Vẫn có những cá nhân bức xúc vì quyền lợi cá nhân trong việc bị "treo bằng" trên các phóng sự truyền hình.
Vẫn xuất hiện không ít nhận định trái ngược nhau về quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội liên quan đến hơn 3.000 học viên chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) được Đại học Griggs cấp bằng nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo không công nhận tương đương.
Hơn 20 năm trước, từng xảy ra chuyện lùm xùm trong liên kết đào tạo giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Genetic Singapore về đào tạo cử nhân ngành Công nghệ Thông tin.
Thông báo chiêu sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định sinh viên học theo chương trình này là sinh viên của Đại học Bách khoa, tuy nhiên khi kết thúc chương trình sinh viên lại không được cả hai trường này cấp bằng.
Số sinh viên này sau đó phải học chương trình bổ sung của một đại học thuộc Liên bang Nga, bằng tốt nghiệp cho lớp sinh viên này do trường của Nga cấp.
Từ năm 2012 đến nay, câu chuyện liên kết đào tạo lặp lại nhưng có phần trầm trọng hơn ở một đại học hàng đầu cả nước, đó là Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hơn 3.000 học viên theo học chương trình liên kết đào tạo giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với Đại học Griggs - Hoa Kỳ được đại học này cấp bằng nhưng bị “treo” suốt 7 năm vì không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hợp chuẩn.
Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Vnu.edu.vn) |
Vậy điều gì đã và đang xảy ra?
Theo quy định tại Nghị định số 186/2013/NĐ-CP thì Đại học Quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lĩnh vực giáo dục và đạo tạo nhưng Giám đốc/Chủ tịch Hội đồng Đại học Quốc gia do Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2001/QĐ-TTg về “Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia”, năm 2014 quyết định này được thay thế bởi Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg trong khi hệ thống giáo dục đại học (công lập và ngoài công lập) lại hoạt động theo các quy chế khác.
Các quy định của Chính phủ cho thấy lãnh đạo cao nhất Đại học Quốc gia do Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm, Đại học Quốc gia được quy định là đầu mối nhận ngân sách tương đương như các bộ, không những thế việc mở ngành, thiết kế và in văn bằng,… cũng được tự chủ…
Có thể thấy các Đại học Quốc gia tuy không ngang hàng với bộ nhưng nhiệm vụ và quyền hạn không kém gì Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phải chăng vì lý do đó mà giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát sinh những vấn đề tồn tại nhiều năm không thể giải quyết?
Truyền hình Quốc hội ngày 27/12/2019, “Chương trình 21H” đã phát phóng sự điều tra: “Gỡ nút thắt công nhận văn bằng chương trình liên kết đào tạo Griggs – Đại học Quốc gia Hà Nội”.
Phóng sự nêu lên 11 chương trình liên kết đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội trong đó có 09 chương trình không phải viết luận văn và không bảo vệ tốt nghiệp.
Chương trình do một đại học của Bỉ thực hiện không được công nhận còn chương trình do Đại học Griggs thực hiện gặp vướng mắc về chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của học viên do đó hơn 3.000 người chưa được phía Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận văn bằng tương đương với hệ thống văn bằng của Việt Nam.
Kết luận đưa ra là:
“Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc để hơn 3.000 học viên bị treo bằng trong suốt 7 năm qua là không thể chối cãi, thế nhưng khi Truyền hình Quốc hội Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo được đối thoại trực tiếp về các vấn đề còn nhiều nghi ngờ thì điều chúng tôi nhận được chỉ là sự im lặng.
Thực tế này khiến chúng tôi không khỏi hoài nghi về việc đùn đẩy trách nhiệm giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ Giáo dục và Đào tạo”. [1]
Bộ Giáo dục sẽ thanh tra 27 trường đại học, 12 Sở Giáo dục, 7 cuộc chuyên ngành |
Kết luận cuối phóng sự quy trách nhiệm cho cả Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ Giáo dục và Đào tạo, với riêng Đại học Quốc gia Hà Nội, phóng sự cho rằng:
“Đại học Quốc gia Hà Nội không thể phủ nhận trách nhiệm chính, khi là đơn vị tổ chức đào tạo chương trình khiến hơn 3.000 học viên chưa được công nhận văn bằng, lại không thể hướng tới bảo vệ quyền lợi chính đáng của học viên, chỉ lấp lửng về việc trực tiếp đối thoại minh bạch với học viên”…
Xem toàn bộ phóng sự, có thể thấy toát lên quan điểm, rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có lỗi chứ không chỉ Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ý kiến đưa ra trong phóng sự là Bộ Giáo dục và Đào tạo “cần phải gỡ nút thắt của văn bản 3971” mà Bộ này gửi Đại học Quốc gia Hà Nội theo hướng sửa văn bản quy phạm pháp luật để công nhận văn bằng mà cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp cho học viên liên kết đào tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội!
