Minh bạch trong thi tuyển viên chức có thực sẽ tìm được giáo viên giỏi?

29/05/2021 06:40
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quảng Nam có thể là điểm sáng hiện tại nhưng tương lai tỉnh nhà có nên cân nhắc thêm các phương án bồi dưỡng, đào tạo người tài ngay từ bậc phổ thông?

Bốn mươi năm trước, nói chuyện tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập ngành Sư phạm (ngày 08/10/1981) cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã yêu cầu ngành Giáo dục: “Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”.

Trong cách nói và viết của người Việt hiện đại, tùy theo vùng miền, nhà giáo được gọi là “thày” hoặc “thầy”. Khu vực phía Bắc nhà giáo được xưng là “thày” (không thày đố mày làm nên), còn từ “Thầy” dùng để nói về bố/cha (Thầy u mình với chúng mình chân quê,…).

Có trường lớp khang trang mà “thày không ra thày, dạy không ra dạy” thì không thể đào tạo nên lớp “trò ra trò” và đương nhiên cũng không thể khiến lớp trò đó “học ra học”.

Câu chuyện tỉnh Quảng Nam tổ chức thi tuyển viên chức - trong đó có viên chức giáo dục - vài năm gần đây đem lại cho những người tâm huyết với sự nghiệp trồng người nhiều cảm xúc pha lẫn đôi chút băn khoăn.

Xin nói ngay dẫu “băn khoăn” hay “tâm tư” thế nào thì cũng phải khẳng định, cách làm của Quảng Nam (như báo Tuoitre.vn tường thuật [1]) thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị địa phương, đó là việc làm sáng suốt, dũng cảm, cần được khích lệ, nhân rộng.

(Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn)

(Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn)

Riêng việc thi tuyển giáo viên mầm non và phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức Hội thảo về cách làm của Quảng Nam và kiến nghị Trung ương, Chính phủ chỉ đạo cấp ủy và chính quyền 62 tỉnh, thành phố cả nước vận dụng vào hoàn cảnh từng địa phương.

Cách làm của Quảng Nam đúng là rất tốt song có phải đã hoàn hảo?

Với tinh thần góp ý thẳng thắn, có vài vấn đề cần làm rõ:

Thứ nhất, tường thuật các câu hỏi của báo Tuoitre.vn và những câu trả lời của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam Hà Thanh Quốc về cách thức tổ chức thi tuyển giáo viên của Quảng Nam mấy năm gần đây hầu như không đề cập đến vai trò của Sở Nội vụ, mà chỉ có ý kiến chỉ đạo của ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. [1]

Ông Hà Thanh Quốc còn cho biết: “Từ khâu ra đề, cách ly người ra đề, chọn đề, thành lập hội đồng thi..., chúng tôi làm khép kín, đảm bảo bí mật tuyệt đối. Không một ai biết được đề thi cho tới lúc xé niêm phong”.

Phát biểu của ông Hà Thanh Quốc có phải gián tiếp khẳng định ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam đã được Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh trao toàn quyền quyết định việc tuyển chọn nhân sự giáo dục?

Nếu điều này là đúng thì người viết hoan nghênh và xin chúc mừng Quảng Nam đã đi tiên phong trong việc đổi mới toàn diện Giáo dục và Đào tạo bởi trong nhiều bài đã đăng trên các báo, người viết đều khẳng định quan điểm ngành giáo dục phải được trao quyền quản lý nhân sự, tài chính ngoài quản lý nội dung, chương trình, văn bằng,…

Trường hợp ngược lại, nếu “chúng tôi” mà ông Hà Thanh Quốc đề cập chỉ là Sở Nội vụ, nghĩa là cơ quan này “bao thầu” toàn bộ quá trình thi cử thì việc ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam không biết gì về việc ra đề, chọn đề, thành lập hội đồng thi,… có nên xem là bình thường?

Tất nhiên còn khả năng thứ ba là một số sở, ban, ngành liên quan đều là thành viên trong Hội đồng thi tuyển dưới sự chủ trì của cấp ủy, điều này xin không bàn luận.

Thứ hai, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho rằng “Làm mọi thứ minh bạch để kết quả cuối cùng là có được giáo viên giỏi, mở ra cơ hội công bằng cho tất cả mọi người…”, điều này có hoàn toàn đúng?

Tổ chức một kỳ thi tuyển viên chức minh bạch “mở ra cơ hội công bằng cho tất cả mọi người” không sai, không chỉ công bằng cho mọi ứng viên tham dự thi tuyển mà còn chứng tỏ sự liêm khiết, chính trực của những người thi hành công vụ.

Nhưng bằng một kỳ thi tuyển giáo viên “minh bạch” là tuyển chọn được những “giáo viên giỏi” thì hình như chưa có cơ sở khoa học để khẳng định.

Một kỳ thi như Quảng Nam tiến hành thực ra mới chỉ chọn được nhóm người khá nhất trong những người được ngành Sư phạm đào tạo. Tập hợp những người theo học sư phạm có phải là giỏi nhất trong số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông lại là chuyện khác và vì vậy việc thi tuyển giáo viên hiện nay không khác mấy so với câu thành ngữ “Bó đũa chọn cột cờ”.

