Liệu trí tuệ nhân tạo có làm biến mất ngành kế toán?

22/03/2023 06:48
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-PGS Nguyễn Đào Tùng cho biết, các cơ sở giáo dục đại học cập nhật, ứng phó nhanh nhất với sự phát triển của khoa học công nghệ.

Chia sẻ tại ngày Hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2023, một phụ huynh trăn trở: “Con yêu thích học kế toán nhưng trước sự phát triển của khoa học, trí tuệ nhân tạo, nhiều dự báo ngành kế toán sẽ biến mất. Vậy liệu có nên theo học ngành này”?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cho biết, hiện nay có nhiều ngành học ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trong đó có ngành kế toán. Vì vậy yêu cầu công việc cũng ở một cấp độ cao hơn.

Ngành kế toán ở thời điểm hiện tại cũng đã thay đổi rất nhiều, kể cả ngành tài chính ngân hàng, con người cũng cần phải thay đổi về tư duy trong cách làm việc.

Ban tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp giải đáp thắc mắc về tuyển sinh đại học và các ngành học cho phụ huynh, học sinh. Ảnh: Nguyên Phương

Ban tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp giải đáp thắc mắc về tuyển sinh đại học và các ngành học cho phụ huynh, học sinh. Ảnh: Nguyên Phương

Các trường đại học là nơi để cập nhật và ứng phó nhanh nhất với sự phát triển của khoa học công nghệ, các trường sẽ có những ngành đào tạo tốt nhất nên phụ huynh có thể yên tâm, xu hướng các ngành nghề vẫn tiếp tục thay đổi, thích ứng để phát triển.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội chia sẻ, không riêng ngành kế toán mà nhiều ngành cũng đang gặp thách thức trước những sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Các cơ sở đào tạo cần đón trước sự phát triển công nghệ để điều chỉnh về chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo và đáp ứng thị trường lao động.

Công nghệ không thay thế hoàn toàn được con người. Ngay như ngành dịch thuật vẫn cần con người để biên tập, xử lý những tình huống cụ thể mà công nghệ như ChatGPT đã làm.

Băn khoăn học môn Toán có ứng dụng vào thực tiễn

Trước băn khoăn của một phụ huynh về việc liệu các kiến thức toán học như tích phân, đạo hàm, phương trình lượng giác, logarit... có được ứng dụng vào các ngành nghề, công việc tương lai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bản thân chương trình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang duy trì việc dạy học Toán giải tích đại số và vật lý đại cương vào diện “nặng” nhất ở Việt Nam. Thế nhưng khi xét trên bình diện quốc tế, độ khó của chương trình còn “thua xa” so với các trường đại học kỹ thuật của Đức và Pháp.

Trước mùa tuyển sinh 2023, nhiều thí sinh băn khoăn về việc lựa chọn ngành học, trường học. Ảnh: Nguyên Phương
Trước mùa tuyển sinh 2023, nhiều thí sinh băn khoăn về việc lựa chọn ngành học, trường học. Ảnh: Nguyên Phương

Như trong lĩnh vực cơ điện tử về điều khiển robot và các hệ thống cơ học, kiến thức môn Toán được ứng dụng rất nhiều, tất nhiên không phải kiến thức phương trình trên giấy mà là lập trình.

Thầy Điền cũng nhấn mạnh vai trò của Toán học đối với tư duy, nếu không giải những bài toán liên quan tích phân, vi phân và phương trình vi phân sẽ rất khó để đạt được cấp độ cao về mặt tư duy nói chung, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu phát triển.

Và hiện nay, các trường vẫn dựa trên nền tảng đánh giá tư duy mà Toán học là một phần quan trọng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cho biết thêm, với các trường khối kinh tế, Toán là nền tảng và Toán kinh tế được ứng dụng, vận dụng rất nhiều.

Muốn học thiết kế đồ hoạ nhưng không được học vẽ ở bậc phổ thông?

Chia sẻ với Ban tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp, một phụ huynh cho biết, con muốn theo học ngành thiết kế đồ hoạ nhưng ở trường trung học phổ thông không dạy môn Mỹ thuật, trong khi trong tổ hợp xét tuyển của nhiều cơ sở giáo dục đại học yêu cầu phải có môn vẽ, hình họa hoặc bố cục trang trí màu.

Chia sẻ vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, dưới góc độ quản lý nhìn toàn hệ thống, với những ngành đào tạo đặc thù, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào đại học mỗi năm tính trên toàn hệ thống rất nhỏ, thậm chí chưa đến 1%.

Việc đưa những môn học đó vào bậc phổ thông áp dụng cho toàn hệ thống là chưa phù hợp, nhất là chương trình phổ thông dạy trên toàn quốc ở tất cả vùng miền, từ thành phố đến nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Thêm nữa là vấn đề về đội ngũ giáo viên, phổ cập những môn đó trên toàn quốc phải tốn rất nhiều nguồn lực.

Hơn nữa, những ngành đặc thù này cần năng khiếu chứ không phải một kỹ năng đại trà được dạy ở bậc phổ thông. Bậc phổ thông là những kiến thức phổ quát nhất, nền tảng cho học sinh. Đi vào những ngành đặc thù, chúng ta cần có những sự đầu tư và định hướng ban đầu.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng rất chia sẻ với những thí sinh ở những địa bàn khó khăn. Theo cô Thuỷ, các em vẫn có nhiều lựa chọn, ở ngành thiết kế đồ họa, với những kiến thức công nghệ thông tin và những kỹ năng khác, các em hoàn toàn có thể theo đuổi ngành này, không nhất thiết phải có môn vẽ.

Nguyên Phương