Vậy những “nút thắt” được đề cập trong phóng sự đã đầy đủ hay còn thiếu?
Xin tạm nêu vài “nút thắt” mà người viết cho rằng đó không phải phần chìm của “tảng băng liên kết đào tạo” bởi thông tin về chuyện này tại hầu hết cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có thể tìm thấy rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Trước khi đi vào cụ thể, xin giải thích các cụm từ “Bộ Giáo dục và Đào tạo” và “Đại học Quốc gia Hà Nội” được sử dụng trong bài viết đề cập đến một số lãnh đạo, một số bộ phận tại hai cơ quan nhà nước này chứ không bao hàm tất cả theo kiểu “vơ đũa cả nắm”.
Nút thắt thứ nhất
Tại Đại học Quốc gia Hà Nội có một đơn vị là “Trung tâm công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm (ETC)”, đây là đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm chính về liên kết đào tạo giữa trường này với các đối tác trong, ngoài nước.
Năm 2012, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thanh tra hoạt động của ETC và ban hành kết luận:
“Trong 20 chương trình liên kết của Đại học Quốc gia Hà Nội, có 16 chương trình không có thủ tục xác nhận tư cách pháp nhân của đối tác, 12 chương trình nội dung đề án không đầy đủ theo quy định...
TTCP cho rằng trong các đối tác liên kết chỉ một số ít trường có thứ hạng, còn lại hầu hết đều chưa được xếp hạng hoặc có thứ hạng thấp hơn các trường ở Việt Nam”. [2]
Vì sao một Đại học Quốc gia lại phải liên kết với “hầu hết” các trường “chưa được xếp hạng hoặc có thứ hạng thấp hơn các trường ở Việt Nam”?
Việc Đại học Quốc gia Hà Nội phải liên kết với các trường có thứ hạng thấp hơn hoặc chưa được xếp hạng có phải đã tự hạ thấp uy tín khoa học của mình?
Tóm lại, mục đích của mối “liên kết” này là gì?
Câu trả lời có thể tìm thấy trong phát hiện của báo chí, rằng “ETC chi thanh toán cho Đại học Griggs có trụ sở tại Hoa Kỳ nhưng lại thanh toán 177,8 tỉ đồng vào tài khoản tại Singapore, bước đầu xác định tài khoản này có liên quan đến bà Nguyễn Quang Hòa Bình - giám đốc ETC”? [2]
Nút thứ hai là gì?
Truyền hình Quốc hội dẫn ý kiến của một học viên, theo vị này họ “học thật, bảo vệ thật, công khai, minh bạch” nhưng không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận văn bằng do đó ảnh hưởng đến uy tín và cơ hội công việc của họ.
Theo vị Chủ tịch Hội Cựu học viên MBA Đại học Griggs tại Việt Nam thì:
“Học viên theo học chương trình này là các cán bộ quản lý của các bộ, ban ngành ở Trung ương; cán bộ lãnh đạo Đảng, Sở, ban ngành các tỉnh, thành phố, quận huyện trong cả nước; cán bộ quản lý các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng quốc doanh, bệnh viện, trường học, doanh nghiệp, doanh nhân trong cả nước…”. [3]
Như ý kiến nêu trên, thành phần theo học vô cùng đa dạng trong đó có những người là “cán bộ quản lý bệnh viện, trường học,…” nhưng vì sao tất cả đều chọn học “Quản trị kinh doanh (MBA)”?
Phải chăng khối ngành kinh tế luôn là mảnh đất màu mỡ để ươm các thạc sĩ, tiến sĩ?