Thực ra, chúng ta - phụ huynh và học sinh (chứ không phải ngành Giáo dục) - đành phải hài lòng với những “cột cờ” tìm được sau các kỳ thi tuyển và hy vọng theo thời gian, các “cột cờ” này sẽ bén rễ xanh tươi chứ không phải là những cây gỗ khô khốc không còn sức sống.

Thứ ba, trong tình hình cả nước đang thiếu khoảng 95.000 giáo viên [2], những người không đạt kỳ thi có thể tiếp tục tham dự các kỳ thi sau này hoặc chuyển đến các vùng, miền mà quy trình thi cử “nhẹ nhàng” hơn, hoặc có thể tìm được vị trí việc làm bằng những “tiếp cận tế nhị không công khai” nhưng nhiều người biết.

Thế có nghĩa là gần 100% đội ngũ viên chức giáo dục vẫn sẽ được tuyển chọn trong số những người tốt nghiệp các trường sư phạm, phần lớn trong số đó chọn sư phạm như là giải pháp cuối cùng.

Tại Quảng Nam, “Năm 2020 kỳ thi viên chức giáo dục theo hướng "Tìm kiếm, tôn vinh người giỏi" đã được mở rộng ra ngoài tỉnh. Kết quả cho thấy lượng hồ sơ đầu vào đã dồn dập và trình độ giáo viên cũng vượt trội hẳn”. [3]

Nhận định này cho thấy Quảng Nam đang thực hiện chiến lược thu hút “người giỏi” của các tỉnh khác một cách công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Nếu các địa phương (tạm gọi là “Nhóm A”), có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi, có chính sách đãi ngộ nhà giáo cao hơn những địa phương khác (Nhóm B) đều làm theo cách của Quảng Nam thì tình trạng “hồ sơ đầu vào dồn dập” sẽ đương nhiên khiến các địa phương nhóm B chỉ còn cách tuyển chọn nhân sự trong số những người mà nhóm A đánh trượt.

Nếu giả thiết nêu trên thành sự thật thì giáo dục phổ thông miền núi, hải đảo, các vùng có hoàn cảnh khó khăn sẽ như thế nào?

Thêm nữa, liệu có xảy ra tình trạng chảy máu chất xám, giáo viên giỏi từ khắp nơi dồn dập đổ về thi tuyển viên chức giáo dục tại các địa phương như Quảng Nam hay chỉ giáo viên mới ra trường, chưa có việc làm mới tham gia thi tuyển?

Câu hỏi này liệu có là sự quan tâm của những người làm công tác quản lý giáo dục?

Nếu chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường, chấp nhận cạnh tranh lành mạnh thì cũng phải chấp nhận hiện tượng “chảy máu chất xám” cả trên quy mô quốc gia lẫn trong từng ngành nghề.

Nói cách khác, ngoài việc đào tạo giáo viên theo địa chỉ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chiến lược tuyển sinh ngành Sư phạm sao cho có số dư cần thiết phù hợp với quá trình sàng lọc (thi tuyển) để không thiếu giáo viên.

Điều này sẽ tạo nên nghịch lý bởi xã hội buộc phải chấp nhận sự thiệt hại cả về kinh tế, lẫn tâm lý khi có một số người được đào tạo sư phạm trong vòng ba, bốn năm nhưng không được sử dụng vì trượt các kỳ thi tuyển viên chức.

Dẫu còn một vài điều phải bàn luận thì người viết vẫn cho rằng cách làm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam cho thấy quyết tâm của những người con xứ Quảng dám nói, dám làm, đặc biệt là dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình.

Sẽ là tuyệt vời nếu cùng với minh bạch thi tuyển nhân sự, Quảng Nam nhìn xa hơn một chút nữa, đầu tư dài hạn vì sự nghiệp giáo dục chứ không chỉ chờ khi học sinh giỏi của tỉnh vào học sư phạm thì mới “lập hồ sơ riêng để theo suốt 4 năm đại học” (như bộc bạch của Giám đốc Sở Giáo dục Hà Thanh Quốc).

Tỉnh có thể ban hành một chính sách dài hạn, sử dụng ngân sách tài trợ cho học sinh giỏi cấp trung học phổ thông nếu họ tình nguyện vào học ngành Sư phạm thông qua các hợp đồng dân sự. Sau khi tốt nghiệp, những nhà giáo này phải chịu sự phân công công tác của chính quyền, làm việc tại các vùng đặc biệt khó khăn trong một khoảng thời gian, sau đó được ưu tiên chuyển về các trường theo nguyện vọng.

Đầu tư cho giáo dục không thể tính lãi, càng không thể chờ người giỏi từ tỉnh khác về thi tuyển tại địa phương, thế nên Quảng Nam có thể là điểm sáng hiện tại nhưng tương lai tỉnh nhà có nên cân nhắc thêm các phương án bồi dưỡng, đào tạo người tài ngay từ bậc phổ thông?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/de-khong-truot-dai-trong-su-gia-doi-20210526080903806.htm

[2]https://vtv.vn/giao-duc/nan-giai-voi-tinh-trang-thieu-giao-vien-20210418220600516.htm

[3] https://tuoitre.vn/khi-giao-vien-duoc-chon-noi-lam-viec-2021052008485043.htm

Xuân Dương