh tế phát triển thì đồng nghĩa là người dân phải được hưởng lợi nhiều hơn, chứ không thể cung cấp bất cứ một dịch vụ nào cũng tính đến phí và lệ phí.
Tôi nghĩ rằng điều này rất phản cảm, không có lợi cho sự phát triển của đất nước”, bà Tâm nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM). ảnh: TTBC Quốc hội. |
Theo bà Tâm, nếu tư duy theo hướng này thì sẽ khắc phục được vấn đề “lạm thu, tận thu” mà dư luận nói rất nhiều trong thời gian qua, đồng thời cũng sẽ ngăn chặn được tình trạng “phí trồng phí”.
“Tôi đặc biệt đề nghị Nhà nước không được tính phí khi cung cấp dịch vụ công, còn nếu muốn xã hội hóa thì phải tách ra, không nên nhập nhằng, rất phản cảm và người dân hoàn toàn không đồng tình”, bà Tâm chỉ rõ.
Liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm, Đại biểu Tâm đề nghị phải xem xét, thảo luận theo nguyên tắc thống nhất các điều khoản nêu trong Hiến pháp và nghị quyết cũng như chủ trương của Đảng.
"Bỏ tử hình tham nhũng, xã hội sẽ loạn, nhân dân sẽ không tha cho chúng ta" |
Trên cơ sở đó, Đại biểu Tâm đề nghị Quốc hội cần phải quy định cụ thể danh mục phí và lệ phí áp dụng chung cho cả nước.
Khi có yêu cầu điều chỉnh, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.
Ý kiến này của bà Tâm nhận được sự ủng hộ của nhiều Đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở đó, luật này sẽ quy định theo hướng, một số phí và lệ phí quy định cụ thể, một số loại phí và lệ phí thì quy định khung tối đa và khung tối thiểu.
Từ đó luật này cần quy định HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quyền quyết định:
Một số khoản phí, lệ phí ngoài danh mục do Quốc hội quy định.
Hai là được quyết định mức thu cụ thể đối với một số phí, lệ phí mà Chính phủ quy định mức khung.
Ba là được quyết định miễn giảm đối với một số khoản phí, lệ phí.
“Tôi nghĩ rằng nếu luật này không phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước trung ương và chính quyền địa phương thì sẽ không phù hợp với điều 112 của Hiến pháp quy định, đó là chính quyền địa phương quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, chứ không phải là các văn bản dưới luật.
Hiến pháp quy định như vậy, tôi đề nghị luật phải chấp hành Hiến pháp một cách nghiêm túc”, ĐB Tâm nói.
Về danh mục phí và lệ phí, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ và ban soạn thảo tiếp tục rà soát, lắng nghe ý kiến người dân, bãi bỏ một số khoản phí và lệ phí không hợp lý, bỏ một số khoản phí, lệ phí có mức thu thấp, chi phí hành thu cao, công tác thu phức tạp, quản lý thu và sử dụng nguồn thu kém hiệu quả.
“Tôi lấy thí dụ việc thu phí sử dụng đường bộ trên đầu xe mô tô cần phải bãi bỏ, vì khoản phí này không được người dân đồng tình, lại còn hội tụ cả những yếu tố như không hợp lý, thiếu tính công bằng, khó công khai minh bạch, khó hiểu và khó thực hiện trong thực tiễn”, bà Tâm chỉ rõ.
Cuối cùng, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Quốc hội quan tâm tới vấn đề chuyển học phí sang cơ chế giá đối với cấp phổ thông, vì sẽ ảnh hưởng tới quyền được học tập của người dân đã ghi rõ trong Hiến pháp.
Bà Tâm nhấn manh: “Tôi đề nghị phải hết sức quan tâm tới vấn đề này, chứ không phải vì xã hội hóa mà đánh đồng mọi cái, làm mất cơ hội học tập của người dân, vi hiến là không được”.