Và phải chăng việc “treo bằng” của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã động chạm đến quyền lợi của những người này, đặc biệt là những “cán bộ quản lý của các bộ, ban, ngành ở Trung ương; cán bộ lãnh đạo Đảng, Sở, ban ngành các tỉnh, thành phố,…” và do đó họ cần phải được bảo vệ?
Thay đổi công nhận văn bằng của người Việt do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp |
Để trả lời câu hỏi này, xin trích ý kiến vị đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2012:
“Trong số học viên theo học chương trình liên kết tại ĐH Quốc gia Hà Nội với ĐH Griggs, ĐH Delaware (Hoa Kỳ) có một số người sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả.
Số chứng chỉ không hợp lệ chủ yếu là sửa điểm, sửa kết quả.
Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã đối chiếu với các đơn vị cấp chứng chỉ này và phát hiện sai lệch.
Những người sử dụng chứng chỉ giả đương nhiên sẽ không được công nhận bằng cấp”. [4]
Đáng tiếc là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không công khai danh tính những người “sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả” trong vụ việc này.
Người viết chưa thể khẳng định việc làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là bao che cho hành vi phạm pháp song cảm thấy có gì đó không ổn khi những người vi phạm lại nằm trong diện thống kê trong tài liệu [3].
Cần thấy rằng sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả là vi pháp pháp luật và phải bị xử lý hành chính hoặc theo luật hình sự.
Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo từng cho biết chỉ một đợt thanh tra đã phát hiện hàng chục nghìn người dùng văn bằng giả. [5]
Điều 341 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Người phạm tội trên có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm”…
Theo Luật Cán bộ, công chức thì công chức có hành vi sử dụng bằng cấp giả, chứng chỉ giả có thể bị xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức: không được dự thi nâng ngạch công chức, không để được bổ nhiệm chức vụ, buộc thôi việc…
Vậy trong số những học viên sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ giả có ai bị buộc thôi việc?
Người hiện vẫn tại vị, có ai đang ra rả kêu gào đòi hỏi phải được công nhận văn bằng?
Qua vụ việc liên kết đào tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội, có vẻ như chuyện sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả vẫn “ổn định” suốt từ thời Bộ trưởng Phạm Minh Hạc!
Phải chăng vì thành phần học viên như ông Chủ tịch Hội Cựu học viên MBA Đại học Griggs tại Việt Nam tiết lộ hay còn những lý do tế nhị khác nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không muốn (hay không thể?) công khai danh tính, sợ làm giảm “uy tín” của họ?
Nút thắt thứ ba nằm ở chính Đại học Griggs
Ông Phạm Khắc Diễn - Hàm vụ trưởng (Vụ III, Thanh tra Chính phủ), nguyên Trưởng đoàn thanh tra Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết:
“Theo quy định của ĐH Griggs, chương trình đào tạo thạc sỹ ở nước ngoài thì học viên phải có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh hoặc có trình độ TOEFL 530 (thi trên giấy) hoặc IELTS 6.5.
Khi đoàn thành tra yêu cầu và hồ sơ thu được của đoàn thành tra ở ETC thì không chứng minh được việc này”. [3]
Quy định nêu trên là của Đại học Griggs, không phải của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và do đó phía Việt Nam đương nhiên không thể thay đổi quy định của họ.
Về lý mà nói, rõ ràng là những người không hội đủ tiêu chuẩn do Đại học Griggs công bố thì trường này sẽ không cấp bằng.
Vậy tại sao hàng nghìn học viên học theo chương trình liên kết không có các chứng chỉ TOEFL 530 hoặc IELTS 6.5 nhưng Đại học Griggs vẫn cấp phát văn bằng?
Liệu có sự mập mờ trong cung cách làm ăn của đại học này? Phải chăng Đại học Griggs công bố tiêu chuẩn chỉ là cách để vượt qua các kỳ đánh giá của Mỹ, còn thực hiện tại các quốc gia ngoài Mỹ thì không cần, miễn là có nhiều học viên và … thu được tiền?
Nếu điều nghi ngờ này là thật thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên yêu cầu cơ quan chức năng Mỹ (chứ không chỉ Đại học Griggs) giải thích?
(Còn nữa)