Làm sao dẹp được biến tướng "đồng phục" trong trường học?

27/08/2023 06:43
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều phụ huynh đều cho rằng, đồng phục quần áo rất cần thiết, còn ba lô, cặp sách, vở viết, bảng con, bìa bao, nhãn vở, không nên quy định giống nhau.

Nói đến từ đồng phục, mọi người đều hiểu là nhiều người cùng mặc trang phục giống nhau, tạo nên sự đồng đều cho một đội nhóm, một cơ quan, tổ chức nào đấy.

Vì thế, đồng phục ở trường học cũng luôn được hiểu là tất cả học sinh của ngôi trường ấy, cùng mặc một bộ trang phục giống nhau.

Ngoài ra, quy định về đồng phục trong nhà trường còn mang một ý nghĩa nhân văn to lớn. Đồng phục học sinh sẽ giúp xóa đi mọi ranh giới, khoảng cách, phân biệt sự giàu nghèo giữa các em học sinh trong cùng một nhà trường, để các em dù gia đình khó khăn cũng tự tin hòa đồng cùng tất cả các bạn. Các học sinh xích gần nhau hơn và học học tập được tốt hơn.

Tuy nhiên, theo thời gian, từ “đồng phục” trong nhà trường hiện nay, đã không còn chỉ về những bộ trang phục giống nhau của học sinh trong trường mà đã được “biến tướng’ qua nhiều thứ khác. Nào là cặp sách, ba lô, bút, hộp màu, thậm chí từng chiếc nhãn vở, cái bìa bao sách vở… cũng phải một kiểu y chang nhau của cả lớp, cả trường.

Sự biến tướng của từ ‘đồng phục”

Mới đây, một số phụ huynh có con học bậc trung học phổ thông tại một trường ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bức xúc đưa lên mạng thông tin:”Ba lô phải là ba lô đồng phục. Ba lô không có lô gô trường, bảo vệ không cho vào”. Sau đó, lãnh đạo trường này trả lời báo chí khẳng định, hoàn toàn không có chuyện ép buộc mua ba lô đồng phục, đồng phục phải mua theo đủ bộ như thông tin mạng xã hội nêu. Trước khi bắt đầu làm thủ tục nhập học cho học sinh, trường đã triển khai rất rõ các quy định cho các thầy cô, giáo viên trong trường nắm rõ. Thế nhưng, trong quá trình triển khai và tư vấn cho phụ huynh, học sinh, có một nhân viên của trường đã truyền đạt thông tin sai với chủ trương của trường.

Tiếp đó là câu chuyện, một phụ huynh tại An Giang "tố" nhà trường ép mua vở in hình cổng trường cho học sinh lớp 1, với giá cao gấp đôi bên ngoài.[1] Những điều này dấy lên những băn khoăn về chuyện "đồng phục" trong nhà trường.

Thực tế, người viết từng được nhiều phụ huynh chia sẻ thông tin, có lớp, giáo viên cũng quy định từng cái bìa bao, cái nhãn vở của từng cuốn sách, cuốn vở, cây bút… của mỗi học sinh phải giống y chang nhau. Đã có những phụ huynh mua không đúng màu, bìa bao mỗi loại vở không như quy định và đã phải xé bỏ đi mua cái khác. Điều này, không chỉ tốn kém về tài chính mà còn làm mất nhiều thời gian của phụ huynh.

Mỗi cuốn vở quy định một màu (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Mỗi cuốn vở quy định một màu (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Thế nên, nhiều người đã phải mua tại trường học hoặc mua tại một địa chỉ do giáo viên giới thiệu.

Chị Minh Nguyệt, có con vào lớp 1 tại một trường tiểu học ở phía Nam chia sẻ: “Nhận được thông báo của nhà trường về việc chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho con mà thấy buồn vì tôi đã chuẩn bị trước rồi. Tuy nhiên, nó không giống như quy định của nhà trường nên giờ phải bỏ đi hết để chuẩn bị lại”.

Nói rồi chị Minh Nguyệt kể, trước đó tranh thủ thời gian rảnh nên gia đình đã mua bảng con, mua vở rồi dán bìa bao luôn. Cứ nghĩ, bảng con mua loại nào cũng được, vở mua 4 hay 5 ô ly mà chẳng viết được? Rồi, bìa bao màu nào mà chẳng như nhau? Cũng chỉ là bao cho sách, vở khỏi bị dơ, bị sờn thôi mà.

Đồng phục vở, bảng, bìa bao (Ảnh phụ huynh)

Đồng phục vở, bảng, bìa bao (Ảnh phụ huynh)

Thế nhưng, khi con nhập học, gia đình nhận thông báo của nhà trường quy định mà hoảng.

Giáo viên yêu cầu chuẩn bị 5 quyển vở trắng 4 ô li kẻ caro, bao màu xanh biển, 5 bìa cứng bọc vỏ không bị quấn mép, dán nhãn ghi tên. Bảng con (4 ô li), mặt sau bảng có sơ đồ tách gộp. Những đồ dùng, bìa bao, chuẩn bị trước đó không giống quy định, gia đình phải bỏ hết để chuẩn bị lại.

Giống chị Minh Nguyệt, chị Khánh Trâm cũng có con vào lớp 1 chia sẻ: “Trường của con tôi cũng quy định, 1 cuốn vở bao giấy màu xanh dương, 1 cuốn vở bao giấy màu vàng…trong khi trước đó mình bao toàn bộ là màu trắng nên phải bỏ đi, mua giấy đúng màu để bao lại”.

Có nên dẹp bỏ nạn “đồng phục” trong trường học hiện nay?

Có nên dẹp nạn “đồng phục” hiện nay trong các nhà trường? Tham khảo ý kiến này, nhiều phụ huynh đều cho rằng, đồng phục về quần áo rất cần thiết còn ba lô, cặp sách hay sách vở, đồ dùng học tập, bìa bao, nhãn vở…không nên quy định giống nhau làm gì?

Nhiều thầy cô giáo khác cũng đồng tình với những ý kiến trên. Không nhất định phải dùng bìa bao cùng màu mới phân biệt được các loại sách, vở? Vì đã có nhãn vở ghi tên loại vở rồi.

Việc vở viết hoặc bảng con cũng đừng nên quy định phải là 4 ô li mới được. 4 hoặc 5 ô li, học sinh cũng sẽ biết cách sử dụng. Chỉ cần hướng dẫn kỹ học sinh độ cao, độ rộng, khoảng cách của các con chữ thì vở hay bảng bao nhiêu ô li mà chẳng được.

Với học sinh lớp 1, buổi đầu có em còn bỡ ngỡ, chưa quen nhưng thầy cô sẽ nhẫn nại hướng dẫn, nhắc nhở thì chỉ sau một tuần vào học, mọi việc sẽ vào nền nếp.

Việc nhà trường quy định cứng phải viết loại vở này, phải dùng loại bảng con kia hay mỗi cuốn vở một màu…đã làm nhiều phụ huynh mất bao công sức. Có người phải đợi thông báo từ nhà trường mới dám đi mua.

Có người đã chuẩn bị đủ nhưng rồi phải bỏ đi để chuẩn bị lại theo quy định thông báo. Bên cạnh đó, học sinh cũng theo thói quen “đồng phục” mà không phát triển được tư duy độc lập của bản thân mình.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/phu-huynh-to-truong-ep-mua-vo-doc-quyen-yeu-cau-truong-giai-trinh-20230825111105861.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên