LTS: Đưa ra một số nguyên nhân cơ bản về việc các trung tâm gia sư nói riêng và các cơ sở dạy thêm hiện nay luôn có đất sống tốt, thầy giáo Nhật Duy đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bài viết "Dạy thêm - sự tiếp tay cho gian dối" của tác giả Thanh An trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 19/10/2018 đã nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận của các bạn độc giả. Khen cũng có mà chê cũng nhiều.
Vậy, bản chất của dạy thêm và học thêm có tốt không, vì sao tại các thành phố lại mọc lên nhiều trung tâm gia sư và luôn có đông học sinh đến học tập?
Các em học sinh ra về sau ca học thêm buổi tối (Ảnh minh họa: sggp.org.vn). |
Chúng tôi xin mạn phép giải đáp thêm một số vấn đề của bạn đọc còn thắc mắc, tranh luận.
Phải công nhận một điều là nhu cầu học thêm của học sinh hiện nay là có thật, thậm chí có rất nhiều, nhất là ở vùng đô thị lớn của các địa phương.
Khi xã hội có cung, ắt sẽ có cầu bởi nền kinh tế thị trường từ lâu đã giải quyết bài toán này rất phù hợp.
Hơn nữa, pháp luật hiện hành cũng không cấm các trung tâm gia sư mở lớp để dạy thêm.
Vì thế, đó là điều kiện cần để các cá nhân, tổ chức có điều kiện đều có thể mở trung tâm gia sư cho riêng mình.
Các thầy cô giáo một số môn học cũng mở lớp dạy thêm tại nhà mình và cũng có rất nhiều học sinh tham gia lớp học. Nhiều chiêu trò lôi kéo, giữ chân học sinh cũng được nhiều người tung ra.
Vì sao phải học thêm?
Vì sao các em học sinh phải học thêm khi nội dung các bài học đều được giảng dạy chính khóa ở trên lớp?
Nếu chính sách vĩ mô của ngành giáo dục được giải quyết một cách căn cơ nhất liệu học sinh có cần phải học thêm không?
Nếu phụ huynh không quá đặt nặng vấn đề thành tích của con em mình thì có cần thiết đến các trung tâm hay không?
Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng tiêu chí của các trung tâm gia sư là họ có được nhiều học sinh đến học để duy trì lợi nhuận cho họ.
Vì vậy, thành tích học tập của học sinh sẽ là thước đo giá trị cho mỗi trung tâm gia sư.
Nhưng thành tích học tập hiện nay là gì nếu không phải là kết quả, là điểm số học tập của học trò qua mỗi lần kiểm tra, qua tổng kết mỗi năm học?
Vì thế, nguyên nhân thì nhiều nhưng chúng tôi tạm lược ra một số nguyên nhân cơ bản sau giúp các trung tâm gia sư nói riêng và các cơ sở dạy thêm hiện nay luôn có đất sống tốt.
Thứ nhất: Giáo dục Việt Nam ta từ lâu rất coi trọng hình thức, nhiều phụ huynh rất coi trọng điểm số của con em mình.
Tư tưởng cuối năm học con mình phải có danh hiệu học tập vẫn luôn ám ảnh nhiều bậc phụ huynh.
Không ai muốn thành tích của con mình thua kém thành tích con người khác. Không ai muốn khi tham dự họp phụ huynh bị thầy cô chủ nhiệm lưu tâm đến con mình vì học tập không tốt.
Không ai muốn mỗi lần nhận được sổ liên lạc của con mình lại có những điểm số thấp, cuối năm thi chuyển cấp lại không đậu hoặc phải vào học những trường thường thường bậc trung.
Vì thế, dù một số phụ huynh còn khó khăn nhưng vẫn cố gắng gượng để con mình đi học thêm để bằng bạn bằng bè và hy vọng tương lai của con em mình sau này đỡ khổ.
Tình yêu thương, sự quan tâm đến việc học hành của cha mẹ dành cho con mình như vậy dĩ nhiên là điều tốt nhưng sẽ chạy theo những cuộc đua không có hồi kết cho học sinh.
Thứ hai: Một số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông lớn hiện nay có tỉ lệ thí sinh đăng ký đầu vào rất đông. Trường càng lớn càng nhiều học sinh hướng vào.
Tất nhiên, khi số lượng đăng ký vượt số lượng tuyển sinh thì ắt sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các thí sinh với nhau. Cạnh tranh càng nhiều, áp lực học tập, học thêm của học sinh càng lớn.
Thực tế, một số trường trung học cơ sở ở các đô thị lớn thường có số hồ sơ đăng ký vào nhập học đầu cấp cao hơn rất nhiều so với kế hoạch tuyển sinh.
Dù các văn bản hiện hành không cho phép thi đầu vào lớp 6 nhưng vì hồ sơ của thí sinh quá nhiều, điểm số quá đẹp nên bắt buộc một số trường như ở Hà Nội trong năm học này phải tổ chức thi tuyển. Những trường không tổ chức thi tuyển thì họ xét hồ sơ.
Phạt dạy thêm bằng tiền chỉ hạn chế được kiểu dạy thêm kiểu...cò con |
Dĩ nhiên, hồ sơ của học trò càng đẹp về điểm số, về thành tích thì sẽ được xét trước.
Đối với các trường trung học phổ thông thì có tính cạnh tranh càng gay gắt hơn vì sau lớp 9 thì ngành giáo dục đã thực hiện việc đã phân luồng học sinh.
Mặc dù cùng một địa bàn có nhiều trường trung học phổ thông và chức năng, nội dung đào tạo như nhau nhưng học sinh luôn được phụ huynh hướng vào các trường lớn, những trường có bề dày thành tích.
Vậy nên, luôn tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp giữa các thí sinh với nhau trong việc thi đầu vào.
Các trường đại học, cao đẳng cùng đào tạo chuyên ngành như nhau nhưng từ lâu, chúng ta đã thấy “đẳng cấp” của các trường luôn khác nhau.
Ngay cả cách phát ngôn, chỉ đạo của lãnh đạo ngành trong mỗi mùa tuyển sinh cũng luôn đề cập đến “trường tốp trên” nên nhiều thí sinh cũng luôn mong muốn được học tập ở những ngôi trường danh tiếng. Tất nhiên, để vào được các trường học đó phải có điểm số cao hơn.
Việc đến các trung tâm, nhà thầy cô ngoài mục đích học thêm về kiến thức thì các thí sinh cũng được trang bị nhiều kĩ năng để làm bài tốt nhất. Dù sao thầy cô cũng là người đi trước, là người am hiểu về chính sách giáo dục.
Hơn nữa, khi ra trường, một số cơ quan, đơn vị vẫn ưu tiên chọn những thí sinh tốt nghiệp ở các trường lớn.
Mối quan hệ tiền bạc
Chính từ mục tiêu, mục đích, cách tuyển sinh, tuyển dụng hiện nay như vậy nên việc học sinh đi học thêm cũng là điều dễ hiểu.
Khi các trung tâm gia sư được mở ra, tất nhiên các chủ trung tâm phải liên kết, tuyển dụng giáo viên đến cộng tác với trung tâm của mình.
Sự cộng tác được thỏa thuận có thể là hợp đồng trên giấy tờ nhưng phần nhiều là hợp đồng miệng với nhau.
Họ thống nhất số tiết dạy, số lương hưởng/ tháng với nhau, nếu “thuận mua vừa bán”, vui vẻ thì hợp tác lâu dài, nếu không các chủ trung tâm sẵn sàng không hợp tác nữa và các giáo viên thì cũng tìm cách rút lui.
Vì thế, mối quan hệ giữa giáo viên và các chủ trung tâm chỉ là quan hệ đơn thuần về tiền bạc, có làm có hưởng.
Chính vì sự ràng buộc không nhiều, nhất là phần lớn giáo viên giảng dạy tại các trung tâm gia sư thì họ đã có công việc chính của mình nên họ xem đây là công việc phụ.
Vì vậy, mức độ quan tâm đến học sinh cũng rất bình thường, ít trách nhiệm hơn học sinh ở trường của họ.
Hơn nữa, trong giảng dạy mà quá nghiêm túc thì học sinh và ngay cả các chủ trung tâm họ cũng không thích.
Thực tế, học sinh học ở các trung tâm hiện nay cũng có những em ham học, rất cầu thị nhưng cũng có rất nhiều em bất cần, vô kỷ luật.
Trung tâm gia sư ở thành phố nhiều như nấm sau mưa nên một số em học sinh luôn muốn học ở trung tâm nào mà các em cảm thấy thích nhất, không bị ràng buộc về quy nền nếp bởi không học ở trung tâm này thì học ở các trung tâm khác.
Vì thế, nhiều học sinh đến học cũng có quan niệm là bỏ tiền ra học các em phải thoải mái trong học tập, vui chơi, không tuân thủ theo bất kỳ nội quy, cách ứng xử nào.
Công tác thanh kiểm tra các trung tâm gia sư hiện nay thường rất ít khi xảy ra. Phần nhiều các chủ trung tâm gia sư có mối quan hệ mật thiết với các cơ quan có chức năng giám sát việc dạy thêm, học thêm.
Chính vì vậy, phần nhiều các trung tâm gia sư chỉ có lo lắng phần tuyển học sinh và giữ học sinh học tập ở trung tâm mình, những vấn đề còn lại không có gì phải lo ngại cả.
Nhiều độc giả thắc mắc là giáo viên bắt tay với trung tâm thì đề kiểm tra mới lọt ra ngoài nhưng thực tế chưa hẳn là vậy.
Bởi, trước giờ kiểm tra thì giáo viên thường giới hạn nội dung, ra câu hỏi, ra một số đề trước.
Vì vậy, đến trung tâm là học sinh đưa đề cho giáo viên giảng day ở đây giải, hướng dẫn sẵn cho học sinh của mình.
Ngày thi, cứ vậy mà chép vào bởi các em đã học thuộc sẵn nên chuyện điểm cao cũng là điều rất dễ hiểu.
Để ngăn chặn tình trạng dạy thêm và hướng tới sẽ xóa bỏ tình trạng này thì vấn đề cốt lõi nhất là ngành giáo dục phải giảm được áp lực học tập, kiểm tra, thi cử.
Tuyển sinh đúng tuyến, không để xảy ra tiêu cực. Công tác cấp phép, thanh - kiểm tra công tác dạy thêm, học thêm ở các trung tâm gia sư cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, không báo trước.
Năm trước thành tích rất cao, năm sau vẫn phải ào ào học thêm |
Các thầy cô giáo, gia đình học sinh cần có những phương pháp giáo dục tích cực, hiệu quả tại gia đình và nhà trường và hướng tới chất lượng thật. Không chạy theo thành tích, hư danh.
Thực tế, việc học của học sinh ngày nay chỉ thực sự khó khăn khi bước vào tuyển sinh 10 ở một số khu vực đô thị lớn.
Còn lại, các cấp học hiện nay đầu vào thường rất dễ nếu phụ huynh hướng đúng tuyến, đúng năng lực của con em mình.
Việc học thêm hiện nay rất tốn kém về tiền bạc, thời gian và là nỗi lo thường trực đối với phụ huynh và xã hội.
Cấm được dạy thêm, học thêm là tránh được những tiêu cực, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường và học sinh với nhau.
Điều quan trọng là hướng tới việc học sinh có tâm thế chủ động học tập, tránh được sự thờ ơ, ỷ lại của nhiều em học sinh và những hệ lụy không cần thiết.